Sau khi Việt Nam và Liên Xô ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 3/11/1978, ông Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp to lớn vào việc thực hiện đường lối của Đảng, coi tình hữu nghị vĩ đại và sự hợp tác toàn diện với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô E.Shevardnadzhe tại thủ đô Moskva, tháng 5/1987. Ông Vương Thừa Phong (thứ hai từ trái) trong vai trò phiên dịch. (Nguồn: NVCC) |
Liên Xô đóng vai trò là đồng minh chiến lược, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn, vô tư và hiệu quả về cả vật chất và tinh thần, về cả quân sự, chính trị, và ngoại giao. Ưu tiên đẩy mạnh hợp tác với Liên Xô là quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Hướng hoạt động cực kỳ quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam trong những năm đó là ra sức phối hợp hoạt động chặt chẽ với Liên Xô và các đối tác quan trọng ở khu vực và thế giới cũng như tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, nhất là ở Liên hợp quốc, đóng góp hiệu quả cho cuộc đấu tranh phá thế bao vây cấm vận, tiến hành đưa đất nước đổi mới và từng bước hội nhập.
Quan hệ mật thiết
Với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã nhiều lần thăm chính thức Liên Xô. Ông cũng thường tham gia thành phần đoàn cấp cao của các đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh sang Liên Xô. Ngoài ra, mỗi lúc có dịp, ông đều tranh thủ kết hợp ghé thăm Moskva trên đường đi công tác tại các nước thứ ba.
Qua nhiều dịp vinh dự được phục vụ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tôi cùng các đồng nghiệp luôn được ông quán triệt đường lối quan điểm của Đảng về mối quan hệ đặc biệt với Liên Xô. Ông thường dặn dò nhắc nhở chúng tôi cố gắng trau dồi trình độ tiếng Nga và phối hợp tốt với Bộ Ngoại giao Liên Xô, với Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội cũng như với các Cơ quan đại diện Liên Xô ở nước ngoài.
Dưới sự chỉ đạo và quan tâm sâu sắc của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Liên Xô đã ký các văn bản hợp tác thường kỳ, tiến hành trao đổi tham khảo chính trị các cấp.
Liên Xô đã giúp đào tạo số lượng lớn cán bộ ngoại giao cao cấp của Việt Nam ở Học viện Ngoại giao, Học viện Ngoại thương, Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO). Hàng trăm cán bộ ngoại giao trẻ và sinh viên trường Ngoại giao Việt Nam mới ra trường đã được đào tạo bổ túc tiếng Nga tại các trường đại học có tên tuổi ở Liên Xô.
Hai Bộ Ngoại giao cũng thường xuyên tiến hành trao đổi các đoàn cán bộ đi nghỉ mát, chữa bệnh kết hợp tham khảo chính trị, chia sẻ kinh nghiệm công tác với các đồng nghiệp của hai bên.
Các cơ quan đại diện hai nước ở nước ngoài luôn có quan hệ mật thiết, hỗ trợ phối hợp chặt chẽ trên địa bàn sở tại. Đại sứ quán Liên Xô ở các nước luôn sẵn sàng nhiệt tình giúp đỡ các cán bộ sứ quán Việt Nam về mọi mặt.
Trong những năm 1980, hầu hết các đơn vị của Bộ đều có quan hệ hợp tác trực tiếp với các đơn vị tương ứng của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Thậm chí cả Văn phòng Đảng ủy của hai Bộ Ngoại giao cũng đã thiết lập cơ chế trực tiếp trao đổi hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả.
“Phản ứng như một con hổ”
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hết sức quan tâm việc học hỏi nghiên cứu kinh nghiệm những năm đầu cải tổ của Liên Xô để thúc đẩy và áp dụng một cách sáng tạo đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Năm 1986, khi Liên Xô ban hành luật về thành lập Xí nghiệp liên doanh, tức là một hình thức thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo Đại sứ quán ta ở Moskva tổ chức nghiên cứu sâu sắc bộ luật này để góp phần rút ra những bài học cho ta.
Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam ra đời sau đó với nhiều nội dung thông thoáng và cởi mở hơn đã đánh dấu một mốc lớn trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa và hội nhập thành công của Việt Nam.
Tin liên quan |
Nhà báo trẻ từ phương Tây và cuộc phỏng vấn đầu tiên với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch |
Mỗi lần qua Liên Xô, bên cạnh các cuộc làm việc với lãnh đạo bạn, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đều tranh thủ tiếp xúc, gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu của bạn về các lĩnh vực cải cách kinh tế then chốt để trực tiếp tìm hiểu, trao đổi nghiên cứu kinh nghiệm cải tổ, qua đó đánh giá những vấn đề khó khăn của Liên Xô nhằm rút ra những bài học quý báu cho đổi mới ở Việt Nam.
