📞

Dự cảm từ một điều chỉnh chính sách

08:00 | 10/01/2019
Năm 2019 sẽ không hề yên ả đối với chính quyền Đài Bắc trước áp lực ngày một gia tăng xuất phát từ điều chỉnh chính sách và thái độ của Bắc Kinh. 

Trong bài phát biểu ngày 2/1 kỷ niệm 40 năm Trung Quốc công bố “Thư gửi Đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Sự thống nhất giữa hai bờ eo biển (Đài Loan) là xu hướng vĩ đại của lịch sử…”, đồng thời “không hứa từ bỏ sử dụng vũ lực” để đạt được mục đích. Ông cũng kêu gọi Đài Loan (Trung Quốc) chấp nhận cách tiếp cận “Một quốc gia, hai chế độ” và tiến hành “các cuộc tham vấn dân chủ” giữa đại diện của cả hai bên để chuẩn bị cho quá trình thống nhất.

Nước cờ cao tay

Căng thẳng giữa hai bờ eo biển không còn xa lạ, song tuyên bố trên của Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sự điều chỉnh chính sách và đặc biệt là thái độ kiên quyết của Bắc Kinh đối với Đài Bắc. Có thể thấy, bốn mục tiêu của động thái này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu ngày 2/1/2019. (Nguồn: AP)

Đầu tiên, nó là một lời răn đe đối với chính quyền Đài Loan và khẳng định lại cam kết của Bắc Kinh trong việc thống nhất hai bờ. Bên cạnh đó, tuyên bố của ông Tập được đưa ra ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng Dân tiến (DPP) thay thế cho bà Thái Anh Văn và đã ít nhiều khiến nội bộ đảng này phân hóa. Phải đến khi các chính trị gia lão làng trong DPP bày tỏ chính kiến, kết quả mới ngã ngũ. Tân Chủ tịch Trác Vinh Thái là người có quan hệ gần gũi với bà Thái Anh Văn, song lại mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm và có thể giúp DPP giành lại sự ủng hộ để chiến thắng trong cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan vào năm 2020.

Thứ hai, thông điệp của Trung Quốc cũng nhằm cảnh cáo Washington không can thiệp vào quan hệ nội bộ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, nhất là khi quan hệ giữa Mỹ - Đài Loan đã ấm lên trong thời gian vừa qua. “Một quốc gia, hai chế độ” là nền tảng trong bang giao Mỹ - Trung và Tổng thống Donald Trump đang có nhiều hành động đi ngược lại với tôn chỉ đó.

Thứ ba, thông qua vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, nhằm giải tỏa áp lực và thậm chí cả chỉ trích trong nội bộ Trung Quốc, trước dấu hiệu cho thấy nước này đang “đuối sức” trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Trong tình thế đó, không có chiến thuật nào hiệu quả hơn là khơi dậy chủ nghĩa dân tộc. Và với người Trung Quốc, không có vấn đề dân tộc nào nhạy cảm hơn, có khả năng tập hợp hơn là vấn đề Đài Loan.

Cuối cùng, Trung Quốc muốn gửi một thông điệp cứng rắn tới các quốc gia và vùng lãnh thổ còn giữ quan hệ với Đài Loan, hướng tới cô lập Đài Bắc, tạo điều kiện cho thống nhất hai bờ eo biển.

Bóp quả hồng mềm

Người Trung Quốc có thành ngữ “bóp quả hồng mềm”, ám chỉ những việc có thể thực hiện dễ dàng và không tốn nhiều sức lực. Tuy nhiên, Đài Bắc đang cho thấy họ không phải “quả hồng mềm” để Bắc Kinh có thể dễ dàng nắm bắt. Sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã khẳng định sẽ không chấp thuận dàn xếp chính trị “Một quốc gia, hai chế độ” với Trung Quốc. Ngày 6/1, bà cũng lên tiếng ủng hộ Anh thành lập căn cứ quân sự tại Đông Nam Á, cho phép London dễ dàng triển khai lực lượng tới Đông Á.

Đáng chú ý, khác với nhiều đồn đoán, việc ông Trác Vinh Thái trở thành Chủ tịch DPP được cho là nhằm bổ trợ, hơn là thay thế bà Thái Anh Văn trong tương lai gần. Ngay cả khi nhà lãnh đạo Đài Loan không giành được sự tín nhiệm của người dân trong các vấn đề chính sách khác, đường lối cứng rắn về vấn đề chủ quyền của vẫn tiếp tục được nhiều chính trị gia lão làng trong đảng DPP ủng hộ.

Sự tự tin của Đài Bắc còn đến từ quan hệ ngày một ấm lên với Washington. Hồi tháng Chín, Mỹ đã triệu hồi quan chức ngoại giao ở Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama nhằm phản đối việc các nước này, dưới sức ép chính trị và kinh tế từ Trung Quốc, cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Quan trọng hơn cả, Washington đã thể hiện rõ nét sự ủng hộ dành cho Đài Loan thông qua Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA), được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua vào ngày 31/12/2018. Văn bản này đã dành hẳn một phần (Chương I, Điều 209) khẳng định cam kết của Mỹ, trong đó có đoạn yêu cầu Tổng thống “phê chuẩn hoạt động chuyển giao vũ khí cho Đài Loan, phù hợp với những mối đe dọa hiện tại và tương lai đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa… ủng hộ việc đi lại của quan chức cấp cao tới Đài Loan.”

Việc điều chỉnh chính sách của Mỹ cho thấy Washington đang không ngại đi ngược lại chính sách “một nước Trung Quốc” của Bắc Kinh, trong khi đàm phán thương mại đang tiếp tục căng thẳng. Điều này đã khiến bài phát biểu kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung lại trở thành dịp để Bắc Kinh thể hiện sự cứng rắn và nhất quán với Washington trong vấn đề chủ quyền.  Với bước điều chỉnh chính sách lần này, rõ ràng vấn đề Đài Loan dành được vị trí ưu tiên cao hơn trước trong chính sách của Trung Quốc.

Bài toán hòa bình và ổn định hai bờ eo biển Đài Loan, vốn chưa bao giờ dễ dàng, nay lại càng trở nên phức tạp, tạo dự cảm về một điểm nóng tiếp tục nung nấu trong năm 2019 này.