Các thành viên của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam, nhánh quân sự của lực lượng Hamas, năm 2017. (Nguồn: AFP) |
Câu hỏi được đặt ra là Hamas – một phong trào kháng chiến ủng hộ nhà nước Palestine độc lập tại dải Gaza mới được thành lập năm 1987 và luôn trong tình trạng bị o bế, phong toả nghiêm ngặt có sức mạnh và vũ khí gì cho cuộc đối đầu được cho là “trứng chọi đá” với Israel?
Hamas là ai, có vũ khí gì?
Phong trào Hamas ("Harakat al-Muqawama al-Islamiya" - "Phong trào kháng chiến Hồi giáo") được thành lập vào cuối năm 1987 từ Phong trào anh em Hồi giáo với mục tiêu thành lập một nhà nước Ả Rập Hồi giáo trên toàn bộ lãnh thổ của vùng Palestine ủy trị. Khác với các tổ chức và phong trào khác của Palestine như Fatah đấu tranh bằng ngoại giao, chính trị, Hamas chủ trương đấu tranh vũ trang và có lập trường cứng rắn nhất tại Dải Gaza.
Tin liên quan |
Cố vấn An ninh quốc gia Israel thừa nhận sai lầm khi đánh giá thông tin tình báo về Hamas |
Trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) là quân đội chính quy, được tổ chức, cơ cấu và trang bị kỹ lưỡng với các loại vũ khí tối tân, thì lực lượng Hamas được tập hợp, truyền bá, trang bị và huấn luyện như những phong trào Hồi giáo khác. Hamas không có máy bay chiến đấu, không có xe tăng, không có tàu chiến. Các hành động quân sự của Hamas trước đây thường chỉ là các cuộc tấn công bằng tên lửa vác vai, du kích, tấn công liều chết.
Trong các cuộc tấn công nhằm vào Israel, mà mới nhất là cuộc tấn công hôm 7/10, Hamas không sử dụng thiết giáp cũng như các hệ thống pháo tầm xa vì những hệ thống như vậy sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của lực lượng Israel. Thay vào đó, Hamas sử dụng các phương tiện di chuyển linh hoạt như xe jeep, xe bán tải và xe máy...
Mới đây, lực lượng Hamas đã đa dạng thêm các phương tiện chiến đấu như UAV, diều lượn, tàu lượn, xuồng đổ bộ cao tốc.…Các UAV của Hamas được đánh giá là không hiện đại như của Israel nhưng chúng khá đa dạng, từ các UAV bốn cánh cấp thương mại có thể trang bị lựu đạn đến UAV cảm tử “kamikaze” theo các thiết kế giống như của Iran.
Kho vũ khí của Hamas chủ yếu bao gồm súng trường tấn công, súng máy hạng nặng, lựu đạn, phóng tên lửa và vũ khí chống tăng cũng như súng bắn tỉa tầm xa. Vũ khí quan trọng nhất của Hamas để tấn công Israel chính là rocket tầm xa. Theo nhiều nguồn tin, Hamas hiện sở hữu số lượng rocket khổng lồ lên tới khoảng 15.000 quả. Ngoài ra, Hamas còn sử dụng các phiên bản khác nhau của tên lửa đạn đạo đất đối đất Fateh-110 do Iran sản xuất, có khả năng cơ động và có thể mang đầu đạn nặng tới 500kg...
Một chiến binh Palestine thuộc cánh vũ trang của Hamas tham gia cuộc diễu hành quân sự để kỷ niệm cuộc chiến năm 2014 với Israel, gần biên giới ở trung tâm Dải Gaza, ngày 19/7/2023. (Nguồn: Reuters) |
Theo Al Jazeera, trong cuộc tấn công Israel cuối tuần trước, vũ khí chủ yếu của Hamas vẫn là rocket, nhưng chúng không còn là những quả đạn đơn giản, vốn được gọi là "ống thép bay" trước đây, mà đã được phóng ra từ những bệ phóng tương tự như các hệ thống phóng tên lửa tiêu chuẩn của các nước.
Gần đây, Hamas còn có một số cải tiến đối với các loại vũ khí khác. Hamas sử dụng súng phóng lựu RPG-7 cải tiến để tấn công xe tăng của Israel bằng đạn với đầu đạn nổ kép có thể đối phó hiệu quả hơn với giáp phản ứng nổ. Độ sâu xuyên giáp của loại vũ khí cải tiến này cũng có thể xuyên thủng nhiều lớp, nhất là bên hông và phía sau xe. Để đối phó với các xe tăng Israel, Hamas sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng, tiêu biểu trong số này là tổ hợp tên lửa chống tăng Korne do Nga sản xuất và tên lửa chống tăng Fajr do Iran sản xuất.
