📞

Hàn Quốc: Sự trở lại của chính sách đối ngoại tự do

16:49 | 10/05/2017
Các nhà phân tích cho rằng đường lối đối ngoại của Hàn Quốc dưới thời ông Moon Jae-in sẽ có phần giống với cựu Tổng thống Roh Moo-hyun.

Sau cuộc bầu cử lịch sử ở Hàn Quốc, ứng cử viên theo đường lối tiến bộ Moon Jae-in đã chiến thắng với tỷ lệ kiểm phiếu là 41%, vượt trội so với người đứng thứ hai, ứng cử viên phe bảo thủ Hong Joon-pyo cũng như những ứng cử viên khác.

Tổng thống đắc cử Moon Jae-in sẽ phải lãnh đạo một đất nước Hàn Quốc vốn đang chán nản với nền chính trị trong nước, kể từ sau khi Tổng thống tiền nhiệm Park Geun-hye bị phế truất. Với vai trò lãnh đạo quốc gia, ông sẽ sớm phải đưa ra những quyết định liên quan đến những căng thẳng gia tăng trong khu vực Đông Bắc Á để tái khẳng định vị thế của Hàn Quốc, vốn đã trở nên lu mờ trong thời gian qua.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Moon Jae-in được chào đón bởi những người ủng hộ của ông ở Goyang. (Nguồn: Getty) 

Đường lối 10 năm trước

Chiến dịch tranh cử của ông Moon phác hoạ sự trở lại của các chính sách đối ngoại tự do, từng được "người thầy" của ông, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun theo đuổi vào những năm 2007, trước khi phe bảo thủ trở lại nắm quyền trong Nhà Xanh.

Dưới thời Roh Moo-hyun, khi ông Moon Jae-in đảm nhận vị trí Chánh Văn phòng Nhà Xanh, Hàn Quốc chủ trương theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn trong khi vẫn bảo toàn mối quan hệ Mỹ - Hàn. Seoul thời kỳ này cũng cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc, đồng thời tập trung phát triển an ninh liên Triều và hợp tác an ninh khu vực thông qua các hợp tác kinh tế và chính trị khu vực.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Moon sẽ gặp phải không ít thách thức, nếu như muốn quay trở lại với chính sách đối ngoại tự do này.

Chính sách cũ, rào cản mới

Thứ nhất, việc chuyển giao quyền lực quá ngắn sẽ buộc ông Moon và đội ngũ của mình bắt đầu nắm quyền chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng. Ông Moon sẽ nhậm chức Tổng thống với một Chính phủ tạm quyền cho đến khi Thủ tướng và nội các được chỉ định được thông qua bởi một Quốc hội mà đảng Dân chủ của ông không chiếm đa số. Quan trọng hơn, việc cần phải đạt được sự nhất trí từ Quốc hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những lựa chọn quan chức của ông Moon, đồng thời giới hạn khả năng của ông trong việc thực hiện nghị trình của mình.

Thứ hai, thái độ của người dân Hàn Quốc cũng sẽ là một rào cản không nhỏ tới chính sách đối ngoại của ông Moon. Mặc dù nhiều người đều cho rằng chính trị trong nước cần đổi mới, họ vẫn tin vào mối quan hệ liên minh quân sự của Seoul với Washington, cũng như duy trì những hoài nghi về khả năng đàm phán với Triều Tiên. Công chúng Hàn Quốc có xu hướng bảo thủ khi đề cập đến các vấn đề đối ngoại lớn trong thập kỷ qua, do đó ông Moon và đội ngũ của mình sẽ phải tốn nhiều công sức nếu như muốn đảo ngược xu thế này.

Thứ ba, tình hình chính trị quốc tế thay đổi mạnh mẽ trong thập kỷ qua sẽ càng khiến ông Moon khó khăn hơn trong việc theo đuổi những trọng tâm chính sách như dưới thời ông Roh Moo-hyun.

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun từng thành công trong việc xây dựng một cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 10/2007 với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng. (Nguồn: Getty)

Triều Tiên đã đạt được những bước tiến trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và không ngừng thể hiện sức mạnh của mình. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên tiếp đưa ra các nghị quyết hạn chế nhiều hoạt động kinh tế của Bình Nhưỡng. Các công ty Hàn Quốc, vốn chịu tổn thương khi Khu Công nghiệp liên Triều Kaesong đóng cửa, giờ đã không còn mặn mà với việc quay trở lại. Điều này đòi hỏi ông Moon và các cố vấn thuyết phục Triều Tiên đảo ngược quỹ đạo hạt nhân, trước khi ước mơ về một thị trường chung của bán đảo Triều Tiên.

Cuối cùng, chính quyền Mỹ của ông Trump đang tỏ ra quyết đoán hơn trong các chính sách về Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc vẫn loay hoay lấp đầy khoảng trống quyền lực do bà Park Geun-hye để lại. Ông Moon Jae-in nhậm chức khi mà chính sách đối ngoại cứng rắn với Triều Tiên của ông Trump đã dần thành hình, dù cho còn nhiều lỗ hổng.

Cần hành động thiết thực

Để bảo vệ những lợi ích quốc gia của Hàn Quốc, ông Moon sẽ phải tìm ra cách nói chuyện khéo léo với người đồng cấp Mỹ Donald Trump mà không gây căng thẳng. May mắn thay, việc ông Moon thừa hưởng những cơ chế đối thoại sâu giữa Washington và Seoul từ "người thầy" Roh Moo-hyun cách đây một thập kỷ sẽ phần nào cho liên minh này đi đúng hướng. Tuy nhiên, quan hệ không tốt giữa hai nhà lãnh đạo có thể hủy hoại nghiêm trọng những chia sẻ lợi ích sâu sắc giữa Mỹ và Hàn Quốc về một bán đảo phi hạt nhân và một khu vực Đông Bắc Á phồn thịnh.

Bên cạnh đó, ông Moon cần khôi phục lòng tin của người dân trong nước về khả năng lãnh đạo của chính quyền, trong khi khẳng định lại vai trò chiến lược của Hàn Quốc trong khu vực Đông Bắc Á. Người dân xứ kim chi đang đặt niềm tin vào ông nên đã đến lúc ông đáp lại niềm tin của họ bằng những hành động thiết thực.

(theo Forbes)