Tôi nhớ có lần trong câu chuyện với bạn, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đặt cả những câu hỏi rất cụ thể như: tại sao khi người nước ngoài đến Liên Xô thì thủ tục nhập cảnh lại khá lâu trong khi đi qua các cửa khẩu các nước tư bản thì lại nhanh gọn hơn…
Các đồng chí lãnh đạo Liên Xô cũng luôn dành cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch những tình cảm tốt đẹp và sự đánh giá rất cao. Mỗi lần ông qua Moskva đều được Lãnh đạo bạn chào đón trọng thị. Không ít lần lãnh Bộ Ngoại giao Liên Xô đã nghênh tiếp và trao đổi tin cậy với ông tại khu nghỉ mát cao cấp Mesherino ở ngoại ô Moskva.
Một lần, tôi được cử đi dịch cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô M.Kapitsa trên chuyến chuyên cơ của bạn đưa đồng chí Trường Chinh sang thăm Moscow.
M.Kapitsa là một nhà ngoại giao sừng sỏ, nhà thương thuyết đối ngoại kỳ cựu của Liên Xô, Giáo sư Đại học Tổng hợp Lomonosov MGU, đã dùng những lời lẽ hết sức tốt đẹp để đánh giá người đối thoại. Đặc biệt ông rất thích thú và khâm phục cách trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trước những vấn đề mới đặt ra mà ông gọi là “phản ứng như một con hổ”.
Đại sứ Vương Thừa Phong. |
Trường hợp hy hữu thú vị
Tôn trọng Liên Xô, tôn trọng bạn bè quốc tế, không nề hà trước mọi công việc để sẵn sàng hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các tình huống lễ tân ngoại giao lúng túng tế nhị của bạn. Đó là điều mà chúng tôi học tập được ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất nhiều.
Một trường hợp hết sức hy hữu tôi muốn kể là có lần tôi được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch làm… phiên dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt cho tôi để tôi chuyển ra tiếng Nga cho các bạn Liên Xô.
Đó là hồi đầu năm 1984, Liên Xô đưa chuyên cơ sang Hà Nội đón cả lãnh đạo cấp cao ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia sang dự một sự kiện lớn quan trọng ở Moskva. Khi máy bay quá cảnh ở Kazakhstan, tại nhà ga sân bay Aktyubinsk đã diễn ra một cuộc tiếp khách đầy thú vị. Vị Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Aktyubinsk cùng toàn bộ Ban lãnh đạo tỉnh ra đón cả ba đoàn vào phòng khách và mở tiệc chiêu đãi trọng thể.
Lãnh đạo tỉnh này có lẽ chẳng mấy khi được dịp tiếp khách quốc tế ở cấp cao như vậy nên họ rất tranh thủ nói và cố mời cho bằng được các trưởng đoàn mỗi người phát biểu một bài. Vì vậy mà tôi cũng phải làm công tác phiên dịch khá vất vả.
| Những điều học được từ đồng chí Nguyễn Cơ Thạch |
Điều đáng nhớ nhất là khi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia phát biểu. Do ông Heng Samrin không nói được tiếng Việt như Chủ tịch nước Lào Souphanouvong, trong đoàn Campuchia lại chẳng có lấy một người nào đủ trình độ phiên dịch tiếng Nga hay tiếng Việt cả.
Trong lúc tất cả mọi người trở nên rất lúng túng thì Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đứng ngay dậy, chủ động đề nghị một vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao Campuchia đi trong đoàn (ông Soc An) dịch cho ông Heng Somrin nói tiếng Khmer ra tiếng Pháp, rồi ông Thạch lại dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt cho tôi để tôi chuyển ra tiếng Nga.
Thế là chỉ một người nói (ông Heng Samrin) mà cùng một lúc cả bốn người đứng dậy để dịch cho một người khác nghe. Phải sau khi nghe đủ bốn người nói thì phía chủ nhà mới hiểu được là vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia nói gì.
Sau buổi tiếp, có mấy người Nga cứ xúm vào hỏi tôi là: “Vừa nãy ai nói tiếng gì thế?”. Riêng tôi thì cứ nhớ mãi cảm giác đặc biệt “có một không hai” khi được thấy Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đang đóng vai trò phiên dịch cho mình trong một bữa tiệc ngoại giao trang trọng như vậy.
