📞

G20 "nín thở" dõi theo ông Trump

08:00 | 30/11/2018
Từng “lời ăn tiếng nói” của Tổng thống Mỹ sẽ chi phối Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina từ ngày 30/11 - 1/12 tới.

Nếu lấy sự chú ý của giới truyền thông và cộng đồng quốc tế làm thước đo đánh giá thành công thì ông Donald Trump xứng đáng là Tổng thống Mỹ xuất sắc nhất. Mỹ tiếp tục chi phối chính trường thế giới và từng dòng tweet, phát ngôn hay cử chỉ của ông đều được theo dõi sát sao.

Thực tế này sẽ tái diễn tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) tại Buenos Aires từ ngày 30/11 – 1/12 tới, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có hai cuộc “thư hùng” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin và gặp gỡ các đồng minh nhiều duyên nợ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hamburg, Đức năm 2017. (Nguồn: Getty Images)

Áp đặt thế trận

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và gây ra nhiều hệ lụy khó lường, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập có thể mang lại tín hiệu tích cực. Cựu Cố vấn cấp cao của chính phủ Trung Quốc Lawrence Lau nhận định hai bên có thể đạt được thỏa thuận khung, với một số điều khoản cơ bản về “đình chiến”. Đây là kịch bản sáng sủa nhất cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và quan hệ Mỹ - Trung nói riêng, khi G20 chỉ diễn ra trong ba ngày và ông Trump vốn không phải là người thích tìm hiểu về những chi tiết.

Tuy nhiên, ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nhiều khả năng sẽ áp đặt thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu như dự kiến, bất chấp kết quả cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu đàm phán đổ vỡ, Washington có thể cân nhắc áp thuế với 267 tỷ USD hàng hóa tiếp theo. Đây có thể chỉ “đòn gió” của ông Trump nhằm giành thế chủ động trước thềm G20, song khó loại trừ khả năng nó sẽ trở thành sự thực và kéo lùi tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Trên bình diện chính trị - quân sự, Mỹ cũng cho thấy nước này sẵn sàng duy trì cạnh tranh chiến lược nhằm lấy lại vị thế tuyệt đối và kéo dài khoảng cách với cường quốc châu Á thông qua việc ngừng cấp visa cho các học giả Trung Quốc, mở rộng quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc) và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), thúc đẩy sáng kiến tứ giác an ninh Mỹ - Ấn - Nhật - Australia và tăng cường tuần tra trên Biển Đông. Do đó, dù tiếp tục căng thẳng hay tìm kiếm một thỏa thuận “đình chiến”, kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Trung chắc chắn sẽ là tâm điểm tại G20 và Tổng thống Trump là nhân tố quyết định thành bại của sự kiện này. 

Thể hiện bản lĩnh

Một cuộc “thư hùng” khác cũng sẽ tiêu tốn không ít giấy mực của giới báo chí là thượng đỉnh Nga – Mỹ lần thứ hai. Trong cuộc gặp lần đầu tại Helsinki, ông Trump đã tỏ ra yếu thế trước ông Putin khi không thể hiện được sự tự tin thường thấy, thậm chí phủ nhận kết quả của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Người Mỹ rõ ràng không muốn chứng kiến bổn cũ soạn lại, trong bối cảnh Washington và Moscow tiếp tục duy trì cạnh tranh chiến lược tại nhiều điểm nóng, từ Crimea, Syria, cấm vận kinh tế, giá dầu tới Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Đã đến lúc ông Trump cần chứng tỏ lập trường rõ ràng của mình trong các vấn đề này. Đưa ra quan điểm nhất quán về căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine là một trong những cách đó. Nhiều quan chức chủ chốt trong nội các Mỹ đã mạnh mẽ chỉ trích việc Moscow giữ tàu chiến của Kiev. Tuy nhiên, ông Trump lại tỏ ra mập mờ khi nói rằng Mỹ “không thích” hành động của Nga, thậm chí để ngỏ khả năng sẽ không gặp Tổng thống Vladimir Putin như dự kiến.

Đây có thể là cách ông Trump đánh tiếng với ông Putin rằng tình hình Ukraine sẽ là trọng tâm trong cuộc thảo luận tại G20 sắp tới, hơn là thay đổi ý định về gặp gỡ ông chủ điện Kremlin. Nhưng rõ ràng là cộng đồng quốc tế chưa thỏa mãn với cụm từ “không thích” này và cần lời giải thích rõ ràng, nhất quán hơn. Dù cương hay nhu, tuyên bố này cần thể hiện rằng lợi ích của nước Mỹ là trên hết và ông Trump, trên cương vị Tổng thống đang làm tất cả để bảo vệ nó. Chỉ có như vậy, ông Trump mới có thể “ghi điểm” trong cuộc đối đầu với ông Putin.

Dấu ấn siêu cường

Bên cạnh cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Nga và Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ tiếp xúc với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, nhân vật bị cáo buộc đã ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Ankara. Những phát biểu của Tổng thống Trump về vụ việc cho thấy ông sẵn sàng bảo vệ mối quan hệ chiến lược giữa Washington và Riyadh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi sự chỉ trích đang dồn vào Thái tử Mohammed Bin Salman, khó có thể biết chắc rằng Mỹ sẽ đi xa đến đâu để bảo vệ lợi ích của Saudi Arabia, nguồn cung dầu mỏ và thị trường mua vũ khí lớn của Lầu Năm góc. Việc ông Trump sẽ gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cùng sự kiện sẽ buộc nhà lãnh đạo Mỹ phải dàn xếp khéo léo để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng sẽ gặp gỡ nguyên thủ nước chủ nhà Argentina, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Lịch trình dày đặc thể hiện vai trò trung tâm của Washington trên chính trường quốc tế, song cũng đòi hỏi Tổng thống Donald Trump cần tận dụng một cách khôn khéo ảnh hưởng của mình để tối đa hóa lợi ích quốc gia, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” như từng cam kết.