Báo Washington Post (Mỹ) từng miêu tả ông Nguyễn Cơ Thạch "toả sáng ở mọi nơi ông ấy xuất hiện". (Ảnh tư liệu) |
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đánh giá Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là nhà lãnh đạo đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và hoạt động ngoại giao nói riêng, đồng thời đã tạo nên bước ngoặt cơ bản trong công cuộc xây dựng và phát triển ngành ngoại giao nước nhà. Những ý tưởng, quyết sách và sự chỉ đạo của đồng chí về phương diện này để lại nhiều bài học sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng nền ngoại giao hiện đại trong thời kỳ mới.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đưa ra những tư duy mới và áp dụng những bước đột phá giúp phá vỡ cơ chế cứng nhắc trong công tác tổ chức cán bộ, khi đứng trước tình hình đất nước đã chuyển giai đoạn từ chiến tranh sang hòa bình và yêu cầu cần có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao.
Phát huy di sản của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, đến nay Bộ Ngoại giao đã có một cơ chế hoàn chỉnh trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo. Đó cũng được coi là một “đặc sản” của Bộ Ngoại giao, đã được các cơ quan khác tham khảo học tập.
Đồng chí Vũ Hắc Bồng, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao viết trên Báo Thế giới và Việt Nam: Tôi có thể nói ngắn gọn điểm nổi bật nhất của anh Thạch: đó là người có đức, có tài… Điều ấn tượng nhất ở anh là sự thẳng thắn, bộc trực. Nói đi đôi với làm… Anh rất thích phản biện, ham phân tích để tìm ra lẽ phải. Anh khuyến khích phản biện tích cực, mang tính xây dựng, giúp những người xung quanh dễ tiến bộ…
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (1921-2021), Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm Khoa học “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại” vào hồi 8h30-11h30 ngày 16/4/2021 tại Nhà làm việc số 2 Lê Quang Đạo. Những chia sẻ về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có thể gửi qua đường link https://forms.gle/bVrS2a9TeDCxnJyt6 |
Đối với nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là một tấm gương mẫu mực toàn diện trong ngành ngoại giao, là một bậc thầy nổi bật trên các lĩnh vực nghiên cứu, tham mưu chiến lược, hoạch định các chủ trương, đường lối và chính sách.
Ông luôn nhắc nhở các cán bộ ngoại giao phải hết sức coi trọng công tác nghiên cứu, phải thường xuyên đọc, cập nhật kiến thức để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Trong công tác xây dựng ngành, ông là người có tư duy, cách làm rất mới, sáng tạo; đối với các cán bộ trẻ, ông luôn đặt niềm tin, mạnh dạn sử dụng và giao việc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình cho rằng toàn bộ công tác xây dựng ngành hiện nay của Bộ Ngoại giao, từ tổ chức bộ máy, phương thức chỉ đạo điều hành đến đào tạo và sử dụng cán bộ, văn hóa và lối sống của cán bộ, nhân viên trong ngành… đều đang dựa trên nền tảng công tác xây dựng ngành mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tạo nên từ cách đây vài thập kỷ. Những di sản Ông để lại cho ngành ngoại giao là vô giá và sẽ luôn được các thế hệ sau nhắc đến với sự ngưỡng mộ và biết ơn.
Đại sứ Trần Trọng Toàn, nguyên thư ký của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch quan niệm sâu sắc rằng muốn làm tốt công tác chuyên môn thì cần có tổ chức bộ máy và quy chế làm việc thực sự hiệu quả.
Trong phương pháp làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất chú trọng phương pháp tích lũy kiến thức qua việc nghiên cứu, ghi chép, suy nghĩ, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, tranh luận. Ông thường căn dặn cán bộ: “Muốn làm việc tốt phải có kiến thức nhưng nếu không có phương pháp tích lũy thì dù có đọc thiên kinh vạn quyển cũng không đọng lại gì trong đầu!”