📞

Dự luật Nhà nước Do Thái của Israel: Đưa hoà bình vào ngõ cụt

12:16 | 28/11/2014
"Tôi quyết tâm thông qua đạo luật này dù có đạt được sự đồng thuận hay không. Điều này có vai trò hết sức quan trọng để bảo đảm tương lai cho quốc gia, lãnh thổ, và Nhà nước Israel... Những nguyên tắc mà tôi muốn thúc đẩy chỉ để thể hiện Israel là một Nhà nước Do Thái vẫn bảo vệ các quyền con người", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại cuộc họp hàng tuần của đảng Likud.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Khắc sâu mâu thuẫn

Với 14 phiếu thuận, 6 phiếu chống, nội các Israel đã thông qua một dự luật gây tranh cãi về việc xác định Israel là Nhà nước của người Do Thái vào ngày 23/11 vừa qua. Dự luật xác định bản chất Nhà nước Israel là Nhà nước của người Do Thái và tiếng Do Thái là ngôn ngữ chính thức, trong khi tiếng Ả rập chỉ giữ một "vị trí đặc biệt". Dự luật nhấn mạnh tính Do Thái nhiều hơn so với tính dân chủ của Nhà nước trong diễn giải luật, theo đó nêu rõ Chính phủ sẽ tiến hành định cư người Do Thái trong lãnh thổ của mình, trong khi không đề cập gì tới 1,7 triệu người gốc Ả rập chiếm gần 20% trong tổng dân số của Israel.

Điều đáng chú ý là dự luật này được thông qua trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa người Do Thái, người Israel gốc Ả rập và người Palestine. Dự luật, tất nhiên, giống như một động thái "đổ thêm dầu vào lửa", làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn vốn đã khó dung hoà hiện tại. Những vụ xung đột, tấn công đẫm máu liên tiếp xảy ra trên lãnh thổ Israel sau khi thông tin về việc thông qua dự luật được công bố chính thức. Bất chấp những phản ứng tiêu cực từ bên trong nội bộ Israel cũng như phía cộng đồng quốc tế, chính quyền của ông Netanyahu vẫn thể hiện quyết tâm tiến tới ban hành dự luật.

Những người chống đối cho rằng dự luật là một hình thức thể chế hóa sự phân biệt đối xử đối với người Israel gốc Ả rập còn theo lý lẽ của những người ủng hộ, đây chỉ là sự xác nhận chính thức bản chất của quốc gia Trung Đông này. Cho dù với mục đích phân biệt chủng tộc hay khẳng định cội nguồn thì rõ ràng, dự luật Nhà nước Do Thái giống như một "đòn chí mạng" đối với tiến trình hoà bình Trung Đông.

Đâu là lối thoát?

Cuộc xung đột giữa Israel với Palestine và các quốc gia Ả rập kéo dài hơn 60 năm qua luôn được xác định là "nút thắt" của tiến trình hoà bình Trung Đông bởi lẽ nguồn gốc sâu xa của cuộc xung đột dài nhất lịch sử này chứa đựng những yếu tố về lãnh thổ, tôn giáo và sắc tộc. Dự luật về Nhà nước Do Thái được Israel thông qua không những đã nhắc lại hầu hết những mâu thuẫn nan giải ấy mà dường như còn thêm phần khẳng định rằng họ chưa sẵn sàng dung hoà những khác biệt, đặc biệt về sắc tộc.

Nhìn lại lịch sử xung đột giữa hai dân tộc, người Do Thái và người Phoenicia vốn là tổ tiên của người Ả Rập - Palestine đã có mặt trên bán đảo Canaan kéo dài từ Địa Trung Hải đến sông Jordan ngày nay từ hơn 2.000 năm TCN. Người Do Thái đã phải trải qua những thăng trầm của lịch sử, những cuộc tàn sát đẫm máu từ khi lập quốc cho đến khi mất nước phải sống lưu vong khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, bộ tộc người Ả rập du mục sinh sống và phát triển ở đây trở thành người Palestine ngày nay. Máu và nước mắt đã khiến dân tộc Do Thái luôn nung nấu một khát vọng phục quốc. Và thời cơ đến, một làn sóng người Do Thái sống sót sau cuộc diệt chủng của phát xít Đức đã quay trở về Palestine dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Điều này bắt đầu khiến cho người Palestine lo sợ cho mái nhà của mình và các nước Ả rập cũng phải e ngại. Dân tộc Palestine cũng không ngừng đấu tranh để giành độc lập và bảo vệ lãnh thổ nơi người Ả rập Palestine coi là mảnh đất quê hương của họ. Những bằng chứng lịch sử vốn mơ hồ và khó phân định rạch ròi giữa đúng và sai khi cả hai dân tộc đều có cơ sở để cho rằng họ đang bị xâm lược.

Dễ dàng thấy được rằng, khó có thể có được một phương án trọn vẹn để giải quyết triệt để những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột này. Tiến trình hoà bình Trung Đông sẽ vẫn chìm trong bế tắc nếu như các dân tộc Trung Đông này vẫn giữ tinh thần "hiếu chiến", sẵn sàng "tử vì đạo". Hoà bình không thể được thiết lập giữa những con người luôn sẵn sàng chiến đấu thay vì thoả hiệp. Dự luật về Nhà nước Do Thái của Israel là một minh chứng nữa cho tinh thần không thoả hiệp của chính quyền Israel. Nếu dự luật này được thông qua, mảnh đất Trung Đông có nguy cơ lại phải chứng kiến những thảm kịch khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, đến nay sự tranh cãi trong chính nội các của quốc gia này đã dẫn tới quyết định lùi thời điểm bỏ phiếu tại Quốc hội về vấn đề này chậm một tuần so với dự kiến vào ngày 26/11. Đây chỉ là một động thái nhằm "trấn an" dư luận hay thực sự là "tia sáng nơi cuối đường hầm" cho những người dân Trung Đông trước nguy cơ xung đột leo thang?

Vũ Vân Anh