Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 8/6, tại Rancho Mirage, bang California. |
Diễn ra chỉ một tháng sau cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Đối thoại kinh tế và chiến lược (S&ED) Mỹ-Trung lần thứ năm đã diễn ra tại Washington từ 10-11/7 vừa qua với hy vọng duy trì được đà tích cực từ cuộc gặp cấp cao với những kết quả cụ thể.
Hợp tác nhiều có thu hẹp được bất đồng?
Đúng như dự đoán, vấn đề quan trọng hàng đầu tại cuộc đối thoại lần này là vấn đề an ninh mạng. Lý do phía Mỹ đưa ra là hoạt động tình báo, gián điệp là hoạt động bình thường mà bất cứ quốc gia nào cũng tiến hành. Mỹ không phản đối các hoạt động này của Trung Quốc thì Trung Quốc cũng không nên phản đối Mỹ. Trong khi Mỹ cho rằng họ không thực hiện các hoạt động gián điệp thương mại để tăng lợi thế cạnh tranh cho các công ty Mỹ và trực tiếp gây nguy hại cho an ninh Trung Quốc, thì phía Trung Quốc lại trưng ra các bằng chứng về hoạt động do thám trên diện rộng của Mỹ nhắm vào nước này.
Trong vấn đề Triều Tiên, quan điểm của Mỹ và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn. Trước đây, Trung Quốc chỉ quan tâm đến ổn định trên bán đảo Triều Tiên mà lờ đi chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền, Trung Quốc đã có những thay đổi chính sách quan trọng, trong đó chú trọng hơn đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Điều này được Mỹ đánh giá là giúp cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên “đi đúng hướng hơn.”
Hợp tác về chống biến đổi khí hậu, giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những bước tiến tích cực. Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu Mỹ - Trung được thành lập tháng 4/2013 đã có bản báo cáo đầu tiên về hợp tác song phương trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu trong thời gian diễn ra Đối thoại lần này. Động thái này được đánh giá là bước tiến lớn trong hợp tác giữa hai quốc gia có tổng lượng khí phát thải hàng năm chiếm tới tới 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Hợp tác kinh tế thương mại song phương Mỹ-Trung là một phần không thể thiếu trong các đối thoại kinh tế và chiến lược hàng năm. Kể từ phiên đối thoại đầu tiên năm 2006, thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đến nay đã tăng gần gấp đôi, từ 267 tỷ USD lên 500 tỷ USD. Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng còn đó những bất đồng hai nước phải tập trung giải quyết như thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ, các cáo buộc Trung Quốc “ghìm” tỷ giá hối đoái, còn Trung Quốc cáo buộc Mỹ đặt ra các hàng rào phi thuế quan để gây khó dễ cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.
Thách thức vẫn còn đó
Không thể phủ nhận vai trò của đối thoại kinh tế và chiến lược đối với sự phát triển quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, cũng không dễ để Mỹ và Trung Quốc “đưa quan hệ hai nước vào khuôn khổ” chỉ thông qua các cơ chế đối thoại dạng này trong “một sớm, một chiều” vì giữa Mỹ và Trung Quốc hiện có trên 100 cơ chế đối thoại thường niên khác nhau, nhưng phần lớn trong số đó không hiệu quả. Có thể thấy một số thách thức đặt ra cho quan hệ hai nước từ cuộc đối thoại lần này:
Thứ nhất, các nhân vật đồng chủ trì phiên đối thoại lần này hoàn toàn thay đổi so với 4 vòng trước và các ông John Kerry, Jack Lew, Uông Dương và Dương Khiết Trì đều chưa từng đồng chủ trì phiên đối thoại nào trước đây. Các nhân vật này chưa có được phạm vi quyền hạn cũng như chưa thiết lập được một mối quan hệ công việc như những người tiền nhiệm của mình và điều đó phần nào hạn chế các kết quả của vòng đối thoại lần này.
Thứ hai, các khác biệt quá lớn giữa hai nước về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, an ninh mạng tại đối thoại lần này, cũng như tranh cãi giữa hai nước qua 4 vòng đối thoại trước cho thấy mâu thuẫn và nghi ngờ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ mất đi và không dễ hóa giải trong thời gian ngắn. Đặt trong bối cảnh đó, mặc dù đạt được một số kết quả cụ thể nhưng nhìn chung S&ED 2013 cũng không nằm ngoài xu thế “xây dựng lòng tin” hay “xây dựng khuôn khổ hợp tác” như các vòng đối thoại trước đây. Việc định hình một khuôn khổ “quan hệ cường quốc kiểu mới” vẫn chỉ đang ở những bước đi đầu tiên và cần không ít thời gian để hiện thực hóa.
Với tư cách là cơ chế thúc đẩy hợp tác và giảm cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, cơ chế Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì và củng cố trong thời gian tới. Một kết quả đáng ghi nhận là trong vô vàn các cơ chế “đối thoại” hàng năm, cơ chế này đã chứng tỏ tầm quan trọng không thể thay thế được của mình. Vấn đề đặt ra là để đáp ứng quan hệ đối tác-hợp tác ngày càng mở rộng giữa hai nước, Trung Quốc và Mỹ cần thay đối cách tiếp cận, không chỉ dùng cơ chế này để “đối thoại”, mà quạn trọng hơn là nơi thực thi các chính sách quan trọng.
Lại Anh Tú