Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc ngày càng trở nên phức tạp. (Nguồn: VCG) |
Trong những ngày gần đây, cụm từ một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” thường được xuất hiện trong những cuộc trao đổi của các chuyên gia chính sách đối ngoại khi nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, tác giả, nhà bình luận và cố vấn người Mỹ Zachary Karabell, không đồng ý quan điểm về một cuộc Chiến tranh Lạnh đã xuất hiện giữa hai nước.
Lạm dụng lịch sử
Trong blog đăng trên trang web của Tạp chí Foreign Policy gần đây, học giả Karabell viết rằng, việc áp dụng các so sánh từ thế kỷ XX vào mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là sự lạm dụng lịch sử và dẫn đến một sự hiểu lầm sâu sắc về động lực thực sự giữa hai nước.
“Mỹ và Trung Quốc hiện không nằm trong một cuộc Chiến tranh Lạnh. Hai nước đang ở trong một cuộc hôn nhân tồi tệ mà không có sự lựa chọn hiện hữu cho việc li hôn. Đây sẽ là tình thế của nhiều năm sắp tới", chuyên gia Karabell nhận định.
Ông Karrabell cho rằng, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có tính liên kết và đan xen chặt chẽ hơn rất nhiều so với quan hệ trước đây giữa Liên Xô và Mỹ. “Chỉ riêng điều đó đã khiến khuôn mẫu Chiến tranh Lạnh gần như hoàn toàn không liên quan trong vai trò 'kim chỉ nam' cho hiện tại và tương lai của quan hệ".
Theo ông, sự đan xen kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington vẫn còn sâu sắc, phức tạp và phần lớn không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, thuế quan và những lời lẽ không hay trong suốt những năm qua.
Chuyên gia Karabell cho biết, ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 năm qua và hàng loạt sự gián đoạn đối với thương mại toàn cầu và di chuyển của người dân do đại dịch Covid-19, thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước vẫn rơi vào khoảng 450 - 500 tỷ USD trong năm nay, với gần 100 tỷ USD khác trong ngành dịch vụ.
Hai nền kinh tế liên kết
Đến nay, Trung Quốc vẫn nắm giữ 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và có đến hàng trăm tỷ USD vốn và nhà máy ở Trung Quốc do các công ty Mỹ sở hữu và xây dựng hoặc duy trì.
Cố vấn Karabell nói: “Hai nền kinh tế liên kết lẫn nhau của hai nước, mà nhà sử học Niall Ferguson và nhà kinh tế học Moritz Schularick đã từng gọi là 'phụ thuộc Mỹ-Trung' và tôi gọi là một nền kinh tế 'siêu liên hợp', vừa làm giàu, vừa tạo hiểm nguy cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ".
Karabell nói thêm rằng, mặc dù ngành chế tạo của Mỹ đã chịu tác động nặng nề từ Trung Quốc, giống như đã từng bị tác động bởi Nhật Bản vào những năm 1980 và từ Mexico trong những năm 1990, nhưng người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi từ một loạt sản phẩm rẻ hơn giúp cuộc sống của tầng lớp trung lưu trở nên hợp lý hơn. Thêm vào đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ đã nhận được hỗ trợ từ đầu tư của Trung Quốc dưới dạng trái phiếu và tài sản hữu hình.
Ông Karabell nhận định, Mỹ và Trung Quốc có những khác biệt về ý thức hệ, nhưng những khác biệt đó ít gay gắt hơn nhiều so với Mỹ - Liên Xô trước đây.
Từ đó, ông Karabell đi đến kết luận: “Điều hướng căng thẳng là công việc khó khăn và lịch sử quan hệ của các cường quốc trong quá khứ chẳng giúp ích được gì". Ông gợi ý rằng, hai nước nên học các chiến thuật mới để điều tiết sự cạnh tranh mới trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, John Mearsheimer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago tin rằng, cuộc Chiến tranh Lạnh thực sự đã bắt đầu từ trước khi có virus SARS-CoV-2 và vấn đề ở đây là cán cân quyền lực giữa hai nước, chứ không phải là ý thức hệ.
Mặc dù Trung Quốc thường nhắc đi nhắc lại rằng, nước này sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền kể cả khi sức mạnh của mình tăng lên, nhưng theo giáo sư Mearsheimer, Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh trong hơn 20 năm qua và dường như sẽ tăng cường ảnh hưởng của mình tại châu Á, trong khi Mỹ sẽ không khoan nhượng với các đối thủ ngang tầm.
Lợi ích chung
Trong bài báo đăng trên tạp chí trực tuyến The Diplomat ngày 3/8, Zheng Wang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, đồng thời là giáo sư tại Trường Ngoại giao và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Seton Hall, đã đưa ra lời kêu gọi về những cái đầu lạnh ở Mỹ và Trung Quốc.
Ông Wang viết: "Mối quan hệ Mỹ - Trung đang đạt đến điểm ngưỡng nguy hiểm nhất. Chúng ta hy vọng rằng, mối quan hệ vốn đang mong manh sẽ trở nên bền chặt và khó tan vỡ hơn, bất chấp những biến động gần đây". Ông tin tưởng hai quốc gia vẫn chia sẻ những lợi ích chung to lớn.
Vị giáo sư của Đại học Seton Hall tỏ ra lo ngại về kinh nghiệm và trình độ của một số quan chức cấp cao Mỹ. Theo ông Wang, "Mối bận tâm chính hiện nay là về thực tế rằng khi quan hệ nhạy cảm và mong manh nằm trong tay nhầm người, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra". "Khi các quan chức cấp cao thể hiện sự bất cẩn nghiêm trọng đối với một mối quan hệ, hầu như không thể mong đợi các quan chức cấp thấp hơn - chẳng hạn như chỉ huy tàu chiến và phi công không quân - hành xử với sự thận trọng và tận tâm", Giáo sư Wang nói.