Tuy nhiên, theo nhận định hôm 20/9 của tờ The Financial Times, dự án vốn gây nhiều tranh cãi này vẫn tiếp tục chia rẽ chính trường cũng như dư luận Anh, trong bối cảnh vương quốc này khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Phải chăng nước Anh sẽ "bội thu" lợi ích khi Hinkley Point được triển khai với 1/3 nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc? Thật khó tìm ra câu trả lời vào thời điểm hiện nay, bởi đây không phải là một bài toán kinh tế đơn thuần mà đan xen nhiều yếu tố phức tạp.
Đảm bảo an ninh năng lượng
Đồng ý ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point là quyết định chiến lược lớn nhất của bà May kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh thay ông David Cameron. Theo kế hoạch, Hinkley Point sẽ là bước khởi đầu cho sự ra đời hàng loạt lò phản ứng hạt nhân mới nhằm giải quyết vấn đề năng lượng cho Vương quốc Anh.
Nếu nhìn lại lịch sử, ngay từ khi được đề xuất lần đầu tiên năm 2007, Hinkley Point đã châm ngòi cho nhiều tranh cãi gay gắt. Giờ đây, dư luận vẫn băn khoăn với những câu hỏi thường trực về tính cấp thiết, chi phí, tiến độ dự án, vai trò của Trung Quốc...
"An toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu" là nguyên tắc vận hành nhà máy điện Hinkley Point. (Nguồn: IBTimes) |
Trong nỗ lực giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Anh sẽ đóng cửa nhiều cơ sở phát điện vào năm 2030, đặc biệt là những nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá. Anh cũng lên kế hoạch thay thế dần các lò phản ứng hạt nhân thế hệ cũ. Hiện vẫn có 8 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, cung cấp 1/5 sản lượng điện cho toàn quốc. Dự kiến, chỉ có một trong số này sẽ tiếp tục được duy trì sau năm 2030.
Trên nền bức tranh toàn cảnh về năng lượng, người ta có thể dễ dàng lý giải cho quyết định của Chính phủ Anh đối với Hinkley Point. Theo tính toán sơ bộ, nhà máy điện hạt nhân này khi đi vào vận hành có thể đáp ứng 7% nhu cầu tiêu thụ điện trên thị trường. Vì thế, đây được coi là một bước đi quan trọng nhằm thay thế những nhà máy điện cũ, tiến tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng.
Những ảnh hưởng tiêu cực
Tuy nhiên, những người chỉ trích lại có quá nhiều lý do để phản đối dự án Hinkley Point. Trước tiên, họ đặt câu hỏi về chi phí xây dựng nhà máy. Toàn bộ chi phí xây dựng sẽ do Tập đoàn Năng lượng EDF (Pháp) làm chủ đầu tư với sự tham gia đóng góp 33% vốn của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc những người đóng thuế tại Anh sẽ được miễn đóng góp trong trường hợp chi phí xây dựng Hinkley Point bị phụ trội. Đổi lại, Anh sẽ đảm bảo mức giá 92,50 Bảng cho mỗi MWh trong vòng 35 năm (bằng một nửa thời gian hoạt động của nhà máy), và có thể tăng lên cho tương thích với tỷ lệ lạm phát.
Cũng theo ý kiến của phe phản đối, Anh có nhiều lựa chọn khả thi hơn Hinkley Point. Bốn cơ sở sản xuất điện gió dọc bờ biển kết hợp dùng khí đốt mỗi khi trời lặng gió cũng có thể sản xuất đủ 3,2 GW như nhà máy Hinkley Point. Trong khi đó, chính sách trợ giá cho phong điện chỉ kéo dài 15 năm, chứ không phải 35 năm như Hinkley Point.
Một góc nhà máy điện Hinkley Point. (Nguồn: BBC) |
Năm 2007, Giám đốc điều hành EDF tại Anh, ông Vincent de Rivaz đã dự đoán người dân “xứ sở sương mù” có thể sử dụng điện từ nhà máy Hinkley Point để nướng gà tây chuẩn bị cho tiệc Giáng sinh 2017. Giờ đây, thời điểm nhà máy đi vào hoạt động đã bị đẩy lùi đến năm 2025, cũng là lúc Chính phủ Anh đóng cửa nhà máy nhiệt điện cuối cùng sử dụng than đá. Như vậy, bất cứ sự chậm trễ nào của dự án Hinkley Point cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động cung cấp điện cho toàn bộ thị trường Anh.
Lịch sử hoạt động của EDF cũng đang thách thức sự kỳ vọng của những người ủng hộ dự án Hinkley Point. Các nhà máy do EDF xây dựng tại Pháp và Phần Lan đều chậm tiến độ hàng năm trời với những khoản chi phí phụ trội lớn hơn nhiều so với mức ban đầu.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến vai trò của nhà đầu tư Trung Quốc trong dự án Hinkley Point. Trung Quốc đóng góp 33% vốn thông qua Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) và Tổng công ty Điện hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC). Trên thực tế, số tiền 6 tỷ Bảng mà nhà đầu tư Trung Quốc cam kết đóng góp đã hóa giải những căng thẳng về vốn mà EDF đang đối mặt.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May lại tỏ ra quan ngại về vai trò của Trung Quốc trong dự án có tầm chiến lược này. Chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức Thủ tướng, bà May đã quyết định hoãn thông qua dự án Hinkley Point để đánh giá lại dự án trên nhiều phương diện khác nhau.
Theo nhìn nhận của giới phân tích, Hinkley Point sẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc quảng bá công nghệ hạt nhân của mình với thế giới. Trong khi đó, Chính phủ Anh cho rằng các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần phải có "khuôn khổ pháp lý mới", và Thủ tướng May nhấn mạnh tới những biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước khi dự án được triển khai.