Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/5 ở Seoul. (Nguồn: Reuters-Yonhap) |
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 22/5 cho biết, nước này chủ trương xây dựng một chiến lược ngoại giao và an ninh riêng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cho biết chính sách mới sẽ được công bố trong những tháng tới.
Chiến lược mới được cho là sẽ bao gồm các kế hoạch để "cùng tồn tại" hoặc "hợp tác" với nhóm Bộ tứ (Quad), một cơ chế đối thoại an ninh chiến lược bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Quyết định được đưa ra sau khi Hàn Quốc công bố tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), một chiến lược do Mỹ dẫn dắt nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra ngày 21/5.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ủng hộ sáng kiến riêng của Hàn Quốc đối với các mục tiêu an ninh, kinh tế đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ thông qua cơ chế IPEF.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, Tổng thống Biden bày tỏ “hoan nghênh sự quan tâm của Tổng thống Yoon Suk-yeol đối với Quad". Hai nhà lãnh đạo “nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan như một yếu tố quyết định đến an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Mặc dù tuyên bố không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, song đã đề cập đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến nước này, như “tôn trọng luật pháp quốc tế” ở Biển Đông và vấn đề “nhân quyền”.
Chính sách mới của chính quyền Tổng thống Yoon sẽ có sự thay đổi so với Chính sách hướng Nam Mới của chính quyền Moon Jae-in trước đó, vốn tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế của Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á. Chính quyền mới cho rằng chính sách cũ "không hữu ích" trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và "quá tập trung vào thương mại".
Trước đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho rằng Chính sách hướng Nam Mới sẽ không hiệu quả trong bối cảnh tình hình ngoại giao của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, ám chỉ việc đưa ra một chính sách mới.
| Khởi động chiến lược kinh tế mới đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ tham vọng gì? Chiến lược kinh tế mới của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) là một cách biểu đạt của Chiến lược ... |
| Thổ Nhĩ Kỹ và chiến lược ngoại giao 'không ngủ' trong tháng lễ Ramadan Trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành các hoạt động ngoại giao dồn ... |