Dù hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt” của Israel có khả năng phòng thủ cao nhưng với lượng rocket và tên lửa khổng lồ, phóng liên tục từ Hamas thì vẫn có những quả vượt qua được hàng rào phòng thủ. Thêm vào đó, Vòm Sắt của Israel đắt hơn nhiều lần so với các rocket của Hamas, nên sử dụng Iron Dome để chặn rocket được đánh giá là khá tốn kém cho Israel.
Lực lượng tinh nhuệ của Hamas
Ban đầu, Hamas không phân chia rõ ràng thành các nhánh quân sự, chính trị và tư tưởng. Một nhánh quân sự rõ rệt của Hamas chỉ xuất hiện vào đầu những năm 1990. Lực lượng này được gọi là Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam. Kể từ đó, lữ đoàn này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khác nhau nhằm vào Israel.
Bất chấp mọi hạn chế và khó khăn, nhánh quân sự của Hamas vẫn duy trì số lượng đơn vị tương đối lớn và đang nỗ lực cải tiến trang thiết bị nội địa với sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Những sự kiện gần đây, đặc biệt là cuộc tấn công cuối tuần qua nhằm vào Israel đã cho thấy, Hamas đã tích lũy được tiềm lực quân sự đáng kể và ngày càng lớn mạnh.
Theo thống kê của Military Balance, các lữ đoàn chiến đấu của Hamas gồm khoảng 15.000-20.000 người. Các nghiên cứu khác ước tính con số này khoảng 30.000-40.000 người.
Theo thống kê của Military Balance, các lữ đoàn chiến đấu của Hamas gồm khoảng 30.000-40.000 người. (Nguồn: Reuters) |
Ngoài lực lượng thường trực, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam còn có lực lượng dự bị, với số lượng lên tới hàng chục nghìn người. Tình báo nước ngoài cho biết, cơ cấu tổ chức của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam không vượt quá cấp đại đội và tiểu đoàn. Tổng cộng, họ có 27-30 tiểu đoàn và khoảng 100 đại đội. Cũng có thông tin cho rằng, họ còn có các đơn vị hỗ trợ chuyên biệt về kỹ thuật, hậu cần…
Tuy nhiên, các sự kiện gần đây cho thấy, Hamas còn thành lập và triển khai các đơn vị thuộc các lực lượng khác như các đơn vị tấn công trên không cơ động hay thủy quân lục chiến. Palestine chưa bao giờ có một lực lượng không quân chính thức, nhưng giờ đây một số hoạt động đã được tiến hành bằng máy bay không người lái (UAV).
Theo Topwar, mặc dù có thêm một số đơn vị, nhưng phần lớn lực lượng chiến đấu của Hamas là bộ binh. Lực lượng này được trang bị nhiều loại vũ khí nhỏ khác nhau, phổ biến nhất là các hệ thống vũ khí thời Liên Xô. Súng chống tăng cầm tay cũng được lực lượng Hamas sử dụng rộng rãi và được xem như một loại vũ khí đa năng.
Hamas cũng sử dụng một số hệ thống tên lửa chống tăng. Đây chủ yếu là các sản phẩm của Iran hoặc các sản phẩm từ các quốc gia khác đã được đưa đến Palestine bằng nhiều con đường. Ngoài ra, các hệ thống phòng không quân sự cũng được triển khai, dựa trên hệ thống MANPADS, chủ yếu là loại của Liên Xô. Các hệ thống Mutabar-1 với tên lửa phòng không không điều khiển đã được Hamas sử dụng.
TIN LIÊN QUAN | |
Báo Mỹ tiết lộ, Hamas nắm giữ thông tin về căn cứ quân sự và vũ khí của Israel |
Theo Defense Blog, các thành viên Hamas đã rút kinh nghiệm từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và đang sử dụng UAV để tấn công xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava của Israel, một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới và cho thấy đã phát huy hiệu quả.
Ngoài việc tấn công xe tăng của Israel, UAV cỡ nhỏ còn được sử dụng để tấn công binh lính Israel. Các video trên mạng xã hội cho thấy, những chiếc UAV nhỏ bay lượn phía trên binh lính Israel và thả lựu đạn xuống các căn cứ và binh lính Israel.
