Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi quân đội sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân. |
Cân bằng tạm thời
Trong quá khứ, không ít lần Triều Tiên đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ với láng giềng Hàn Quốc và đồng minh Mỹ. Và mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa, hạt nhân là một lần nổ ra tranh cãi tại Hàn Quốc, kêu gọi Chính phủ nước này phải sở hữu năng lực hạt nhân riêng. Cũng chính những lần đó, Hàn Quốc không khỏi bất an vì không chắc "chiếc ô" hạt nhân của Mỹ có đủ sức bảo vệ nước này trước đòn tấn công phủ đầu của láng giềng phương Bắc hay không.
Trước đây, những lời kêu gọi đó thường nhanh chóng tan biến, nhưng năm nay thì khác. Sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu quân đội nước này sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để phản ứng với lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc với Bình Nhưỡng, giới chóp bu Hàn Quốc sốt sắng kêu gọi Chính phủ cần tính tới phương án đối phó tương xứng. Thăm dò ý kiến của Viện ASAN gần đây cũng cho thấy khoảng 54% người Hàn Quốc ủng hộ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Chính phủ. Có vẻ như tình hình đang đẩy Hàn Quốc vào vị thế khó khăn, khiến nỗ lực tiếp cận và hòa giải của Tổng thống Park Guen-hye có nguy cơ tan vỡ.
Cuộc tranh luận về việc liệu Seoul có cần sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, cộng với những lo ngại từ việc Bình Nhưỡng bắn tên lửa, thử hạt nhân, và những động thái quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông cũng chứng tỏ sự cân bằng địa chính trị tại khu vực Đông Á hiện chỉ mang tính tạm thời.
Chính sách hiệu quả?
Vũ khí hạt nhân luôn là vấn đề nóng bỏng trong nhiều thập kỷ qua từ khi Xô Viết phá vỡ thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực này. Với lực lượng quân đội chính quy được trang bị kém, chủ yếu vẫn dùng vũ khí của những năm 1970, thì việc Triều Tiên muốn sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là điều dễ hiểu. Đây được xem là cách thức tăng cường hiệu quả và ít tốn kém hơn so với việc nâng cấp toàn bộ kho vũ khí lạc hậu.
Đồng thời, với Bình Nhưỡng, bài học can thiệp của Mỹ vào Iraq và Libya (sau khi Tổng thống Muammar el-Qaddafi từ bỏ chương trình hạt nhân) cho thấy vũ khí hạt nhân vẫn là chính sách răn đe hiệu quả nhằm ngăn Mỹ không tấn công hoặc thay đổi chế độ tại nước này.
Chân dung tướng Park Chung Hee tại lễ duyệt binh năm 1973. |
Ít người biết rằng trước khi Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân thì Hàn Quốc đã có ý định tương tự. Sau thất bại cay đắng của Mỹ tại Việt Nam năm 1975, nhiều nước châu Á cảm lo ngại về sự thoái trào của Mỹ tại khu vực này. Tổng thống Hàn Quốc khi đó là tướng Park Chung Hee (bố của Tổng thống Park Geun-hye) đã có những nỗ lực bí mật nhằm phát triển năng lực hạt nhân vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, Washington khi đó đã phát hiện ra điều này và cố thuyết phục tướng Park rằng vũ khí hạt nhân sẽ không giúp ích gì và rằng việc duy trì quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn là lựa chọn tốt hơn. Kể từ đó, chiếc ô hạt nhân của Mỹ đã mở rộng ra các đồng minh khác trong khu vực và được xem là yếu tố đảm bảo sự ổn định.
Không thể ngồi yên!
Trong năm gần đây, Triều Tiên tuyên bố sở hữu tên lửa liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Cùng lúc, quân đội Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa. Phản ứng lại, Mỹ đã tăng cường và mở rộng hiện diện quân sự tại Đông Á, đồng thời thúc đẩy việc hợp tác triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp. Điển hình trong số này là việc hợp tác với Nhật phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA trên các tàu khu trục Aegis.
Bên cạnh đó, Washington và Seoul cũng thảo luận về khả năng bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cho hệ thống phòng thủ chung Mỹ - Hàn. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sở hữu nhiều tàu khu trục Aegis và có thể triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA nếu cần.
Tàu khu trục ROKS Munmu the Great (DDH-976) của Hàn Quốc. |
Không ai bảo đảm lệnh trừng phạt mới của Hội đồng bảo an LHQ vừa được đưa ra với Triều Tiên sẽ được thực thi nghiêm túc hay không, bởi việc này còn phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của Bắc Kinh, do 90% giao thương buôn bán của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc.
Trong khi đó, những tuyên bố gần đây của Triều Tiên về việc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, Hàn Quốc đang cho thấy khả năng nối lại đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân ngày càng xa vời.
Nếu không có cách thức và biện pháp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, lời kêu gọi đất nước phát triển vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục xuất hiện tại Hàn Quốc. Và nếu điều đó xảy ra, thì Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) – vốn đang phải dựa vào "chiếc ô" hạt nhân của Mỹ, sẽ phản ứng ra sao? Rõ ràng họ cũng sẽ không chịu ngồi yên.