📞

Hai gương mặt vàng cho vị trí Thủ tướng Nhật Bản

Phan Quân 08:00 | 07/09/2021
Cuộc đua trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide có thể khởi đầu cho sự xuất hiện của một thế hệ chính trị gia và lãnh đạo mới tại đất nước Mặt trời mọc.

Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đột ngột tuyên bố không tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP), từ chối kéo dài nhiệm kỳ đã khơi mào cho cuộc chạy đua mới. Một bên là giới chính trị gia trẻ tìm kiếm thay đổi, bên kia gồm các "lão làng" muốn duy trì hiện trạng và cân bằng quyền lực trong LDP.

Theo giới chuyên gia, kết quả của sự cạnh tranh này có thể là bước ngoặt với chính trường Tokyo.

Cụ thể, LDP sẽ lựa chọn Chủ tịch đảng ngày 29/9 bằng hình thức bỏ phiếu, với một nửa số phiếu của 383 nghị sỹ, nửa còn lại thuộc quan chức đảng ở cấp cơ sở. Người chiến thắng sẽ dẫn dắt LDP trong bầu cử toàn quốc dự kiến diễn ra ngày 30/11, với trọng tâm xoay quanh việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Hiện hai cựu Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Taro Kono, 58 tuổi và ông Fumio Kishida, 64 tuổi, được coi là ứng cử viên sáng giá nhất.

Một chiến thắng cho ông Taro Kono có thể mở đầu cho sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết nhưng chưa được trao cơ hội. Trong khi đó, ông Fumio Kishida là người theo phong cách chính trị truyền thống và hướng tới duy trì cán cân quyền lực hiện nay.

Tân Chủ tịch LDP sẽ là người biết tận dụng ưu thế và vượt qua thách thức để tìm kiếm sự ủng hộ.

Ông Fumio Kishida (thứ hai từ trái) và ông Taro Kono (thứ ba từ trái) đang là ứng viên nặng ký cho vị trí Chủ tịch đảng LDP, bỏ xa ông Shigeru Ishiba và bà Sanae Takaichi. (Nguồn: EPA)

"Kẻ kỳ lạ"…

Có thể nói ông Taro Kono, 58 tuổi, là đại diện cho tiếng nói của thế hệ lãnh đạo trẻ tại Nhật Bản.

Ông là con trai cựu Chánh Văn phòng Nhật Bản Yohei Kono, người từng công khai xin lỗi về “phụ nữ mua vui” thời chiến.

Tốt nghiệp ngành khoa học ngoại giao trường Đại học Georgetown (Mỹ), một trong những cơ sở đào tạo về chính sách đối ngoại lâu đời nhất xứ cờ hoa và có thể nói tiếng Anh lưu loát, chính trị gia này từng giữ nhiều cương vị nội các quan trọng như Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng.

Hiện ông là Bộ trưởng phụ trách cuộc chiến chống Covid-19 của Nhật Bản.

Với tính cách hòa đồng, bộc trực và thường xuyên tương tác trên mạng xã hội, ông Kono nhận được sự ủng hộ lớn từ giới trẻ Nhật Bản và tài khoản Twitter với hơn 2,3 triệu lượt người theo dõi.

Cựu thành viên LDP, nhà nghiên cứu chính trị Atsuo Ito nhận định: “Khi bầu cử toàn quốc tới gần, đảng có xu hướng lựa chọn người có hình ảnh tốt với công chúng, đặc biệt là với giới trẻ của LDP”.

Song ông Kono cũng được biết đến là người nóng nảy và có quan điểm độc lập về chính sách. Điều này khiến bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là “kẻ kỳ lạ”, biệt danh mà ông không hề chối bỏ.

Về định hướng chính sách, trong cuốn sách gần đây “Đưa Nhật Bản tiến lên”, ông Taro Kono cho rằng Nhật Bản cần phản ứng mạnh hơn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng cách thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ và xây dựng cấu trúc khu vực vững chắc với các liên kết an ninh và kinh tế.

Các vấn đề trong cách tiếp cận với Bắc Kinh chắc chắn sẽ thuộc danh sách ưu tiên của Tokyo, dù ai kế nhiệm ông Suga.

Ở thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 mới là trọng tâm vận động, dù trong cuộc tìm kiếm Chủ tịch LDP ngày 29/9 hay bầu cử toàn quốc ngày 30/11 tới.

Đặc biệt, Thủ tướng đương nhiệm Suga Yoshihide được cho là sẽ ủng hộ một khi ông Taro Kono quyết định ra tranh cử.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, người dẫn dắt phe 53 thành viên LDP, trong đó có ông Kono, lại có thái độ khác.

