Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), ngày 23/2, đại diện chính phủ Syria và các phe phái đối lập gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) để đàm phán một thỏa thuận hòa bình mới cho đất nước Trung Đông này. Cách đây gần 9 tháng, các bên cũng từng nhóm họp tại Geneva song không đạt được bất cứ kết quả nào.
Tìm giải pháp chính trị
Ông Staffan de Mistura - Đặc phái viên của LHQ về Syria, nhấn mạnh “toàn bộ chương trình đàm phán tại Geneva dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”. Theo đó, Nghị quyết số 2254, vốn tập trung đề cập đến quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria, “sẽ cung cấp nền tảng cho chương trình nghị sự”. Văn phòng của ông Mistura cho biết thêm, vấn đề tổng tuyển cử, hiến pháp mới và quản lý đất nước Syria là những nội dung trọng tâm tại cuộc họp.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ông Mistura đánh giá cao nỗ lực của các bên trong việc duy trì và củng cố lệnh ngừng bắn tại Syria. Tuy nhiên, vị Đặc phái viên của LHQ khẳng định một lệnh ngừng bắn không thể duy trì lâu dài nếu thiếu những giải pháp chính trị đi kèm. Cùng chung quan điểm này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng: “Các bên cần đạt giải pháp chính trị tại Geneva và không cần một cuộc hòa đàm song song nào khác”.
Có thể thấy, trước cuộc gặp, dường như các nước phương Tây đang cố gắng tìm kiếm đồng thuận trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria, nhất là khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ thái độ “thân thiện” trong quan hệ với Nga. Cộng đồng quốc tế và cả các bên xung đột ở Syria luôn dõi mắt theo những động thái của chính quyền Washington, từ đó tính toán những bước đi tiếp theo.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 vừa qua tại Đức, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng trấn an đồng minh rằng, hợp tác Mỹ - Nga trong vấn đề Syria sẽ phụ thuộc vào quan điểm của Moscow đối với các nhóm nổi dậy. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault lại cho rằng cuộc đàm phán tại Geneva lần này sẽ thất bại nếu Nga không gây ảnh hưởng lên chính phủ Syria và Iran không thôi tấn công phe đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vấn đề tranh cãi
Từ đầu năm đến nay, tại thủ đô Astana (Kazakhstan), Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động tổ chức một số vòng hòa đàm giữa chính quyền Damascus và các phe phái đối địch nhằm củng cố lệnh ngừng bắn mong manh tại Syria. Tuy nhiên, nỗ lực của các quốc gia trung gian đều “đổ sông đổ bể” khi những cuộc gặp này kết thúc mà không đưa ra được thông cáo chung - kết quả tối thiểu của các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường.
Không những vậy, các phe nhóm ở Syria còn tung ra những lời chỉ trích lẫn nhau và nhằm cả vào các nhà trung gian. Ông Bashar Jaafari, nhà đàm phán của chính phủ Syria, chỉ trích thái độ “vô trách nhiệm” của phe nổi dậy cũng như việc trì hoãn các phiên họp chung của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, đại diện của phe nổi dậy, ông Yahya al-Aridi cáo buộc Chính phủ Syria và Iran luôn vi phạm ngừng bắn và phê phán thái độ “làm ngơ” của Nga.
Haid Haid, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh, nhận định các cuộc gặp ở Astana không mang lại kết quả vì Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được sự thống nhất. Ankara cực lực phản đối chính quyền Damascus, trong khi Moscow và Tehran lại là những đồng minh đáng tin cậy nhất của ông al-Assad. “Nhằm triển khai đình chiến, họ phải trừng phạt những bên vi phạm lệnh ngừng bắn… Đằng này, không có cơ chế thực thi nào có thể trở thành bước đệm dẫn đến giải pháp chính trị”, ông Haid nói trên mạng Al-Jazeera.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính khiến cuộc gặp tại Kazakhstan thất bại là do Nga mở rộng đàm phán vượt ra ngoài phạm vi lệnh ngừng bắn và thảo luận “giải pháp chính trị” cho Syria. Reuters dẫn lời nhà đàm phán của Nga Alexander Lavrentiev cho hay, Moscow vừa đề xuất với Damascus một dự thảo hiến pháp mới. Ông này nói thêm, lực lượng đặc nhiệm chung Nga - Thổ - Iran giám sát lệnh ngừng bắn, được thành lập tại Astana vừa qua, có thể mở rộng hoạt động sang cả việc dàn xếp chính trị tại Syria trong tương lai.
Cho đến nay, tìm kiếm giải pháp chính trị cho hồ sơ Syria luôn là vấn đề gây tranh cãi và làm đau đầu các nước cũng như LHQ. Việc Nga chủ động đề cập đến khía cạnh chính trị của cuộc xung đột luôn bị phương Tây và các nước Arab chỉ trích. Những nước này lập luận chỉ duy nhất LHQ mới có tính chính danh trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria. Mâu thuẫn này đã khiến những nỗ lực ngoại giao đi vào ngõ cụt.
Sau màn “khẩu chiến” tại Astana và khi các bên đang bước vào cuộc đàm phán hòa bình mới tại Geneva, nhiều người đặt câu hỏi liệu Syria có thể nắm lấy cơ hội này để quay lại thời kỳ yên bình trước đây, các bên chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh khi xung đột chấm dứt hay không? Thống kê mới nhất của AFP cho thấy, từ khi giao tranh xảy ra năm 2011 đến nay, gần 10 cuộc hòa đàm lớn đều thất bại. Số liệu đáng buồn này báo hiệu cuộc gặp tại Geneva chưa chắc đã mang lại thành công. Và nếu vậy, tương lai của Syria vẫn rất chông gai.