Một lần nữa, sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông bị đe dọa khi ngày 20/12, quân đội Iraq cho biết một “nhóm hoạt động ngoài vòng pháp luật” đã bắn 8 quả tên lửa vào Đại sứ quán Mỹ nằm trong Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, Iraq. May mắn thay, vụ tấn công chỉ khiến một binh sỹ Iraq bị thương và phá hủy một số tòa nhà và phương tiện.
Hiện trường một vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Iraq giữa tháng 11/2020. (Nguồn: Getty Images) |
Đại sứ quán Mỹ tại Iraq đã lên án vụ tấn công, kêu gọi chính phủ Iraq thực hiện các bước ngăn chặn các hành động tương tự và tìm kẻ chủ mưu. Iraq cũng đã lên án vụ tấn công táo tợn này. Hiện chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm, song các quan chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo, nghi ngờ lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã đứng đằng sau vụ việc.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đã phủ nhận “lời tố cáo trắng trợn nhằm mục đích gây căng thẳng”, “bác bỏ mọi cuộc tấn công nhắm vào các cơ quan ngoại giao” và cho rằng “sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực chính là nguồn gốc của bất ổn.”
Song chính xác mà nói, nguồn gốc của bất ổn lại đến từ sự hiện diện ngày một suy giảm và có xu hướng thiếu cân bằng của Mỹ tại Trung Đông. Tại sao lại có câu chuyện này?
Một trong những thành tựu đối ngoại lớn nhất của Tổng thống Donald Trump là ở Trung Đông, khi giúp Israel bình thường hóa quan hệ thành công với 4 quốc gia liên tiếp nửa cuối năm 2020. Ngoài ra, ông khẳng định đã nỗ lực thực hiện cam kết rút lính Mỹ đồn trú tại khu vực Trung Đông.
Song chính xác mà nói, nguồn gốc của bất ổn lại đến từ sự hiện diện suy giảm và thiếu cân bằng của Mỹ tại Trung Đông. |
Tuy nhiên, thành tựu này có cái giá của nó. Dưới thời ông Trump, Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), chính sách “áp lực tối đa” với các lệnh trừng phạt đơn phương, xây dựng quan hệ với Israel và Saudi Arabia để chống Iran. Điều này khiến quan hệ Mỹ-Iran trở nên đặc biệt căng thẳng, khi hai bên không chỉ “ăn miếng trả miếng” trên mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao mà đã sử dụng tới vũ lực. Việc Washington ra lệnh không kích chính xác, tiêu diệt Thiếu tướng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani, với Tehran đáp trả bằng “cơn mưa” tên lửa vào hai căn cứ đồn trú của Mỹ tại Iraq tháng 1/2020 là ví dụ như thế.
Thêm vào đó, việc không có kế hoạch toàn diện, tiệm tiến trong rút lính Mỹ khỏi khu vực Trung Đông, thiếu vắng hỗ trợ nhằm củng cố chính quyền sở tại đã để lại những “khoảng trống” nhanh chóng bị tận dụng bởi các người chơi khác như Moscow, Tehran hay Ankara. Quan trọng hơn, nó còn có thể mang bất ổn, xung đột trở lại khu vực, tác động tiêu cực tới lợi ích của Mỹ và đồng minh tại Trung Đông. Hàng loạt vụ tấn công bằng tên lửa đầy táo tợn vào Đại sứ quán Mỹ tại Iraq thời gian gần đây, bất chấp nỗ lực hỗ trợ cải thiện năng lực tấn công cho quân đội nước sở tại, là ví dụ đơn giản, trực tiếp nhất về hệ quả từ chính sách của Mỹ tại Trung Đông.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm nước Mỹ mông lung trong quá trình chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống đương nhiệm và đắc cử. Dù chỉ đơn giản là hành động “thừa nước đục thả câu” hay phép thử có tính toán, nó đều đặt ra những bài toán khó mà ông Joe Biden cần sớm có lời giải, để bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh tại Trung Đông 4 năm tới.