Ông Atsuo Ito giải thích: “Ông Aso sẽ phản đối bởi một khi ông Kono chiến thắng, ông sẽ buộc phải nghỉ hưu”.

Bởi lẽ, theo giới phân tích, nếu nắm quyền, ông Kono nhiều khả năng sẽ thay thế Phó Thủ tướng Taro Aso và nhiều nhân vật khác trong nội các bằng những gương mặt trẻ tuổi hơn.

Trong cuốn sách gần đây “Đưa Nhật Bản tiến lên”, ônng Taro Kono cho rằng Nhật Bản cần phản ứng mạnh hơn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng cách thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ và củng cố cấu trúc khu vực thông qua các liên kết an ninh và kinh tế.

Hay chính trị gia truyền thống?

Trong khi đó, tốt nghiệp Đại học Waseda danh tiếng, cũng từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng, ông Fumio Kishida được biết đến với nỗ lực xây dựng quan hệ với Nga bằng rượu Sake và Vodka, cùng đàm phán vấn đề “phụ nữ mua vui” với Hàn Quốc năm 2015.

Khác với đối thủ, ông có tính cách điềm đạm và không phải là nhân vật của công chúng.

Mới đây, chính trị gia này đã gây bất ngờ với tuyên bố một khi trở thành Chủ tịch LDP, ông sẽ thay đổi điều lệ đảng và có thể khiến Bí thư đảng Toshihiro Nikai, phải từ chức.

Động thái trên cho thấy ông Kishida nhận được sự tín nhiệm của thế hệ trẻ, dù ông vẫn giữ quan hệ với các lão làng LDP.

Ông Takao Toshikawa, biên tập viên bản tin chính trị Tokyo Insideline, cho rằng: “Ông Kishida đang đặt ra thách thức với ông Nikai và hành động này được nhiều người ủng hộ.

Trước đó, ông được coi là người dễ tính nhưng thiếu quyết đoán. Vì thế, sự thay đổi này đã khiến ông Suga bất ngờ”.

Về định hướng chính sách, phe Kochikai gồm 47 thành viên do ông Kishida dẫn dắt từng ủng hộ biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Theo giới phân tích, chính trị gia này gần đây lại cam kết sẽ triển khai một gói kích thích kinh tế lớn thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, nhằm giành sự ủng hộ của phe thân cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người vẫn có ảnh hưởng lớn trong nội bộ của LDP.

Ông Toshikawa nhận định, một khi trở thành Thủ tướng và tại nhiệm ít nhất 3 năm tới, không loại trừ khả năng ông Kishida sẽ dần thay thế Abenomics, điều ông Abe sẽ không hề mong muốn.

Điều này khiến cựu Thủ tướng Abe Shinzo dành sự ủng hộ của mình cho một nhân vật khác, cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi, 60 tuổi, người không thuộc bất kỳ phe nào trong LDP nhưng có lập trường tương đồng với ông trong cách nhìn nhận về lịch sử và thay đổi Hiến pháp Nhật Bản.

Một sự lựa chọn khác là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 64 tuổi. Chính trị gia này được lòng người dân, song không được nhiều đồng nghiệp ở LDP thực sự ủng hộ.

Nguời kế nhiệm ông Suga sẽ có nhiều việc phải làm để đưa Nhật Bản tăng trưởng nhanh trở lại sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: AFS)

Bài toán chung

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đang theo dõi sát diễn biến của cuộc bỏ phiếu sắp tới.

Họ lo ngại rằng một chính sách mới có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài, từng bị thu hút bởi kế hoạch hồi sinh nền kinh tế của ông Abe, không còn hứng thú với thị trường xứ Mặt trời mọc.

Một mối quan tâm khác là tương lai các sáng kiến dưới thời ông Suga, bao gồm thúc đẩy quá trình số hóa chính phủ và thực hiện cam kết đưa Tokyo trở thành quốc gia trung hòa carbon năm 2050.

Tân Thủ tướng cần có tầm nhìn dài hạn hơn cho nền kinh tế, đưa Nhật Bản bước vào kỷ nguyên hậu Abenomics.

Ông Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành Suntory, cố vấn cho Thủ tướng Nhật Bản, nhận định: “Abenomics đã tỏ ra hiệu quả trong việc tạo công ăn việc làm và nâng thu nhập hộ gia đình. Giờ đây, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ về cách hồi sinh các ngành nghề và doanh nghiệp”.

Đây sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng dành cho người kế nhiệm ông Suga, dù đó là ông Kono, ông Kishida, bà Takaichi hay ông Ishiba.