Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20 tại Indonesia ngày 15-16/7. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Ngày 16/7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia đã kết thúc mà không có tuyên bố chung. Thay vào đó, nước Chủ tịch Indonesia ra Tuyên bố Chủ tịch dài 14 trang.
Trước đó một tuần, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 (7-8/7) cũng khép lại mà không có tuyên bố hay thông cáo chung như thường lệ.
Lời qua, tiếng lại
Không khó để thấy bất đồng quan điểm, chia rẽ giữa các nước thành viên về xung đột hiện nay tại Ukraine, đặc biệt là trong Hội nghị Ngoại trưởng G20 với cuộc khẩu chiến gián tiếp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và những người đồng cấp từ phương Tây. Thậm chí, ngay cả Ngoại trưởng nước chủ nhà Retno Marsudi cũng thừa nhận vấn đề Ukraine đã chi phối tất cả, khiến mọi chủ đề khác trong chương trình nghị sự nước này dày công xây dựng bị lu mờ.
Nội bộ G20 bị chia rẽ thành thành hai bên chính, một bên gồm Nga và những nước ủng hộ, bên kia gồm phương Tây và các nước phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow. Thay vì cùng nhau ngồi lại để tìm kiếm giải pháp, các bên đã lời qua tiếng lại, khiến khoảng cách về lập trường đã xa càng xa.
Sự chia rẽ ấy một lần nữa được thể hiện rõ nét trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20. Không chỉ thiếu vắng Tuyên bố chung, Tuyên bố Chủ tịch dài 14 trang còn dành hẳn hai phần nêu rõ sự bất đồng giữa các thành viên.
Theo đó, Indonesia cho biết nhiều nước G20 đã chỉ trích “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và kêu gọi Moscow lập tức ngừng bắn. Tuyên bố cũng cho biết không có sự đồng thuận của toàn bộ G20 về tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng.
Chờ ngày mưa tan
Thêm vào đó, kết quả này cũng cho thấy các nỗ lực của phía Indonesia nhằm mang tới sự khác biệt cho xung đột Nga - Ukraine chưa gặt hái kết quả mong muốn. Cuối tháng Sáu, ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bất ngờ thăm Kiev, đối thoại với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ngay sau đó, nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã công du xứ bạch dương và thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, thúc giục các bên ngừng bắn và sớm kiếm một giải pháp chính trị toàn diện.
Đây là chuyến thăm thành công trên nhiều khía cạnh. Nga mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia, cam kết đảm bảo nguồn phân bón và sẵn sàng tham gia vào kế hoạch chuyển thủ đô mới của Indonesia là Nusantara. Các doanh nghiệp năng lượng xứ bạch dương cũng ngỏ ý đầu tư vào xứ vạn đảo.
Mặc dù vậy, mong muốn về hòa giải xung đột Nga-Ukraine của ông Joko Widodo lại không nhận được phản hồi rõ ràng. Thông qua hai Hội nghị Bộ trưởng G20, không khó để thấy lợi ích, lập trường các bên còn nhiều khác biệt. Để có được giải pháp cần có sự chung tay, nỗ lực của nhiều bên.
Không ít người cho rằng chia rẽ sâu sắc giữa Nga và phương Tây sẽ khiến các cuộc gặp sắp tới của G20, đặc biệt là Thượng đỉnh vào ngày 15-16/11 tới, trở nên khó khăn hơn với chủ nhà Indonesia.
Song hy vọng vẫn còn đó với Thượng đỉnh G20. Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20 nhận định: “Đa số các thành viên nhất trí rằng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng trở nên báo động. Nhiều thành viên sẵn sàng nhanh chóng thực hiện các hành động tập thể”.
Thực tế cho thấy thế giới nói chung và Nga, châu Âu nói riêng đã chịu thiệt hại nặng nề từ xung đột tại Ukraine.
Giá năng lượng và khí đốt tăng cao tại nhiều nước châu Âu, trong khi giá trị đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Pháp và Đức, hai nước đầu tàu tại EU, đã kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm nguồn thay thế, nhà cung cấp khác hoặc tái khởi động lại các dự án năng lượng cũ, dù điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
Trong khi đó, mặc dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường sức chống chịu, song kinh tế Nga vẫn đối mặt tác động đáng kể từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và suy thoái kinh tế toàn cầu. Vào tháng Năm, Bộ Kinh tế Nga cho biết nền kinh tế nước này dự kiến sẽ suy thoái từ 7,8% đến 8,8% vào năm 2022.
Nhà kinh tế Julien Vercueil, đồng Chủ tịch của Đại học INALCO ở Paris (Pháp) nhận định trong trung hạn và dài hạn, việc tách rời khỏi các nền phương Tây sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng tới mức sống và năng lực công nghệ của Nga.
Giờ đây, an ninh lương thực, giá năng lượng cùng lạm phát đã trở thành bài toán chung của hầu hết các nền kinh tế, vốn đang nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19.
Ngày càng nhiều nước kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn, tìm kiếm giải pháp chính trị để lặp lại hòa bình và hạn chế hệ quả của xung đột. Vì thế, thượng đỉnh G20 ngày 15-16/11 tại Indonesia chắc chắn là một cơ hội khác mà các bên cần nắm bắt để tiến gần hơn tới thời điểm chấm dứt tiếng súng tại Ukraine.