Ngày 18/12, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 20/12, Hạ viện Anh đã thông qua dự thảo về Brexit. Đêm ngày 18/12, Hạ viện Mỹ phê chuẩn quy trình luận tội Tổng thống Trump.
Như vậy, các cơ quan lập pháp, cụ thể là Hạ viện, đang có vai trò ngày một quan trọng trong quyết sách, sự kiện quan trọng của đất nước này. Từ lâu, khác biệt quan điểm về lợi ích giữa lập pháp - hành pháp không mới và nhiều lần bùng nổ thành đối đầu “một mất, một còn”. Song nếu trước đây, nhánh hành pháp có phần lấn lướt thì hiện tại, nhánh lập pháp lấy lại vị thế vốn có.
Vì mục đích chung…
Về bản chất, đối đầu giữa Chính phủ Anh và Hạ viện đều xoay quanh cách thức tiến hành Brexit. Theo Chính phủ, Brexit cần được tiến hành nhanh nhất có thể, song Hạ viện, với nhiều nghị sỹ trong đảng cầm quyền, lại cho rằng lợi ích quốc gia chỉ được bảo toàn khi Brexit được tiến hành “chậm mà chắc”. Khi đó, Hạ viện Anh sử dụng quyền hạn được giao nhằm điều chỉnh Brexit theo hướng mong muốn, bất chấp việc đối đầu với hai Thủ tướng có lập trường cứng rắn.
Về mặt lập pháp, Hạ viện đã ba lần phủ quyết dự thảo Brexit của cựu Thủ tướng Theresa May; thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10, buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh thêm ba tháng; từ chối bầu cử sớm vào tháng 10 và chỉ chấp thuận đề xuất tương tự vào tháng 12...
Về mặt giám sát, chấn chỉnh hoạt động của Chính phủ, Hạ viện giữ vững quan điểm về Brexit, bất chấp nỗ lực hai đời Thủ tướng. Nếu bà May cố tình đưa dự thảo ra bỏ phiếu gần thời hạn Brexit để gây áp lực, ông Johnson lại thường xuyên tuyên bố sẽ tiến hành Brexit cứng nếu cần, đe dọa giải tán và bầu cử Quốc hội sớm nhằm tìm lợi thế trong phiếu bầu dự thảo Brexit.
Trong ba năm cầm quyền, cựu Thủ tướng May đã ba lần thất bại khi cố thuyết phục Hạ viện thông qua dự thảo Brexit, với nhiều nghị sỹ phản đối đến từ chính đảng cầm quyền.
Hồi tháng 9, động thái khai trừ 21 nghị sỹ đảng chỉ trích Brexit của ông Boris Johnson đã gặp sự phản đối quyết liệt của đảng Bảo thủ và tưởng chừng đặt dấu chấm hết cho Nội các. Có thời điểm, Thủ tướng không nắm đa số phiếu nghị sỹ tại Hạ viện. Các cuộc bỏ phiếu thời gian đầu nhằm thông qua dự thảo Brexit, tổ chức bầu cử sớm cũng bị Hạ viện phản đối. Tuy nhiên, ông Johnson may mắn hơn bà May khi sau ba năm đằng đẵng, các nghị sỹ Anh đã “thấm mệt” với quy trình Brexit và dần bị thuyết phục bởi tính cách quyết liệt của Thủ tướng đương nhiệm.
Hạ viện Anh tiến hành thảo luận trước khi thông qua dự thảo về Brexit ngày 20/12. (Nguồn: Reuters) |
Hay lợi ích riêng?
So với Anh, câu chuyện luận tội tại Mỹ có nhiều khác biệt. Mô hình chính trị “Tổng thống chế” của xứ cờ hoa có xu hướng nhấn mạnh tập trung quyền lực vào vai trò của ông chủ Nhà Trắng, trong khi “Quân chủ lập hiến” của xứ sở sương mù dành nhiều quyền lực hơn cho Quốc hội.
Về bản chất, việc Hạ viện Mỹ, do đảng Dân chủ chiếm đa số, phê chuẩn quy trình luận tội Tổng thống Donald Trump vì lạm quyền và cản trở hoạt động Quốc hội mang màu sắc tranh đấu chính trị giữa hai đảng lớn, hơn là bất đồng quan điểm với Chính phủ về mục tiêu chung hay lợi ích quốc gia như tại Anh. Các hoạt động điều trần, điều tra của Hạ viện chủ yếu được tiến hành bởi các nghị sỹ Dân chủ và không có sự tham gia của các nghị sỹ Cộng hòa.
So với cơ quan tương tự của Anh, Hạ viện Mỹ đã chủ động hơn khi tận dụng tối đa vai trò giám sát, chấn chỉnh quyết sách của Chính phủ được nêu trong Hiến pháp, để thu thập tài liệu, yêu cầu triệu tập, điều tra và điều trần một số quan chức Chính phủ liên quan đến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Ukraine như cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch và đương kim Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland.
Về mặt lập pháp, Hạ viện đã tiến hành bỏ phiếu, chính thức tiến hành luận tội, đưa vụ việc lên Thượng viện nhằm đưa ra kết luận cuối cùng đối với “vi phạm” của ông Trump. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện và kết quả Hạ viện hay tuyên bố của các nghị sỹ có ảnh hưởng của đảng cho thấy họ sẽ làm mọi cách để Tổng thống “trắng án”.
Dù vậy, có lẽ bản thân đảng Dân chủ và Hạ viện không còn quá quan tâm tới kết quả cuối cùng, bởi họ đã đạt được điều mong muốn. Đối với đảng Dân chủ, đó là gây xao nhãng, giảm uy tín ông Trump, khiến ông không thể tập trung triển khai chính sách, hoàn thành cam kết khi tranh cử năm 2016, tạo ưu thế cho ứng cử viên đảng này trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới. Đối với Hạ viện, đó là khẳng định tiếng nói, vai trò của các cơ quan lập pháp tại cường quốc hàng đầu thế giới, sau thời gian bị lu mờ trước nhánh hành pháp dưới thời ông Trump.
Năm 2020, Brexit bước vào giai đoạn thương thảo căng thẳng giữa London và Brussels, còn cuộc luận tội Tổng thống Mỹ tiến dần về hồi kết. Vai trò và tầm ảnh hưởng của các cơ quan lập pháp cũng vì thế sẽ được nhấn mạnh hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, còn quá sớm để khẳng định đây là xu thế mới và phổ biến bởi như lịch sử đã chứng minh, có thăng ắt sẽ có trầm.