📞

Hậu bầu cử Campuchia: Ổn định là ưu tiên

08:24 | 27/09/2013
"Thủ tướng Campuchia có nhiệm vụ thành lập nội các và trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm" - Trích Sắc lệnh Hoàng gia do Quốc vương Norodom Sihamoni ký ngày 23/9 bổ nhiệm ông Hun Sen làm Thủ tướng Campuchia nhiệm kỳ V.
Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Quốc hội Campuchia khóa mới diễn ra ở Phnom Penh, ngày 23/9.

Bất chấp việc toàn bộ 55 nghị sỹ đối lập thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) phản đối và không tham dự, Quốc hội Campuchia khóa mới vẫn khai mạc vào ngày 23/9 với sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni và sự tham dự của 68 nghị sỹ thuộc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP).

Thắng lợi ít thuyết phục

Mặc dù Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) đã công nhận thắng lợi thuộc về CPP với 68/123 tổng số ghế Quốc hội (hay tỷ lệ 55/45%) và ông Hun Sen chính thức được Quốc vương Sihamoni bổ nhiệm làm Thủ tướng Campuchia lần thứ V, kết quả này cũng cho thấy đây là thắng lợi kém vang dội nhất của CPP trong 15 năm qua. Mặt khác, việc CNRP "tẩy chay" không tham dự Quốc hội khóa mới có thể đẩy chính trường và nội bộ Campuchia vào một sự chia rẽ và bất ổn mới.

Thứ nhất, người dân Campuchia đã biết cách bày tỏ chính kiến của mình thông qua lá phiếu về cách điều hành đất nước của Chính phủ, về các vấn đề như sở hữu đất đai, các cách biệt giàu nghèo và nhiều vấn đề xã hội khác. Mặc dù vẫn nhận được sự ủng hộ của dân chúng với việc CPP giành được đa số phiếu ở 19/24 tỉnh, thành của Campuchia, nhưng sự chênh lệch phiếu bầu không lớn giữa CPP (giành được 3,2 triệu phiếu) và CNRP (2,9 triệu phiếu) cho thấy vị thế của CPP đang có những lung lay nhất định.

Thứ hai, là một chính trị gia lõi đời, lãnh đạo đối lập CNRP Sam Rainsy đã "tự lột xác" với các hình thức tranh cử kiểu chủ nghĩa dân túy vốn được các chính trị gia Mỹ Latinh sử dụng thành thạo trong những năm 1970, 1980 để thu hút cử tri. Các chiêu thức được sử dụng phổ biến là dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter để vận động, thu hút giới trẻ; hứa hẹn tăng lương, tăng trợ cấp cho binh lính, cảnh sát, người già; cam kết đấu tranh chống lại tham nhũng, bất bình đẳng xã hội; bên cạnh việc nêu các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Ngoài ra, lãnh đạo CNRP nhiều lần đe dọa bóng gió việc huy động quần chúng, đưa "Mùa xuân Ảrập" về đất nước Chùa Tháp để không ngừng gây sức ép với Thủ tướng Hun Sen và lãnh đạo CPP.

Thứ ba, tình hình Campuchia hiện nay cũng như tình hình khu vực và thế giới đã có nhiều biến đổi kể từ cuộc bầu cử năm 1998 với thắng lợi nghiêng về FUNCIPEC với các cuộc bạo động sau cuộc bầu cử đó. Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng bạo lực của bất cứ bên nào, vì bất cứ lý do gì chắc chắn sẽ không được các nước khu vực, cộng đồng quốc tế và phần lớn người Campuchia chấp nhận. Tuy nhiên, hiện lập trường hai bên còn quá xa nhau để có thể đi đến một giải pháp trung dung bởi trong khi CPP sẵn sàng đàm phán về một phương án chia sẻ quyền lực thì CNRP lại đòi hỏi lật ngược kết quả bầu cử - một kết quả đã được NEC lẫn phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận.

Tương lai chính trị nào cho Campuchia?

Sự chia rẽ sau bầu cử đã lên tới đỉnh điểm khi CNRP không ngừng tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử với sự tham gia của hàng chục nghìn người, có xảy ra một vài va chạm khiến 1 người chết. Bên cạnh đó, trong khi Quốc vương Sihamoni liên tục kêu gọi người dân Campuchia đoàn kết thì một người em họ của ông trong Hoàng tộc là Hoàng tử Sisowath Thomico lại tuyệt thực tại một ngôi chùa để phản đối thắng lợi của CPP và cuộc tuyệt thực này chỉ chấm dứt khi có sự can thiệp của cảnh sát.

Sự chia rẽ từ người dân cho đến Hoàng gia sau cuộc bầu cử đã đặt cho Thủ tướng Hun Sen và đảng CPP cầm quyền nhiều thách thức to lớn. Tuy việc không giành thắng lợi tuyệt đối chưa thể làm mất vai trò lãnh đạo của CPP, nhưng nó cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với Chính phủ của đảng CPP cầm quyền. Hình ảnh Thủ tướng Hun Sen luôn tươi cười, ngay cả trong đàm phán với lãnh đạo CNRP là Sam Rainsy được giới quan sát phương Tây đánh giá là ông đã bắt đầu có những hành động biểu thị sự lắng nghe hơn đối với tâm tư của người dân và đây là điều cần thiết trong bối cảnh chính trị Campuchia hiện nay.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc CNRP thay đổi quan điểm về Trung Quốc từ ca ngợi sang chỉ trích hay tỏ ý coi trọng Mỹ sau khi kết quả bầu cử được công bố không như mong đợi cũng cho thấy tương đối rõ nét nền chính trị thực dụng của Campuchia. Vì vậy, cả CNRP hay CPP đều được dự báo là sẽ có những thay đổi cả trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại nhằm tranh thủ sự ủng hộ tối đa của người dân.

Với kinh nghiệm chính trị của mình, Thủ tướng Hun Sen được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp có lợi cho tất cả các bên trong việc hàn gắn các chia rẽ bên trong, duy trì quyền lãnh đạo đất nước của CPP, đồng tiếp tục duy trì vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Campuchia. Và điều này cũng phù hợp với nhận định của chuyên gia hàng đầu về chính trị Campuchia David Chandler khi cho rằng: "Ông Hun Sen mới chỉ cảm thấy như mình vừa mất đi một vài quân cờ trên bàn cờ mà thôi và điều đó sẽ khiến ông ấy trở nên thận trọng hơn".

Lại Anh Tú