TIN LIÊN QUAN | |
Liên tiếp xảy ra các vụ tấn công cảnh sát tại Thổ Nhĩ Kỳ | |
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn |
Từng bước cải thiện quan hệ
Ngày 8/3, phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu, Ngoại trưởng Đức Gabriel tuyên bố, mặc dù vẫn còn một số khác biệt và tranh cãi, nhưng Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí cho rằng hai bên sẽ hợp tác để từng bước tái lập mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện vốn bị xói mòn sau những căng thẳng vừa qua.
Theo Ngoại trưởng Đức, đối thoại là giải pháp duy nhất để từng bước bình thường hóa quan hệ hai nước, đồng thời khẳng định Berlin “sẽ làm tất cả những gì có thể” để duy trì đối thoại với Ankara. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cũng lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng bất cứ so sánh nào với thời kỳ Đức quốc xã là "giới hạn đỏ" không thể vượt qua.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Nguồn: The Star Online) |
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đã đến tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế - ITB Berlin 2017 tại thủ đô Berlin và tới thăm khu vực quảng bá nghỉ dưỡng Alanya trong Hội chợ. Tại ITB Berlin 2017, Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cũng an toàn như Đức và nhiều chính trị gia Đức đã dành thời gian để nghỉ ngơi tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng trấn an du khách Đức không nên lo lắng, đồng thời khẳng định những "người bạn Đức" sẽ được nghỉ ngơi tại các khách sạn tốt nhất, những khu nghỉ dưỡng tốt nhất và tìm hiểu nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Dấu mốc quan trọng
Quan hệ giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi khi Quốc hội Liên bang Đức hồi tháng 6/2016 bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho rằng vụ thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng.
Mâu thuẫn giữa hai nước lại càng nảy sinh kể từ cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Đức đã lên án chiến dịch bắt giữ hàng trăm nhà báo mà không thông qua xét xử của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ankara cáo buộc chính quyền Berlin cung cấp nơi ẩn náu cho các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân cách mạng (DHKP-C). Tuy nhiên, phía Đức luôn phủ nhận những cáo buộc này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc biệt, căng thẳng leo thang nghiêm trọng khi ngày 27/2, tòa án tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh tạm giam đối với Deniz Yucel, 43 tuổi, phóng viên báo Die Welt (Thế giới) của Đức với cáo buộc tuyên truyền ủng hộ khủng bố và kích động thù hận.
Phóng viên Yucel, người mang cả hai quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, bị bắt từ hôm 18/2 sau khi đưa tin về một cuộc tấn công mạng nhằm vào hòm thư điện tử cá nhân của Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak. Tờ Die Welt cho biết các thư điện tử trên nêu rõ những kế hoạch nhằm kiểm soát các cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và thao túng dư luận thông qua các tài khoản giả trên mạng xã hội.
Người Đức tuần hành kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho phóng viên Deniz Yucel. (Nguồn: Getty Images) |
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ phóng viên Yucel đã khiến giới chức Đức phản đối mạnh mẽ và kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho phóng viên này đồng thời cảnh báo vụ việc sẽ gây thêm những ảnh hưởng tiêu cực và làm phương hại nghiêm trọng mối quan hệ song phương.
Tiếp đó, ngày 2/3, chính quyền tại thành phố Gaggenau ở miền Tây nước Đức đã hủy bỏ cuộc mít-tinh của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ với lý do không đủ chỗ trong hội trường. Cuộc mít-tinh này có sự tham dự của Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nhằm vận động người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý để tăng thêm quyền lực cho tổng thống vào tháng 4 tới.
Quyết định hủy cuộc mít-tinh đã khiến ông Bozdag thông báo hủy cuộc gặp với Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas và trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cũng đã triệu tập Đại sứ Đức tại Ankara để phản đối quyết định hủy cuộc mít-tinh.
Cùng ngày, chính quyền địa phương tại các thành phố Cologne, Frechen và Hamburg cũng quyết định hủy các cuộc mít-tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra ở Golden Palast vào ngày 5/3 với sự tham dự của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu và Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci, với lý do bên cho thuê địa điểm không đồng ý cho tổ chức một sự kiện mang tính chính trị.
Phản ứng trước quyết định hủy bỏ các cuộc mít-tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại một số thành phố của Đức, ngày 3/3, Thổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cáo buộc Berlin có những "hành động như chế độ phát-xít". Sau tuyên bố của Tổng thống Erdogan, giới chính trị gia Đức đã phản ứng hết sức giận dữ, gọi sự so sánh này là "hoàn toàn không thể chấp nhận", đồng thời đe dọa sẽ trả đũa nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không có động thái xin lỗi.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trong giai đoạn căng thẳng, ngày 4/3, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim và Thủ tướng Đức Angela đã có cuộc điện đàm. Phát biểu với phóng viên, Thủ tướng Yildirim miêu tả cuộc trao đổi với Thủ tướng Đức là "tích cực và có hiệu quả" đồng thời cho biết ngoại trưởng hai nước sẽ gặp nhau vào ngày 8/3 để thảo luận tình hình quan hệ song phương.
Giới quan sát cho rằng, dù còn tồn tại nhiều bất đồng, song có thể khẳng định rằng hòa giải là mục tiêu mà cả Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn. Và cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Đức Gabriel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu được coi là một dấu mốc quan trọng cho quan hệ song phương.
Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng tái diễn giữa hai cựu thù lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đang đối đầu với nước đồng minh Hy Lạp, vốn trước đây là một cựu thù lịch sử. |
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo đuổi chiến dịch ở Syria bất chấp vụ tấn công Istanbul Ngày 2/1, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus tuyên bố nước này sẽ theo đuổi chiến dịch quân sự ở Syria bất chấp ... |
Một năm bất ổn và khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ Chính quyền Ankara đang cùng lúc phải chiến đấu với rất nhiều thế lực thù địch cả ở trong và ngoài nước. |