Vũ khí tấn công chính của Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, vốn gây thiệt hại đáng kể cho Israel trong nhiều năm qua, là pháo phản lực. Hamas sử dụng nhiều loại tên lửa không dẫn đường khác nhau. Các xưởng dưới lòng đất của Hamas đã sản xuất một số loại tên lửa như vậy với các cỡ nòng khác nhau và các đặc tính khác nhau.
Số lượng và chất lượng của các loại tên lửa tự sản xuất cũng được cải thiện dần theo thời gian. Ngoài ra, các bệ phóng tên lửa cũng được phát triển. Cuộc tấn công gần đây của Hamas đã sử dụng các bệ phóng này.
Một chiến binh Palestine thuộc Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam, cánh vũ trang của phong trào Hamas, ra hiệu bên trong một đường hầm dưới lòng đất ở Gaza. (Nguồn: Reuters) |
Ai trợ giúp Hamas phát triển vũ khí?
Trước sự phát triển nhanh chóng về vũ khí và sức mạnh của Hamas, câu hỏi được dư luận quan tâm là làm thế nào Hamas sản xuất và tích lũy được số lượng vũ khí khổng lồ như thế?
Theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA): "Hamas có được vũ khí thông qua buôn bán hoặc sản xuất ở địa phương và nhận được một số hỗ trợ quân sự từ Iran".
Daniel Byman, chuyên gia của Dự án về các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS-Mỹ), nhận định."Hamas đã nhận được vũ khí từ Iran được đưa vào Dải Gaza qua các đường hầm. Các vũ khí này thường bao gồm các hệ thống tầm xa".
Trong trả lời phỏng vấn kênh tin tức tiếng Ả Rập RTArabic của Russia Today hôm 8/10 vừa qua, một quan chức cấp cao của Hamas ở Lebanon, ông Ali Baraka cho biết: "Hamas có các nhà máy địa phương sản xuất mọi thứ, bao gồm tên lửa có tầm bắn 250km, 160km, 80km và 10km. Chúng tôi có nhà máy sản xuất súng cối và đạn pháo. Chúng tôi có các nhà máy sản xuất Kalashnikov (súng trường) và đạn cho các loại súng này. Chúng tôi đang sản xuất đạn với sự cho phép của Nga. Chúng tôi đang xây dựng cơ sở ở Gaza”.
Trước đó, trong trả lời đài truyền hình Al Jazeera, Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cũng cho biết Hamas đã nhận được 70 triệu USD viện trợ quân sự từ Iran. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể sản xuất được tên lửa tầm ngắn ở trong nước nhưng tên lửa tầm xa được chuyển đến từ nước ngoài, như Iran, Syria và các nước khác thông qua Ai Cập”.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 2020, Iran cung cấp khoảng 100 triệu USD hàng năm cho các nhóm người Palestine, bao gồm Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine Fatah và Mặt trận Giải phóng Palestine PLO. Một nguồn tin an ninh của Israel cũng cho biết Iran đã tăng đáng kể nguồn tài trợ cho lực lượng quân sự của Hamas trong năm qua từ 100 triệu USD lên khoảng 350 triệu USD/năm.
Các nguồn tin tình báo phương Tây cho biết sau khi Israel rút khỏi Gaza vào năm 2005, Hamas bắt đầu nhập khẩu tên lửa, chất nổ và các thiết bị khác từ Iran. Các loại vũ khí này được vận chuyển qua Sudan, vận chuyển bằng xe tải qua Ai Cập và chuyển vào Gaza thông qua một mê cung các đường hầm hẹp bên dưới Bán đảo Sinai. Còn theo trang web Globalsecurity.org, từ đầu những năm 2000, Hamas đã xây dựng một mạng lưới đường hầm dưới lòng đất ở dải Gaza để xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí và lắp ráp, dự trữ các loại vũ khí được chuyển từ nước ngoài về.
Cuộc chiến có cân sức?
Israel được đánh giá là lực lượng quân đội lớn thứ tư trong khu vực với ngân sách quân sự khoảng 23,4 tỉ USD, chỉ xếp sau Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Iran. Trên toàn cầu, quy mô lực lượng quân đội Israel đứng thứ 18, theo bảng xếp hạng của trang Global Power. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, Mỹ), Quân đội Israel từ lâu đã được Mỹ hỗ trợ với 3,3 tỷ USD tài trợ hàng năm theo quy định của Quốc hội, cộng thêm 500 triệu USD nữa dành cho công nghệ phòng thủ tên lửa.
