📞

Hải quân Ấn Độ và chính sách “hướng Tây”

11:44 | 11/10/2015
Để đảm bảo lợi ích chiến lược và ngăn cản Trung Quốc “chen chân” vào những vùng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương, Chính quyền New Delhi đang gia tăng sự hiện diện hải quân tại vùng biển trọng yếu này.
Một tàu Hải quân Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Đó là nhận định của ông Abhijit Singh, chuyên gia nghiên cứu Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ trong bài viết đăng tải trên The Diplomat. Báo TG&VN xin lược dịch bài viết.

Dấu hiệu chuyển dịch chính sách

Khi nói đến ngoại giao hàng hải của Ấn Độ, chúng ta liên tưởng ngay tới việc mở rộng lực lượng hải quân của nước này về phía khu vực Đông Á. Trong những năm gần đây, việc tăng cường tàu hải quân đến khu vực Đông Nam Á được giới truyền thông cho là thể hiện tham vọng ảnh hưởng tới vùng biển Thái Bình Dương của Chính quyền New Delhi. Từ đó khẳng định, vùng biển Đông Á vẫn là đích đến cuối cùng trong nỗ lực ngoại giao hải quân của Ấn Độ và vùng biển Ấn Độ Dương có vị trí khá khiêm tốn trong chính sách của cường quốc châu Á này dù cho New Delhi đã có những đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn an ninh đường biển và hoạt động tích cực nhằm đối phó với nạn cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Somalia.

Tuy nhiên, dường như “gió đã đổi chiều”. Những diễn biến mới của Hải quân Ấn Độ trong những tháng vừa qua thể hiện Ấn Độ đang tích cực quan tâm đến Ấn Độ Dương. Điển hình là chuyến thăm Sri-lanka, Seychelles và Mauritius trong đầu năm nay của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó khẳng định vùng bờ biển Ấn Độ Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ và nước này sẽ vẫn tích cực duy trì mối quan hệ hàng hải tốt đẹp với các nước láng giềng. New Delhi cho biết, sau khi cải thiện các mối quan hệ ngoại giao, Ấn Độ sẽ cố gắng thực hiện các dự án phát triển cũng như tăng cường an ninh hàng hải với SriLanka và Malpes thông qua Seychelles.

Tháng Tư vừa qua, Hải quân Ấn Độ đã đạt được thành công vang dội, góp phần vào thành công ngoại giao khi tiến hành sơ tán hơn 4.000 công dân nước này và 900 người nước ngoài ra khỏi khu vực chiến loạn ở Yemen. Hoạt động mang tên Operation Rahat của nước này được xem là một minh hoạ đáng tin cậy cho vai trò gìn giữ hoà bình và tiềm năng hàng hải của Ấn Độ, bởi nó được tiến hành trong bối cảnh một thảm hoạ nhân đạo thực sự đang diễn ra.

Một dấu hiệu nữa cho thấy Ấn Độ quan tâm hơn tới Ấn Độ Dương là việc Chính quyền của ông Modi đang bắt tay vào chương trình hợp tác an ninh và xây dựng năng lực bền vững với các quốc gia vùng Vịnh. Mới đây, 4 tàu hải quân Ấn Độ là Trishul, Tabar, Deepak và Delhi đã triển khai tới Vịnh Ả rập. Đoàn tàu được tách thành 2 nhóm: Nhóm đầu tiên gồm tàu Delhi và Trishul khởi hành đến Al-Jubail (Saudi Arabia) và Doha (Qatar) để tham gia cuộc diễn tập phối hợp với hải quân nước chủ nhà; Nhóm thứ hai gồm tàu Tabar và Deepak sẽ ghé thăm Kuwait, sau đó tới Doha, tập hợp với hai tàu còn lại và di chuyển đến Muscat - điểm dừng chân cuối cùng trước khi trở lại Mumbai.

Nỗ lực dài hạn

Thực tế, New Delhi đã tiếp cận chính sách “hướng Tây” trước khi quay sang chính sách “hướng Đông”. Cụ thể, từ năm 2008, hải quân Ấn Độ đã tích cực hỗ trợ, tham gia huấn luyện lực lượng hải quân của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cũng như hợp tác với lực lượng hàng hải trong khu vực để chống cướp biển. Các biên bản ghi nhớ cũng như các ủy ban hợp tác quốc phòng cho thấy, Hải quân Ấn Độ đã tăng cường đáng kể sức mạnh tổng hợp với lực lượng hải quân các nước vùng Vịnh.

Hơn nữa, các hoạt động hải quân của Ấn Độ với Oman cũng rất đáng chú ý. Từ năm 1993 đến nay, hình thức diễn tập chung Naseem Al-Bahr (2 năm một lần) vẫn được duy trì giữa hải quân hai nước. Năm 2008, Ấn Độ và Oman đã thiết lập lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó có đề cập tới việc Ấn Độ hỗ trợ đào tạo hải quân thủy văn cho Oman. Thông qua cung cấp các bến đỗ và bổ sung cơ sở hạ tầng cho các tàu hải quân Ấn Độ, Oman đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh vùng Vịnh Aden. Bên cạnh Oman, Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ hàng hải với Iran. Một tuần trước chuyến đi đến các nước vùng Vịnh, hai tàu hải quân của Ấn Độ là Betwa và Beas đã ghé thăm cảng Bandar-e-Abbas của Iran.

Nhu cầu cấp thiết

Ấn Độ quan tâm nhiều hơn tới khu vực Ấn Độ Dương bởi các tuyến đường biển ở phía Bắc Ấn Độ Dương là những tuyến đường quan trọng nhất trên thế giới, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu một khối lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là dầu và khí tự nhiên. Ấn Độ là nước được hưởng lợi từ các giao dịch thương mại và năng lượng qua vùng ven biển Tây Á. Ngoài ra, khu vực Trung Đông là quê hương của gần 7 triệu người Ấn Độ, những người có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước này. Như vậy, sức nặng tuyệt đối của sự tương tác thị trường và trao đổi thương mại với khu vực Vịnh Ả rập đang tạo ra một nhu cầu cấp thiết cho sự hiện diện lớn hơn của hải quân Ấn Độ trong khu vực.

Trong những năm vừa qua, mức độ ảnh hưởng địa chính trị của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương đã bị thu hẹp lại, trong khi Trung Quốc vẫn duy trì nỗ lực ảnh hưởng của mình. Theo báo cáo của lực lượng hải quân Trung Quốc tại Cộng hòa Djibouti, phía Đông châu Phi, việc tăng cường tàu ngầm và các hoạt động hàng hải của Bắc Kinh tại phía Tây Ấn Độ Dương đã tạo ra mối lo ngại lớn cho Ấn Độ. Do vậy, hơn bao giờ hết New Delhi cần có những biện pháp chiến lược nhằm giữ vững vai trò an ninh tại Ấn Độ Dương.

Trong khi mối quan hệ chính trị giữa Ấn Độ và các nước khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt là các nước vùng Vịnh đang phát triển, Chính quyền của ông Modi nên thể hiện sức mạnh hải quân như một chính sách đối ngoại hiệu quả. Sự hiện diện của lực lượng Hải quân Ấn Độ không những thể hiện được năng lực bảo vệ quyền lợi của New Delhi nói riêng và khu vực nói chung tại Ấn Độ Dương mà còn thể hiện tầm nhìn quốc tế sâu sắc, nhạy bén của cường quốc châu Á này.

Thanh Thảo (theo The Diplomat)