Thẳng thắn mà vẫn coi trọng
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ta bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Liên Xô, không ít thế lực ở phương Tây xuyên tạc sự hợp tác này, coi Việt Nam phải bán sức lao động để trả nợ cho Liên Xô. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thẳng thắn bác bỏ, khẳng định hợp tác lao động với Liên Xô thể hiện sự hợp tác toàn diện.
Lao động đưa sang Liên Xô là dựa theo các hiệp định được chính phủ hai bên thỏa thuận với những điều khoản chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, vì lợi ích của cả hai nước Việt Nam và Liên Xô; hợp tác lao động Việt-Xô khác hẳn với lao động tự do di cư ở phương Tây, khi mà quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.
Khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sắp nghỉ, ông vẫn dành thời gian tiếp và mở tiệc chiêu đãi Đại sứ Liên Xô đến chào từ biệt. Đại sứ Liên Xô nói: “Sắp tới đồng chí Nguyễn Cơ Thạch mà nghỉ thì nền ngoại giao Việt Nam và quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ rất thiếu ông”.
Bộ trưởng Thạch liền trả lời: “Trên đời này chả ai thiếu ai cả. Đồng chí nào thay tôi cũng sẽ làm việc tốt, thực hiện đường lối của Đảng, bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Liên Xô và bạn bè”.
Đáng chú ý, trong quan hệ với Liên Xô, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn giữ thái độ kính trọng và đánh giá cao vị thế và vai trò của Liên Xô, đồng thời bảo đảm giữ vững quan điểm lập trường và lợi ích dân tộc của Việt Nam.
Vào giai đoạn sau của cải tổ, khi Liên Xô từng bước rơi vào khủng hoảng và bắt đầu đơn phương từ bỏ các cam kết quốc tế trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch càng thể hiện khẳng định mạnh mẽ tinh thần độc lập tự chủ của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại.
“Không chỉ là cái thùng thư”
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn chỉ đạo và căn dặn chúng tôi phải chú ý nghiên cứu thông tin về tình hình sở tại một cách khoa học và khách quan. Ông rất không thích những báo cáo ở ngoài gửi về hoặc ở Vụ trình lên mà thiếu hàm lượng đánh giá nhận xét. Ông thường căn dặn anh em là “sứ quán là tai mắt của trong nước” nhưng không chỉ là cái “thùng thư” chuyển tải thông tin cho nước sở tại.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, mọi thông tin về Liên Xô và chính sách đối nội đối ngoại của Liên Xô chúng tôi đều cố gắng tổng hợp toàn diện, phân tích kỹ và đánh giá sâu trước khi làm báo cáo gửi về.
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị Paris: Bộ đôi nòng cốt Nguyễn Cơ Thạch - William Sullivan |
Khi Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan và gợi ý ta xem xét rút quân khỏi Campuchia: Tháng 5/1987, tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô E.Shevardnadze ở Moskva, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã làm một bản so sánh, phân tích một loạt các đặc điểm khác nhau giữa hai vấn đề Afghanistan và Campuchia.
Ông nhấn mạnh với các đồng chí Liên Xô sự khác biệt lớn nhất là Việt Nam vào Campuchia là để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của bọn Pol Pot Khmer Đỏ. Chừng nào nguy cơ diệt chủng vẫn còn thì quân đội tình nguyện Việt Nam còn phải tiếp tục ở lại bên cạnh nhân dân Campuchia.
Nhiều người còn nhớ ngày 17/9/1988, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Gorbachev phát biểu tại thành phố Krasnoyarsk ở Siberia về chính sách châu Á-Thái Bình Dương đã tuyên bố: Liên Xô sẵn sàng rút quân khỏi Cam Ranh nếu Mỹ cũng rút khỏi các căn cứ quân sự ở Philippines.
Ngay sau đó, khi trả lời câu hỏi của phóng viên phương Tây về phản ứng của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã lập tức khẳng định một cách rõ ràng: Cam Ranh là cảng chiến lược của Việt Nam, việc sử dụng Cam Ranh như thế nào là thuộc về chủ quyền của Việt Nam.
Phản ứng kịp thời của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã được dư luận hoan nghênh và đánh giá cao. Tuy nhiên rất ít ai biết rằng tuyên bố của ông đã làm cho M.Gorbachev không hài lòng, đến mức đã nêu vấn đề cả với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong một cuộc hội đàm tại điện Kremlin diễn ra chỉ 3 hôm sau đó…
*Ông Vương Thừa Phong nguyên là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Anh, Cộng hòa Séc và Bỉ.