📞

Đường lối đối nội của Tổng thống Mỹ mới đắc cử

15:08 | 09/11/2016
Giờ là lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump vạch ra lộ trình thực hiện “Bản hợp đồng giữa Donald Trump và nước Mỹ”.

Cuộc bầu cử kỳ lạ và gay cấn nhất trong lịch sử nước Mỹ cuối cùng đã kết thúc với chiến thắng của ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Giờ là lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump vạch ra lộ trình thực hiện “Bản hợp đồng giữa Donald Trump và nước Mỹ”. Kỷ nguyên mới của ông Trump dự kiến sẽ là sự xoá bỏ các chính sách cũ của người tiền nhiệm Barack Obama.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. (Nguồn: Mother Jones)

Dưới đây là phác họa những nét chính trong chính sách đối nội nhiệm kỳ tới của ông Donald Trump:

Các hiệp định kinh tế

Chắc hẳn, vấn đề kinh tế là điều đầu tiên mà người dân Mỹ háo hức trông chờ những thay đổi mà làn gió mới mang tên Trump, một doanh nhân kỳ cựu, sẽ đem lại. Thay đổi đầu tiên và chắc chắn nhất có lẽ chính là cách tiếp cận với các hiệp định thương mại tự do, cụ thể là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngay trong vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, có thể thấy chắc chắn rằng TPP sẽ còn rất lâu mới được thực hiện khi cả hai ứng viên đều không ủng hộ nó.

Lập trường này của ông Trump cũng là điều dễ hiểu bởi ông là người ủng hộ chính sách bảo hộ. Ông Trump luôn chỉ trích TPP và dọa nếu đắc cử, ông sẽ áp thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để trừng phạt Trung Quốc.

Vì vậy, có thể từng có những dự đoán trái chiều về TPP nếu bà Clinton lên làm tổng thống, nhưng giờ đây, người ta hẳn sẽ phải dần quên đi sự tồn tại của nó khi chủ nhân mới của Nhà Trắng là Donald Trump.

Nhìn chung, ông Trump chủ trương chống tự do thương mại với nước ngoài nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Vì vậy, trong kỷ nguyên Donald Trump tới đây, chỉ những hiệp định thương mại có lợi hơn cho Mỹ như Hiệp định tự do Bắc Mỹ (NAFTA) may ra còn có tính khả thi. Các vấn đề an sinh xã hội

Ngoài những đặc tính khác thường của hai ứng cử viên tổng thống, có nhiều lý do khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 được coi là cuộc bầu cử kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một trong số đó là vấn đề an sinh xã hội. Không giống các mùa bầu cử trước, các ứng cử viên năm nay đã nói rất ít về hệ thống an sinh xã hội của nước Mỹ trong tương lai. Có thể nói người dân Mỹ còn khá mơ hồ với những kế hoạch an sinh xã hội không rõ ràng nhưng lại đầy tham vọng của ông Trump trong thời gian tới.

Ông Trump từng cam kết sẽ không cắt giảm trợ cấp hoặc tăng tuổi về hưu, và không áp đặt các loại thuế mới, mà thay vào đó sẽ có những sáng kiến kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng và bù đắp vào quỹ An sinh Xã hội vốn đang cạn kiệt dần và dự kiến sẽ cán mốc nguy hiểm vào năm 2019 khi số tiền trợ cấp bỏ ra nhiều hơn là các khoản thuế thu về.

Ông còn tham vọng hơn khi tuyên bố các kế hoạch lý tưởng mới của mình có khả năng giúp quốc gia thanh toán được nợ công, vốn đã tăng gấp đôi từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lên mức 13,6 nghìn tỷ USD, tương đương 75% GDP tính đến đầu năm 2016.

Tuy nhiên, chưa bàn đến chuyện các chương trình kinh tế “trong mơ” này của ông sẽ là gì, và hiệu quả của nó ra sao, thì với tính cách bốc đồng, phiêu lưu của mình, không chắc ông sẽ thực hiện đúng các đề xuất này. Giới chuyên gia về thuế còn nhìn nhận nếu được áp dụng, chính sách cắt giảm thuế của ông Trump có thể sẽ làm chính phủ mất đi 9,5 nghìn tỷ USD.