Israel là một trong những quốc gia có vũ khí tốt nhất ở Trung Đông. Lực lượng không quân của nước này bao gồm máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến của Mỹ, các khẩu đội phòng thủ tên lửa bao gồm cả Patriot do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Israel có xe bọc thép và xe tăng, cùng một đội máy bay không người lái và công nghệ khác sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ trận chiến đường phố nào.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt (Iron Dome) của Israel. (Nguồn: Al Jazeera) |
Theo báo cáo Military Balance năm 2023 của IISS, Israel có 169.500 quân nhân đang tại ngũ, được huy động dưới hình thức nghĩa vụ quân sự từ 24 đến 48 tháng (bao gồm cả nam và nữ). Ngay sau các đợt tấn công của Hamas vào lãnh thổ, Israel đã huy động thêm 360.000 quân dự bị để bao vây Dải Gaza, chiếm tới 3/4 năng lực tuyển quân ước tính của Israel.
Lực lượng Phòng vệ Israel có khoảng 2.200 xe tăng, với 100 xe tăng Merkava (tương tự như xe tăng chiến đấu Leopard 2 của Đức) đóng vai trò phương tiện chiến đấu chủ lực và 1.200 xe bọc thép chở quân. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Israel cũng sở hữu khoảng 300 khẩu pháo kéo, 650 pháo tự hành và 300 hệ thống pháo tên lửa, bao gồm cả Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Mỹ phát triển.
Về không quân, Lực lượng không quân Israel bao gồm các máy bay chiến đấu F-15, F-16 và F-35 do Mỹ sản xuất với tổng số gần 350 chiếc được chia thành 14 phi đội cùng 2 phi đội trực thăng tấn công Apache. Israel cũng có đủ loại máy bay không người lái (UAV) có vũ trang và không vũ trang, tiêu biểu là các dòng Heron, Hermes và Skylark. Năng lực phòng không của nước này nổi tiếng với hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) có tỉ lệ phòng thủ thành công khoảng 96%.
Bên cạnh đó, Hải quân Israel cũng rất hùng mạnh với 5 tàu ngầm, 3 tàu đổ bộ, 1 đơn vị Biệt kích Hải quân và gần 50 tàu tuần tra và tàu chiến đấu. Đáng chú ý, Israel được cho là có sở hữu vũ khí hạt nhân và coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một “biện pháp răn đe cuối cùng” trong tình huống mà sự tồn tại của nhà nước Israel bị đe dọa.
Với sức mạnh quân sự vượt trội so với Hamas và các lực lượng khác của Palestine như thế, nhiều nhà quan sát cho rằng đây thực sự là một cuộc chiến không cân sức cho người Palestine. Thế nhưng, lịch sử cho thấy, dù cho có sức mạnh quân sự áp đảo, nhưng cuộc xung đột giữa người Israel với người Palestine đã không thể giải quyết trong suốt hơn 7 thập kỷ qua.
| Đại sứ Nguyễn Quang Khai 'bật mí' nguyên nhân Hamas ồ ạt tấn công Israel Cuộc tấn công 'bất ngờ với quy mô chưa từng có' của Hamas vào Israel có thể sẽ leo thang và lan rộng ra toàn ... |
| Những bài học từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel Vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 khiến hàng trăm người thiệt mạng cho thấy chính sách mà Tel Aviv theo ... |
| Những nước nào dừng viện trợ cho Palestine sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel? Ủy ban Châu Âu ngày 9/10 cho biết họ đang xem xét lại toàn bộ viện trợ phát triển cho người Palestine, trị giá 691 ... |
| Xung đột Israel - Hamas: Lá bài mặc cả và kịch bản nào cho xung đột? Cuộc tấn công của Phong trào Hamas vào Israel đã tạo ra một chấn động lớn, liệu Hamas đang cố tình 'lấy trứng chọi đá' ... |
| Israel tiêu diệt chỉ huy quân sự cấp cao của Hamas, Nga lên tiếng về vấn đề con tin Ngày 14/10, quân đội Israel tuyên bố Murad Abu Murad - chỉ huy quân sự cấp cao của Hamas, người đứng đầu các hoạt động ... |