Chẻo U Mẩy ở bản Hoàng Liên Sơn II, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là nạn nhân nạn mua bán người đã trở về gia đình và tái hòa nhập cộng đồng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thực trạng nhức nhối
Hiện nay, trên thế giới, hoạt động mua bán người tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng mua bán người thông qua hình thức di cư lao động trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang các nước châu Âu.
Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) công bố, hiện trên toàn thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và con số này tiếp tục tăng lên mỗi ngày.
Nguyên nhân được xác định là do khủng bố, xung đột, bạo lực..., nhiều người trong số đó đã bị lợi dụng, trở thành "miếng mồi béo bở" cho các đối tượng của hơn 510 đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép và có liên quan đến các đối tượng buôn người.
Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các khu vực các nước Tiểu vùng Mekong vẫn là điểm nóng của tình trạng buôn bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính, lợi nhuận mà các đối tượng buôn người thu được lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, giai đoạn từ 2016-2020, cả nước xảy ra khoảng 1.300 vụ buôn bán người, do hơn 1.700 đối tượng thực hiện khiến khoảng 3.000 người trở thành nạn nhân - họ là những người chủ yếu sinh sống ở khu vực các tỉnh biên giới.
Các đối tượng buôn người thường là những người có tiền án, tiền sự, là người nước ngoài thông qua các công ty môi giới vào Việt Nam hoạt động kinh doanh, sau đó lợi dụng sơ hở và hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Ngoài ra, các đối tượng khác gồm những người từng là nạn nhân, người lấy chồng nước ngoài khi trở về thăm nhà đã dụ dỗ và lừa bán phụ nữ, trẻ em trong khu vực, thậm chí là người thân trong gia đình; những người lợi dụng việc buôn bán, kinh doanh dịch vụ dọc biên giới…
Các đối tượng này thường nhắm đến những người ở khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin; hoặc một số người trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Qua điều tra và phát hiện, những khoản lợi nhuận khổng lồ phía sau mỗi vụ buôn người, sự mất cân bằng về giới, sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em trở thành “món mồi béo bở” cho những kẻ buôn người.
Các đối tượng còn lợi dụng sự bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực như người nước ngoài, hộ khẩu, biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và con nuôi có yếu tố nước ngoài; việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được coi trọng, làm cho một bộ phận dân cư sa vào lối sống vật chất, bất chấp pháp luật.
Đặc biệt, thủ đoạn lừa bán của các đối tượng này ngày càng tinh vi xảo quyệt, hình thành các đường dây, băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia gây khó khăn cho công tác điều tra và giải cứu nạn nhân.
Thực hiện pháp luật về hỗ trợ nạn nhân
Trước thực trạng mua bán người ngày càng có những diễn biến phức tạp, mặc dù phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch Covid-19, nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cùng các bộ, ban, ngành luôn coi công tác phòng chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, ban hành nhiều văn bản quy định và triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn loại tội phạm này. Đồng thời, quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Theo đó, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn và thi hành Luật phòng chống mua bán người cụ thể, đồng bộ và có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi trong việc thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.
Quốc hội đã ban hành 3 Luật gồm: Luật phòng, chống mua bán người năm 2012, Bộ Luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chính phủ ban hành 2 Nghị định gồm Nghị định 62 năm 2012 và Nghị định 09 năm 2013.
Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định gồm Quyết định số 1427 năm 2011 và số 2546 năm 2015, phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.
Cùng với đó, các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng các quy trình quy chuẩn rõ ràng về công tác xác minh, tiếp nhận bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong nước và mua bán ra nước ngoài, các chính sách chế độ cụ thể để hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
Trong đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng 3 Thông tư, Thông tư liên tịch; ban hành Quyết định số 1724 năm 2012 và Quyết định số 1057 năm 2016 phê duyệt Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân, phối hợp với tổ chức quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra công tác hỗ trợ nạn nhân.
Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép việc hỗ trợ nạn nhân với chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Tính từ giai đoạn 2016-2020, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu và tiếp nhận khoảng 2.000 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Các nạn nhân tập trung tại một số tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang…
Trong đó, 100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ giúp nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Ước vọng của một nạn nhân bị mua bán trở về và được hỗ trợ ở Nhà tạm lánh ở Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Để kịp thời giúp các nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng, các địa phương đã thông qua nhiều hình thức khác nhau hỗ trợ nạn nhân và bước đầu đạt được hiệu quả tích cực.
Trong đó, hầu hết, các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu ngay lập tức đều được cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu, trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình…
Trở về địa phương, họ được hỗ trợ pháp lý như làm thủ tục hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, hỗ trợ học nghề, việc làm, học văn hóa và được bảo vệ khi tố giác tội phạm.
Tại một số địa phương như Lào Cai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, thông qua các các dự án đã có các Trung tâm, Nhà tạm lánh dành cho những nạn nhân vừa bị mua bán trở về.
Tại đây, họ được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội và được tiếp cận với các dịch vụ ngoài Trung tâm để học văn hóa, học nghề và khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Nhờ vậy, các nạn nhân sau khi trở về đạt tỷ lệ cao về hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, các địa phương thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng để tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ tạo việc làm để có mức thu nhập ổn định; hỗ trợ vay tín dụng, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.
Không chỉ vậy, các nạn nhân vừa bị bán trở về còn được các Dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật tổ chức các mô hình có tính hiệu quả và thực tiễn cao.
Trong đó, phải kể đến các mô hình như “Nhóm tự lực” tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, mô hình “kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại Hải Phòng và mô hình “phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại Đà Nẵng…
Với những thành công bước đầu của các dự án trên đã giúp các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các hỗ trợ hòa nhập cộng đồng bền vững, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả từ đó, giúp họ có thu nhập và dần ổn định cuộc sống.