Quan chức cấp cao Mỹ - Trung gặp nhau tại S&ED-7. |
Tuần này là thời gian quan trọng bậc nhất đối với quan hệ Mỹ- Trung trong năm 2015 khi được đánh dấu bởi vòng đối thoại thường niên đang diễn ra tại Washington từ ngày 23-24/6. Quy tụ sự tham gia của 400 quan chức cấp cao hai bên, vòng đối thoại năm nay có ba phần chính gồm Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ bảy, Tham vấn về giao lưu nhân dân-nhân dân (CPE) lần thứ sáu và Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) lần thứ năm. Các vấn đề được đề cập trong hai ngày đối thoại sẽ phản ánh rõ nét hai mặt hợp tác và cạnh tranh của mối quan hệ nước lớn vô cùng đặc biệt này.
Những câu chuyện cần nói
Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc có quá nhiều bất đồng cần phải thẳng thắn trao đổi, trong đó nhức nhối nhất có lẽ là những căng thẳng trên biển, an ninh mạng, quan hệ giữa quân đội hai nước, phòng thủ tên lửa, hạt nhân và vũ khí không gian. Xung quanh tình hình căng thẳng trên biển, vấn đề đang "nóng" trên bàn đối thoại, ngay trong buổi khai mạc S&ED lần thứ bảy, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không ngần ngại bày tỏ quan ngại và đưa ra lời cảnh cáo đối với Trung Quốc. "Những nước từ bỏ ngoại giao và dùng biện pháp áp bức cũng như hăm dọa để giải quyết tranh chấp, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước sự gây hấn của nước khác, tất cả đều chỉ rước lấy tình trạng bất ổn", ông nói.
Các quan chức Mỹ cho biết họ cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về khả năng quân sự hoá các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng cũng được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đưa ra với lời chỉ trích Trung Quốc gay gắt: "Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau các hoạt động đánh cắp những thông tin kinh doanh mật và công nghệ độc quyền của công ty Mỹ". Ông khẳng định những hoạt động như vậy là không thể chấp nhận được. Tuy vậy, ông Lew đã tránh đề cập các vụ tấn công gần đây nhằm vào máy tính của Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ mà nhiều luồng dư luận nghi ngờ có bàn tay can thiệp của chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, vòng đối thoại không phải là nơi để chỉ trích lẫn nhau mà còn để nhấn mạnh, đề cao sự hợp tác giữa hai bên. Các vấn đề mà Trung Quốc và Mỹ ít nhiều có quan điểm chung như môi trường, thoả thuận hạt nhân Iran, tình hình Afghanistan, cuộc chiến chống các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan hay những lĩnh vực hợp tác như hướng tới ký kết hiệp định đầu tư song phương (BIT), sáu chương trình hợp tác mới... được hai bên đưa ra để xoa dịu bầu không khí căng thẳng.
Khó đi đến nhượng bộ
Mục tiêu của vòng đàm phán Mỹ - Trung lần này là để giải toả những hoài nghi chiến lược, làm dịu mâu thuẫn đang có xu hướng ngày càng gay gắt và tìm được hướng đi đem lại đột phá lớn trong hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu này chỉ trong hai ngày đối thoại có lẽ là một trông đợi viển vông.
Trên thực tế, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông, không thể trùng nhau, thậm chí là mâu thuẫn đối lập. Do vậy, một trong hai bên khó có thể đi đến nhượng bộ đối với bên còn lại khi đụng chạm tới lợi ích của mình, dẫn đến triển vọng giải quyết mâu thuẫn, giải toả nghi ngờ trở nên "không tưởng". Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ - Trung gần đây có không ít những va chạm trên biển với những căng thẳng leo thang và các dự đoán về một cuộc chiến quân sự bùng nổ của hai cường quốc, vòng đối thoại này là vô cùng cần thiết để nhắc nhở hai "ông lớn" về sự cần thiết phải hợp tác với nhau bên cạnh những tranh chấp.
Những lợi ích mâu thuẫn và song trùng đặt ra cả cơ hội và thách thức cho hai cường quốc. Trong mối quan hệ Mỹ - Trung, cho dù mặt cạnh tranh luôn tồn tại đan xen thậm chí có phần rõ nét hơn bên cạnh mặt hợp tác, vòng đối thoại này đã cho hai "ông lớn" thấy rằng thế giới còn có rất nhiều việc cần đến sự hợp tác của họ. Chúng ta không cần phải kỳ vọng quá nhiều về kết quả mang tính đột phá, chỉ cần kiềm chế hai “ông lớn” tránh được xung đột quân sự gây bất ổn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đã là một thành công đáng kể mà vòng đối thoại mang lại.
Như Phó Tổng thống Joe Biden đã khẳng định trong lễ khai mạc, không chỉ Mỹ và Trung Quốc mà cả thế giới đang trông đợi vào mối quan hệ nước lớn này.
Vũ Vân Anh