📞

Hòa đàm Venezuela: Bước tiến mới, bế tắc cũ

Minh Quân 22:06 | 18/05/2019
TGVN. Đại diện chính quyền và phe đối lập đã cùng tới Na Uy trong một nỗ lực đối thoại, song còn quá sớm để lạc quan vể triển vọng hòa bình cho Venezuela. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam. 
Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido phát biểu trước những người ủng hộ tại Caracas ngày 14/5. (Nguồn: AP)

Phát biểu ngày 17/5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết trong tuần vừa qua, đại diện chính phủ cùng phe đối lập đã tới Na Uy và tham gia vào các cuộc gặp với bên trung gian nhằm “xây dựng lộ trình hòa bình” cho quốc gia Nam Mỹ.

Bộ Ngoại giao Na Uy, quốc gia vốn có truyền thống làm trung gian hòa giải, cho biết đối thoại đang ở “giai đoạn thăm dò”. Theo đó, đại diện của Chính phủ Venezuela và phe đối lập đã gặp riêng chuyên gia hòa giải của phía Na Uy, xong chưa gặp nhau.

Theo Reuters, hiện chưa có thêm thông tin về khả năng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán. Trả lời phỏng vấn báo chí, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido cho rằng các cuộc đối thoại như vậy nên được coi là “hòa giải” hơn là “đàm phán”. Sự thận trọng này của ông Guaido là có cơ sở: Bước tiến mới là một tín hiệu đáng mừng, song chừng đó là quá ít ỏi để xoa dịu mâu thuẫn giữa Chính phủ và phe đối lập.

Giải pháp cuối cùng

Mâu thuẫn đó đã được thể hiện rõ nét trong âm mưu bất thành ngày 30/4 vừa qua. Tuy nhiên, sự kiện này cũng cho thấy không có bên nào đủ mạnh để phá thế bế tắc tại Venezuela bằng vũ lực. Thực tế đó đã thôi thúc phe đối lập chấp nhận hòa đàm với các quan chức đại diện cho Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro sau nhiều tháng chối từ, tin rằng đây chỉ là cách ông Maduro “câu giờ” nhằm chờ đợi viện trợ và thời cơ để triệt hạ phe đối lập.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính ngày 30/4 nói trên cũng gây ra những rạn nứt đáng kể dần trong chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Tuyên bố của phe đối lập về việc gặp gỡ các quan chức cấp cao cùng cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Bolivar (SEBIN) cho thấy ông Maduro đã không còn nhận được sự trung thành tuyệt đối của giới tướng lĩnh cấp cao. Đáng ngại hơn, có nguồn tin cho rằng ngày càng có nhiều quan chức trong chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đánh mất niềm tin vào việc duy trì một tình trạng xung đột kéo dài.

Thêm vào đó, cấm vận của Mỹ đối với ngành dầu của Venezuela, vốn cung cấp 97% dự trữ ngoại tệ cho quốc gia này, đang gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro nói riêng, bất chấp những nguồn viện trợ tích cực đến từ Nga và Trung Quốc.

Khi vũ lực không thể giải quyết được vấn đề và thời gian đang cạn dần, đàm phán là phương án hiếm hoi có thể mang tới đột phá cho tiến trình bế tắc hiện nay.

Còn đó giới hạn đỏ

Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được sự bảo trợ của Liên hợp quốc, bước đi tích cực này vẫn phải vượt qua nhiều thách thức.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Moscow tháng 12/2018. (Nguồn: Kremlin.ru)

Một trong số đó chính là bất đồng về tương lai của Venezuela. Phát biểu tại Caracas ngày 16/5, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã khẳng định ưu tiên của ông là lật đổ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro trong thời gian sớm nhất, thành lập một chính phủ lâm thời và tổ chức một cuộc bầu cử tự do với Ủy ban Bầu cử cùng khung thời gian cụ thể. Tuy nhiên, chính quyền Venezuela duy trì lập trường rằng bầu cử mới sẽ chỉ được tổ chức khi nào ông Maduro mãn nhiệm vào năm 2025. Khác biệt này đã khơi mào cho những xung đột giữa phe Chính phủ và phe đối lập và sẽ tiếp tục là rào cản cho bất kỳ tiến trình đàm phán.

Quan trọng hơn, với sự can dự ngày càng sâu của của các “ông kẹ” Mỹ, Nga và Trung Quốc, xung đột giữa Chính phủ và phe đối lập tại Venezuela đang bùng phát trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm không hồi kết. Thiếu vắng sự góp mặt của những nhân tố này, tiến trình đàm phán khó có thể đạt được những bước tiến đáng kể. Washington “trước sau như một” đòi Tổng thống Nicolas Maduro phải ra đi, thiết song Moscow và Bắc Kinh lại không cho là vậy. Một chính quyền thân Nga/Trung đứng vững trong khu vực “sân nhà” chưa bao giờ là điều Mỹ mong muốn.

Bài toán lợi ích tiếp tục chi phối hành động của các bên, cho dù đó là ông Maduro, ông Guaido hay các nước lớn đang “nhúng tay” vào quốc gia Nam Mỹ. Đàm phán giữa phe Chính phủ và phe đối lập Venezuela tại Na Uy, vì thế, sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chừng nào các bên chưa thể tìm kiếm được những mẫu số chung về lợi ích, hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ vẫn chỉ là giấc mơ xa tầm với.