Tổng thống Trump có nhiều lý do để nghĩ về một Thượng đỉnh G7 mở rộng. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 30/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn tổ chức Thượng đỉnh G7 trên đất Mỹ vào tháng Sáu, sự kiện ông từng cho là biểu tượng của nước Mỹ “trở lại với sự vĩ đại”. Song nỗi buồn nhỏ đó chẳng thể ngăn cản nhà lãnh đạo này thu hút sự chú ý của giới truyền thông một lần nữa, khi ông ngay lập tức công bố kế hoạch tổ chức một Thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng Chín, với đề xuất mở rộng thành viên cho Nga, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đâu là cơ sở cho quyết định táo bạo này?
Bối cảnh mới
Đầu tiên, quyết định hoãn G7 tháng Sáu và tổ chức G7 mở rộng tháng Chín được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo đó, bà Merkel đã cảnh báo về hiểm họa y tế từ sự lây lan của đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định sẽ không tham gia Thượng đỉnh G7 tại Washington nếu ông Trump vẫn tiến hành theo kế hoạch. Điều này đã khiến ông chủ Nhà Trắng buộc phải thay đổi lịch trình, bởi việc bà Merkel từ chối tham dự Thượng đỉnh G7 có thể khiến nỗ lực thể hiện vai trò dẫn dắt của ông Trump trong G7 trên đất Mỹ bị suy yếu. Đáng ngại hơn, quyết định của bà Merkel đã khiến Anh, Italy, Pháp, Đức, Nhật Bản và Canada, vốn đang chống dịch, do dự khi phải tham gia G7 theo hình thức gặp mặt trực tiếp.
Thêm vào đó, G7 lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng, dẫn đến đối đầu ngày càng lớn trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Không những chỉ trích trách nhiệm của Bắc Kinh trong kiểm soát đại dịch Covid-19, Washington đã liên tục thách thức nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, nền tảng trong quan hệ song phương khi ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc), ngừng quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong (Trung Quốc) và lên tiếng về vấn đề người Ngô Duy Nhĩ.
Ngày 1/6, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft đã gửi công hàm lên Tổng Thư ký Antonio Guterres phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Về kinh tế, khi thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu Mỹ-Trung còn chưa ráo mực, hai bên đã có xu hướng quay lưng: Washington muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất khỏi Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã ngừng thu mua nông sản Mỹ nhằm trả đũa chính sách Hong Kong của Washington.
Về quân sự, Mỹ thường xuyên điều tàu chiến thực hiện quyền tự do hàng hải tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông, sau khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở hai khu vực này.
Thêm mợ, chợ khó vui
Trong bối cảnh đó, quyết định của Tổng thống Donald Trump là nhằm tìm kiếm giải pháp cho cả hai vấn đề này.
Thứ nhất, đó là gửi tín hiệu cảnh báo tới các quốc gia còn đang do dự về tham dự G7 tháng Chín tới, đặc biệt là bốn nước châu Âu, vốn đang tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt với Moscow sau khi Nga tiến hành sát nhập Crimea vào lãnh thổ. Ông Trump đang đánh tiếng rằng Nga, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ hoàn toàn có thể thay thế vai trò mà bốn quốc gia châu Âu để lại và với việc không tham dự G7, EU sẽ đánh mất quyền lợi và tầm ảnh hưởng của mình một khi Nga-Mỹ hợp tác. Do đó, ngay sau tuyên bố của ông Trump, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Joseph Borrell đã lên tiếng phản đối, cho rằng Nga sẽ không trở lại chừng nào nước này có thay đổi cần thiết và sẵn sàng cho đối thoại. Theo ông Borrell, chủ nhà G7 có quyền mời “khách”, song không thể thay đổi tư cách thành viên hay cơ cấu của nhóm.
Thứ hai, ông Trump đang cố hiện thực hóa điều ông từng nói khi tranh cử và trong các Thượng đỉnh lần trước – đưa Nga trở lại G7. Từ lâu, Tổng thống Mỹ đã muốn cải thiện quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, song gặp sự phản đối mạnh mẽ từ lưỡng đảng. Do đó, ông Trump hy vọng tận dụng vai trò chủ nhà và sự vắng mặt của các quốc gia khác để đưa Nga trở lại G7.
Thứ ba, ông Trump mong muốn có thể tận dụng sự kiện này như diễn đàn đối trọng với Trung Quốc. Sự xuất hiện của Ấn Độ và Australia sẽ tái hiện “Bộ Tứ” tại G7 mở rộng. Hàn Quốc có mối quan tâm với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, thời gian qua, lãnh đạo châu Âu đã liên tục chỉ trích chính sách Hong Kong của Trung Quốc. Do đó, ông Trump hy vọng G7 mở rộng sắp tới là cơ hội để ông đề xuất giải pháp và tìm kiếm sự ủng hộ trong cạnh tranh Bắc Kinh, xây dựng hình ảnh mang tính dẫn dắt, “làm đẹp” hồ sơ tranh cử tháng Mười tới.
Như vậy, tầm nhìn của ông Trump về G7 sắp tới đã rõ. Từ một diễn đàn để các ông lớn phương Tây gặp gỡ, chia sẻ tầm nhìn, tăng cường hợp tác vì mục tiêu chung, G7 giờ đang đứng trước nguy cơ trở thành “Mỹ và những người bạn”. Châu Âu đã và sẽ tiếp tục phản đối sự trở lại của Nga, còn Trung Quốc cũng không dễ chịu trước sự tập hợp “tình cờ” này. Càng đông, khó vui là vậy.