📞

EU - IRAN: Cơ hội nối lại đàm phán

08:43 | 26/07/2010
Dường như cả Iran và EU đều đang mở cánh cửa đàm phán rộng hơn vì lợi ích thực tiễn của chính họ.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (trái) và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili (thứ 3 từ trái) tại lễ kỷ niệm Ngày hạt nhân quốc gi

Gần đây, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Catherine Ashton và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili đã đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao nhằm nối lại các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu các vòng đàm phán gặt hái được kết quả, Ashton sẽ có thể khôi phục vai trò trung gian đàm phán của người tiền nhiệm Javier Solana.

Cơ hội nối lại đàm phán hiện nay xuất hiện sau một thời gian gia tăng căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây. Ngày 9/6, HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1929, theo đó sẽ áp đặt một lệnh trừng phạt mới đối với Iran vì nước này đã không tuân thủ những quy định quốc tế về cấm phổ biến hạt nhân. Chỉ một vài ngày sau, Ashton đã gửi một lá thư cho Iran kêu gọi nối lại đàm phán giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực HĐBA LHQ và Đức) với Iran, đồng thời mời Jalili hội đàm để "thảo luận vấn đề vũ khí hạt nhân và thúc đẩy giải pháp nước đôi". Mặc dù trong phản ứng ngày 7/7 vừa qua, Jalili đã lên án lệnh trừng phạt mới nhưng các quan chức khác của Iran vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với phương Tây.

Nỗ lực đàm phán với Iran của Solana trong khuôn khổ nhóm E3/EU (gồm Anh, Pháp, Đức và EU) kết thúc năm 2006 mà không đem lại kết quả thực chất nào do thiếu sự đóng góp của Mỹ. Avis Bohlen, cựu Trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề kiểm soát vũ khí, đồng thời là Đại sứ Mỹ tại Bungary khẳng định "rõ ràng các cuộc đàm phán giữa E3/EU sẽ khó có thể thành công nếu không có sự can dự của Mỹ".

Quan trọng là, nếu không có sự can dự của Mỹ, Solana sẽ không thể trao cho Iran điều mà họ mong mỏi, đó là sự đảm bảo về an ninh quốc gia. Một nhà ngoại giao tham gia đàm phán cho biết Nhóm E3/EU đã không thể đưa cụm từ "đảm bảo an ninh" vào các đề xuất với Iran bởi "Mỹ không tham gia đàm phán, hoặc nếu tham gia thì Washington cũng không đồng ý đưa điều khoản đảm bảo an ninh vào thỏa thuận". Hassan Rohani, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran trong thời gian diễn ra các vòng đàm phán giữa Nhóm E3/EU với Iran thừa nhận Tehran hầu như không được lợi ích gì từ các vòng đàm phán này ngoài việc trì hoãn các lệnh trừng phạt.

Hiện tại, mặc dù căng thẳng giữa Iran và phương Tây vẫn leo thang nhưng nếu tiến hành đàm phán thì sẽ rất có triển vọng bởi hai lý do. Thứ nhất, trái với người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Obama xem đàm phán với Iran là một nhân tố quan trọng trong chiến lược ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây tái khẳng định rằng Chính quyền Obama sẵn sàng gặp các nhà đàm phán Iran, cho biết tất cả các phương án vẫn đang để ngỏ, trong đó có việc đảm bảo an ninh cho Iran nếu điều này ngăn chặn được tham vọng hạt nhân của Tehran, đồng thời cũng không loại trừ lựa chọn giải pháp quân sự nếu Iran vẫn "cứng đầu cứng cổ".

Thứ hai, cùng ngày Jalili đưa ra phản ứng với Mỹ và phương Tây (7/7), Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Iran đã trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Iran thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt đơn phương và đa phương có thể làm chậm lại những nỗ lực hạt nhân của nước này. Salehi cho biết mặc dù các lệnh trừng phạt không thể chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này nhưng không thể nói là chúng hoàn toàn không có tác dụng gì. Tuyên bố trên trái ngược với các tuyên bố trước đây của Iran rằng các áp lực từ bên ngoài không ảnh hưởng đến tiến trình hạt nhân của nước này.

Nếu Ashton tận dụng được lợi thế trên, bà sẽ đạt được bước tiến quan trọng trong đàm phán với Iran. Kể từ khi nhậm chức (12/2009), Ashton đã xác định vấn đề hạt nhân Iran là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2/2010, trong chuyến công du Trung Đông tháng 3/2010 và tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân tháng 5/2010, Ashton đều kêu gọi Tehran tỏ ra minh bạch hơn và có hành động cụ thể đáp lại thiện chí của cộng đồng quốc tế. Ashton phát đi thông điệp rõ ràng rằng Nhóm P5+1 và cá nhân bà sẽ không chấp nhận một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và sẵn sàng gia tăng áp lực với nước này; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán, cho biết Iran và EU có thể bắt đầu đàm phán vào mùa thu này.

Đương nhiên, các cuộc đàm phán mới có thể không đem lại kết quả, thậm chí lâm vào bế tắc. Nhưng, nếu Iran trở lại đàm phán, các nhà đàm phán nước này không chỉ giáp mặt với một Đại diện cấp cao mới về chính sách đối ngoại của EU mà sẽ phải đối mặt với một quyết tâm và động lực mới mạnh mẽ hơn nhiều so với yêu cầu suông về ngoại giao của Solana. Đây là cơ hội mà Ashton và nhóm P5+1 không thể bỏ qua.

Khai Tâm