Khả năng bỏ ngỏ cho đối thoại Mỹ-Triều dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: SCMP) |
Bàn về khả năng đối thoại Mỹ-Triều có thể tái khởi động dưới chính quyền Mỹ mới, tờ The Korea Times ngày 21/2 đăng bài phân tích của nhà ngoại giao kỳ cựu Cho Byung-jae, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc (KNDA) và hiện là Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc).
"Để ngỏ cánh cửa"
Theo bài viết, tại Đại hội VIII đảng Lao động Triều Tiên diễn ra trong tháng 1 vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phần nào tiết lộ lập trường của mình về vấn đề này. Trong khi "để ngỏ cánh cửa" cho các cuộc đối thoại tiềm năng, điều kiện chính mà ông Kim Jong-un nhấn mạnh vẫn là "Mỹ phải từ bỏ chính sách thù địch đối với Triều Tiên".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không quên giao nhiệm vụ cho quân đội Triều Tiên "phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật, cải thiện độ chính xác của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và đẩy nhanh sự phát triển của đầu đạn siêu thanh, tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM)".
Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền của ông Joe Biden vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể nào về Triều Tiên. Những gì Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 19/1 vẫn chỉ là những điều mà dư luận đã biết.
Theo ông Blinken, trong quá trình tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, Mỹ dự kiến sẽ xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận đối với Triều Tiên để tìm ra những lựa chọn sẽ phát huy hiệu quả trong việc gia tăng sức ép buộc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán cũng như những sáng kiến ngoại giao nào mang tính khả thi cao.
Đó cũng là một tuyên bố mang tính nguyên tắc rằng mọi thứ sẽ được xem xét "từ trên xuống dưới".
Tuy nhiên, chính quyền mới của Mỹ nên vạch ra chính sách đối với Triều Tiên càng sớm càng tốt bởi nếu không được quan tâm đúng mức, Triều Tiên có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng bằng một vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân mới. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ làm phức tạp các kế hoạch của Mỹ trong việc giải quyết ngay các vấn đề quan trọng khác như Trung Quốc và biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đề cập rằng, các biện pháp trừng phạt bổ sung (đối với Triều Tiên) vẫn có thể được sử dụng. Tuy nhiên, thực tế của vấn đề là một trong những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất đã được áp dụng đối với Triều Tiên kể từ năm 2016-2017 và vẫn còn nguyên giá trị.
Nếu có bất cứ điều gì khác khiến tình hình của Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn thì chính là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến chính quyền Bình Nhưỡng phải đóng cửa biên giới hoàn toàn. Chỉ tính riêng năm 2020 vừa qua, trao đổi thương mại với Trung Quốc, vốn từng chiếm 90% kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên, đã giảm 81% xuống còn 540 triệu USD.
Với những gì mà Triều Tiên đã và đang phải hứng chịu, Mỹ hoàn toàn không dễ dàng để khiến họ thay đổi quan điểm nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.
Một trong những cách hiệu quả nhất là gia hạn Tuyên bố chung Singapore do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết. (Nguồn: AFP) |
Gia hạn Tuyên bố Singapore là một giải pháp
Tuy nhiên, nếu Washington xem xét các biện pháp ngoại giao mà ông Antony Blinken đã nêu ra tại phiên điều trần trước đó thì một trong những cách hiệu quả nhất để làm thay đổi lập trường của Bình Nhưỡng có thể là cam kết thực thi nội dung Tuyên bố chung Mỹ-Triều năm 2018.
Điều này có vẻ không đồng bộ trước sự chỉ trích rộng rãi mà tuyên bố nhận được từ cộng đồng chính sách đối ngoại của Mỹ, song điều đáng chú ý là tuyên bố đó lại là một thỏa thuận đạt được ở cấp cao nhất.
Rodong Shinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, đã ca ngợi Tuyên bố chung Singapore khi cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un "đảm bảo rằng Tuyên bố chung về việc thiết lập mối quan hệ Triều Tiên-Mỹ mới đã được thông qua".
Chỉ cần gia hạn việc thực hiện cam kết đó, Mỹ có thể đạt được mục đích khiến Triều Tiên giữ lời hứa kiềm chế thực hiện các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, đồng thời dành thời gian xây dựng lộ trình cho tương lai.
Giá trị của Tuyên bố Singapore mang tính biểu tượng hơn là nội dung, xác định rõ 3 mục tiêu về nguyên tắc: bình thường hóa quan hệ song phương, thiết lập nền hòa bình và phi hạt nhân hóa. Các chi tiết cụ thể sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán tiếp theo và Hàn Quốc chắc chắn sẽ ủng hộ sáng kiến này.
Mỹ đang phải đối mặt với hai vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân cùng lúc, một với Triều Tiên ở đầu phía Đông của châu Á và một vấn đề khác với Iran ở đầu phía Tây.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ quay trở lại với Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), song Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif tuyên bố rằng để quay trở lại thỏa thuận, trước tiên Mỹ nên dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Iran mà chính quyền ông Donald Trump đã áp đặt.
Hơn nữa, Giám đốc Cơ quan tình báo Iran cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Tehran sẽ hủy bỏ cam kết "từ bỏ vũ khí hạt nhân".
Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự với Mỹ.
Trong bài báo đăng trên tờ The New York Times hồi năm 2018, tác giả Antony Blinken đã viết rằng: "Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là mô hình tốt nhất cho một thỏa thuận với Triều Tiên. Ưu điểm của thỏa thuận Iran là tính linh hoạt, chấp nhận một số mức độ không chắc chắn trong tương lai để đổi lấy lựa chọn tốt nhất trong tầm tay trên thực tế. Tôi hy vọng chính quyền Biden giải quyết vấn đề Triều Tiên với sự linh hoạt và quyết tâm tương tự".
Trong chuyến thăm tới Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã hứa hẹn rằng sẽ "chấm dứt có trách nhiệm các cuộc chiến đã kéo dài quá lâu" và nhiều khả năng ông ấy muốn nói đến các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, cũng không sai nếu hiểu rằng ông ấy có thể đang nhắc đến một cuộc chiến đã bắt đầu cách đây 70 năm và hiện vẫn đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.