Các cựu cảnh sát Thomas Lane, J. Alexander Kueng và Tou Thao bị cáo buộc vi phạm quyền công dân của George Floyd. (Nguồn: Getty Images) |
Vụ công dân da màu George Floyd tử vong trong quá trình bị cựu cảnh sát da trắng Derek Chauvin và 3 đồng nghiệp là Tou Thao, J.Alexander Kueng và Thomas Lane bắt giữ vào ngày 25/5/2020 đã làm dấy lên làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ và lan sang nhiều nước khác.
Mạng xã hội lan truyền video ghi lại hình ảnh cựu cảnh sát Chauvin ghì cổ Floyd trong hơn 9 phút dù nạn nhân liên tục kêu không thở được, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tình quy mô lớn phản đối phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát kéo dài nhiều tháng sau đó.
Kể từ sau cái chết của George Floyd, chưa bao giờ người ta thấy nhiều người Mỹ công khai ủng hộ phong trào “Quyền được sống của người da màu” (Black lives matter) như hiện nay và cũng chưa bao giờ người ta thấy làn sóng dân chúng bày tỏ phẫn nộ với cách ứng xử bạo lực của cảnh sát đối với người da màu đến thế.
"Black Lives Matter" đã trở thành khẩu hiệu phổ biến tại các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ ở tất cả 50 bang của Mỹ. Bất chấp yêu cầu giãn cách xã hội của cuộc chiến chống Covid-19, hàng chục nghìn người vẫn xuống đường tuần hành nhằm phản đối nạn đối xử bất bình đẳng và bạo lực của cảnh sát.
Từ Mỹ, làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc nhanh chóng lan rộng tại châu Âu và châu Đại Dương, với những cuộc xuống đường quy mô lớn, nhiều cuộc thu hút hơn 10.000 người tham gia.
Hoạt động hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter” diễn ra ở Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hungary, Bỉ, Áo, Canada, Australia, New Zealand... Sự kiện George Floyd cho thấy nạn phân biệt chủng tộc như ngọn lửa luôn âm ỉ trong lòng nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Trong tháng 3/2021, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên "Đạo luật Công lý George Floyd" nhằm cải tổ lực lượng cảnh sát trên toàn nước Mỹ. Dự luật này đề xuất loại bỏ đặc quyền miễn trừ trách nhiệm cho cảnh sát Mỹ, nghiêm cấm cảnh sát sử dụng vũ lực gây nghẹn thở cho người bị bắt, và tăng cường kiểm soát các sĩ quan có biểu hiện sai trái.
Ngày 20/4/2021, cựu cảnh sát Derek Chauvin bị tòa án chính thức tuyên có tội với cả ba tội danh giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát. Chauvin nhận hình phạt 22 năm 6 tháng tù giam.
Luật sư Ben Crump, đại diện cho gia đình nạn nhân Floyd cho biết vụ án này đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử thực thi công lý của nước Mỹ.
Ngay sau khi thẩm phán tuyên bố Chauvin có tội, hàng ngàn người, đặc biệt ở Minneapolis, nơi vụ việc xảy ra, đã đổ ra đường bày tỏ đồng tình với phán quyết của tòa.
Phát biểu trước báo giới, bạn gái của nạn nhân Floyd, Courteney Batya Ross cho biết cô tin rằng Floyd có lý do để đến với cuộc đời này. Tổng thống Joe Biden đã quyết định hoãn kế hoạch sẽ phát biểu về vấn đề hạ tầng mà ông đang muốn thuyết phục Quốc hội thông qua để phát biểu trước công chúng về vụ Derek Chauvin.
Người dân Mỹ vui mừng sau khi toà tuyên án cựu cảnh sát Derek Chauvin các tội danh liên quan đến vụ sát hại George Floyd, ngày 20/4/2021. (Nguồn: AFP) |
Trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 47, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ngày 13/7/2021 đã thông qua một nghị quyết hối thúc các nước hành động để giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người châu Phi và những người gốc Phi. Nghị quyết trên có tên gọi “Thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người châu Phi và người gốc Phi trước việc sử dụng bạo lực thái quá và những hành động vi phạm nhân quyền khác của các nhân viên thực thi pháp luật, bằng cách thay đổi để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng chủng tộc”. Nghị quyết nhấn mạnh vụ sát hại công dân da màu George Floyd khiến dư luận thế giới chú ý đến tội ác do nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống gây ra và thúc đẩy những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu này tại Mỹ cũng như trên thế giới. |
Ngày 24/1/2022, Tòa án khu vực St. Paul, bang Minnesota, Mỹ đã mở phiên tòa xét xử 3 cựu cảnh sát còn lại. Các công tố viên đã cáo buộc 3 bị cáo trên tước đoạt quyền dân sự của Floyd được quy định trong hiến pháp khi sử dụng vũ lực một cách không hợp lý với George Floyd.
Công tố viên liên bang Samantha Trepel cho rằng 3 bị cáo đã đi ngược lại lời thề khi gia nhập lực lượng cảnh sát với sự thờ ơ, nhẫn tâm trước sự cầu cứu của Flyod, cũng như không có hành động ngăn cản đồng nghiệp Chauvin sử dụng vũ lực quá mức.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật Mỹ và lời tuyên thệ khi gia nhập lực lượng cảnh sát, lực lượng cảnh sát phải quan tâm tới tình trạng sức khỏe của những người họ bắt giữ và có trách nhiệm ngăn chặn hành động như của đồng nghiệp Chauvin.
Tuy nhiên, cả 3 đều không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo lập luận rằng các cựu cảnh sát này chỉ có nhiệm vụ bắt giữ Floyd vì nghi ngờ anh ta sử dụng tiền giả để mua thuốc lá, và không phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của đồng nghiệp Chauvin.
Theo các luật sư, 2 bị cáo Thao và Kueng chỉ mới gia nhập cảnh sát vài tháng trước khi vụ việc xảy ra và họ chưa được huấn luyện đầy đủ.
Tại phiên tòa ngày 24/2, Bồi thẩm đoàn liên bang gồm 4 nam và 8 nữ kết luận Lane, Kueng và Thao phạm tội tước quyền công dân của Floyd bằng cách cố tình thờ ơ với nhu cầu y tế của công dân này khi cựu cảnh sát Minneapolis Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ Floyd khiến công dân này bị chết.
Các hội thẩm cũng cho rằng Thao và Kueng có một tội danh bổ sung vì đã không can thiệp để ngăn cản cựu cảnh sát Chauvin.
Trong khi đó, Lane không phải đối mặt với cáo buộc bổ sung này vì đã chứng minh được anh ta có 2 lần yêu cầu Chauvin đổi tư thế khống chế Floyd nhưng bị từ chối.
Tại Mỹ, một vụ việc có thể bị truy tố ở cả cấp bang và cấp liên bang nhưng rất hiếm. Việc cả cơ quan công tố cấp bang và liên bang cùng vào cuộc trong vụ công dân da màu Floyd tử vong cho thấy tầm quan trọng của sự kiện, vốn đã làm nóng trở lại vấn đề phân biệt đối xử với người da màu bị cho là luôn âm ỉ trong xã hội Mỹ. |