Sự thay đổi lập trường trong vấn đề tăng lương tối thiểu của ông Trump cũng là đề tài mà dư luận chưa xác định được rõ ràng trong nhiệm kỳ tổng thống tới. Trước đây, ông chủ trương giữ nguyên mức lương tối thiểu là 7,25 USD/h, song sau đó lại ủng hộ tăng lương nhưng để các bang tự quyết định. Vì vậy, tầng lớp lao động Mỹ vẫn không khỏi hồi hộp chờ đợi các chính sách mới của tổng thống đắc cử.

Về chương trình y tế nổi tiếng của Mỹ, hay còn gọi là Đạo Luật Obamacare, một trong những di sản đối nội đáng chú ý mà người tiền nhiệm đảng Dân chủ để lại, ông Donald Trump từng đưa ra những lời chỉ trích gay gắt ngay trước Ngày bầu cử rằng “Obamacare đang làm vấn đề y tế rối tung lên”.

Vì vậy, không nghi ngờ gì về việc ông sẽ lập tức hủy bỏ chính sách này khi lên cầm quyền. Một cố vấn tranh cử của ông cũng từng cho biết nếu ông Trump thắng cử, ông sẽ yêu cầu Quốc hội bắt đầu tiến trình lập pháp để hủy bỏ đạo luật này.

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa dù đã nói nhiều về việc thay thế Obamacare bằng một đạo luật khác, song chưa bao giờ nói cụ thể về ý định này và cũng không có sự quảng bá rộng rãi ngay cả trong quá trình chạy đua "nước sôi lửa bỏng". Điều đó khiến giới chuyên gia nhìn nhận trong tương lai gần tổng thống đắc cử chưa có kinh nghiệm chính trường Donald Trump sẽ không thể lập ra được một kế hoạch và lộ trình cụ thể cho vấn đề này.

Vấn đề nhập cư

Có lẽ một trong những cộng đồng người Mỹ hiện đang lo lắng nhất sau chiến thắng của ông Trump chính là những người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo. Hơn 42 triệu người nhập cư tại Mỹ hiện đang nín thở chờ đợi số phận của mình sẽ được định đoạt thế nào sau khi người từng đưa ra những tuyên bố đanh thép về vấn đề này hiện đã trở thành tổng thống Mỹ. “Giấc mơ nước Mỹ” của cộng đồng người nhập cư, du học sinh,… trở nên xa vời dưới thời Donald Trump.

Tới đây, ông Trump hẳn sẽ áp dụng việc cấm tất cả người Hồi giáo vào nước Mỹ, từng bước thực hiện lộ trình xây dựng bức tường dài 3.000 km dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn người nhập cư trái phép, cắt giảm việc cấp thẻ xanh cho người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí trục xuất 11 triệu người nhập cư ra khỏi nước Mỹ,… những điều mà ông đã chủ trương ngay từ những ngày đầu tranh cử.

Ông Trump muốn duy trì tỷ lệ người nhập cư trên tổng dân số Mỹ ở dưới mức cao nhất trong lịch sử là 14,8% vào những năm 1890. Để quay trở lại những quy định trong quá khứ về số dân sinh ra tại nước ngoài, ông Trump sẽ phải thay đổi quy định về số lượng thẻ xanh được cấp mỗi năm. Giới chuyên gia cho rằng để hạn chế người nhập cư vào Mỹ, ông Trump có thể ban hành những quy định mới cho các cơ quan cấp thị thực và xử lý các đơn xin nhập cư hợp pháp. Ông cũng có thể sẽ giảm bớt nguồn lực dành cho những cơ quan này.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý những người nhập cư trong tương lai và con cháu của họ đang được kỳ vọng sẽ thay cho những nhân công sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số đang lần lượt đến tuổi nghỉ hưu, do đó việc áp đặt bất kỳ mức hạn chế đáng kể nào đối với người nhập cư cũng đe dọa đẩy nước Mỹ vào tình trạng khan hiếm lao động, có nguy cơ dẫn đến tình trạng không có tiền chi cho các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.

Như vậy, ông Donald Trump, ứng cử viên xuất thân từ một doanh nhân, một nhân vật nổi tiếng của làng giải trí Mỹ, mà chỉ hơn một năm trước bị cả dư luận nói chung và truyền thông chính thống nói riêng coi như một trò đùa của cuộc bầu cử tổng thống, thì giờ đây, đã chính thức đặt chân vào Nhà Trắng, và chuẩn bị viết nên những trang mới cho cường quốc số một thế giới. Những nghi ngại, lo sợ giờ sẽ tiếp tục được củng cố, hay sẽ được thay thế bằng những kỳ vọng, mong chờ vào vị tổng thống mới? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

(theo TTXVN)