TIN LIÊN QUAN | |
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta | |
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh - kết hợp 'đánh và đàm' trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước |
Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình. (Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức) |
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – một nước Việt Nam mới “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
Điều đó đã tạo thành một làn sóng điện lan truyền khắp Đông Dương, châu Á, châu Âu, đến cả châu Phi, châu Mỹ xa xôi. Cũng từ đó, “Hồ Chí Minh – Việt Nam” trở thành sự quan tâm đặc biệt của những người nước ngoài đối với một nhân vật kiệt xuất của đất nước nhỏ bé bên bờ biển Đông đã biến đổi cái không thể thành có thể. Ngày 9/9/1945, tạp chí Time đã đăng bài ca ngợi Hồ Chí Minh và Việt Nam “Hồ Chí Minh là ai?” (Ho Chi Minh, who are you?) cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật “rất kỳ lạ” của thế kỷ XX.
Thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong quan hệ chính trị, quốc tế vì chỉ những quốc gia độc lập, tự do mới có quyền quyết định đường lối đối ngoại của dân tộc mình.
Thời điểm đó, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, trong thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài, Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp thăm ngoại giao. Trước khi lên đường sang Pháp để tìm những cơ hội cho hòa bình của dân tộc, cho tình đoàn kết của nhân dân hai nước Việt - Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của chính quyền cách mạng, đã căn dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước lúc bấy giờ - đối sách trước những nguy cơ mới. Người đã nói: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Kể từ đó, một nền ngoại giao mới – ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh ra đời – với phương châm và cũng là nguyên tắc bất di bất dịch là cương quyết giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc, ân tình – ơn nghĩa với bạn bè quốc tế gần xa.
Tại Tòa thị chính ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa, tháng 9/1946. |
Chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh nghĩa là thượng khách của nước Pháp kéo dài tới 100 ngày, kỷ lục nhất trong lịch sử tất cả các chuyến thăm ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Cách mạng Việt Nam lâm thời chủ trương tiếp xúc với Chính phủ Pháp vừa để khẳng định vị thế làm chủ của mình, biểu thị quyết tâm của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, vừa tìm hiểu mưu đồ của Pháp, thăm dò khả năng thỏa hiệp để hỗ trợ đồng bào miền Nam và kiềm chế chiến tranh mở rộng. Với hơn ba tháng làm thượng khách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 60 cuộc tiếp xúc với giới báo chí, với các bộ trưởng và 14 tướng lĩnh trong Chính phủ Pháp, gặp gỡ Thủ tướng Pháp Georges Bidault. Trong tất cả những cuộc tiếp xúc đó, Hồ Chủ tịch đều nêu rõ ngyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam là mong muốn giữ mối quan hệ Việt - Pháp với chủ trương “hòa để tiến”.
Khi tham quan di tích lịch sử ở Normandie, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bàn tay mình bịt miệng khẩu đại bác với dụng ý nói lên ý chí và tinh thần quyết tâm giữ gìn hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Nhưng, nhà cầm quyền diều hâu Pháp không muốn điều đó, họ đã trắng trợn xóa bỏ Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, phản bội cam kết trong bản Tạm ước 14/9/1946. Bởi vậy, ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Khi thực dân Pháp quay lại Việt Nam và quyết tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với thế giới: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”. Người cũng nhấn mạnh với ngành Ngoại giao: một dân tộc độc lập thì phải có quyền tự quyết định trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, toàn vẹn lãnh thổ. Do đó, các nhà ngoại giao “muốn làm gì cũng vì lợi ích dân tộc, phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ, và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo”.
Không chỉ là nhà hoạt động ngoại giao xuất sắc, trên thực tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xây dựng hệ thống tư tưởng ngoại giao toàn diện, sâu sắc với tầm tư duy chiến lược và tư tưởng đổi mới. Đặc biệt Người quan tâm tới đội ngũ những người làm công tác ngoại giao. Người từng nói: “Do ta làm ngoại giao chưa được bao lâu nên cái gì đối với ta cũng mới, do trình độ văn hóa và tri thức ngoại giao của chúng ta còn hạn chế nên người làm công tác ngoại giao phải cố gắng nhiều. Chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước”.
Điều đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ các nhà ngoại giao là phải có lòng yêu nước. Lòng yêu nước là cội nguồn, động lực để các nhà ngoại giao thể hiện trong vai trò của người chủ đất nước, phát huy hết nội lực, có khi hy sinh cả tính mạng để bảo vệ đất nước. Và, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước luôn phải gắn với thương dân. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ hai tại Trụ sở Bộ Ngoại giao - số 1 Tôn Thất Đàm, năm 1962. |
Đoàn kết nội bộ cũng là mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: muốn công tác tốt trước hết nội bộ phải đoàn kết. Tại Hội nghị cán bộ ngành Ngoại giao ngày 8/3/1962, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Nội bộ phải đoàn kết. Muốn đoàn kết tốt thì phải thẳng thắn trên tinh thần đồng chí mà tự phê bình và phê bình nhau”. Và tại Hội nghị Ngoại giao ngày 14/1/1964, Người cũng nói về vai trò của cán bộ phụ trách cơ quan đại diện ngoại giao: “Muốn công tác tốt, trước hết nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Muốn đoàn kết chặt chẽ thì mọi người phải trau dồi đạo đức cách mạng… thực hiện dân chủ nội bộ, phê bình và tự phê bình, có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ…” Người cũng nhắc nhở: “Đại đoàn kết dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế”. Bám sát tư tưởng đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại luôn là phương châm, bài học lớn của Ngoại giao Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vấn đề “nhà ngoại giao phải giỏi ngoại ngữ”. Không biết hoặc không thông thạo tiếng nước sở tại thì khả năng giao tiếp sẽ bị hạn chế, thiếu tự tin dẫn đến mặc cảm trong hoạt động đối ngoại. Bản thân Người, trên hành trình tìm đường cứ nước, đi đến đâu Người cũng chinh phục thêm được nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga, Đức… Người đã sử dụng các ngôn ngữ khác nhau đó để viết báo, viết văn, làm thơ và trong các hoạt động ngoại giao. Trong nhiều cuộc phỏng vấn với phóng viên nước ngoài, Người đã trực tiếp trả lời bằng tiếng nước ngoài. Người nói: Trong quá trình đấu tranh, ngoại ngữ chính là một trong những vũ khí quan trọng của công tác đối ngoại đồng thời tạo nên bản lĩnh ngoại giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc kỳ tài về khả năng cảm hóa, thuyết phục, thu phục nhân tâm. Người rất khéo léo trong việc lôi kéo đồng minh khi đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh. Do đó, Người đã căn dặn các nhà ngoại giao là: Người ta cương thì mình phải nhu, phải khôn khéo lấy nhu thắng cương thì mới là biết mình, biết người, phải làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong việc hội nhập quốc tế được thể hiện rất rõ. Người nói: “Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”. Thực hiện tầm nhìn chiến lược đó, ngoại giao Việt Nam đã làm tốt vai trò “mở đường”, “cầu nối” trong những chặng đường đấu tranh, hội nhập của đất nước. Đi cùng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cán bộ ngoại giao phải có tầm nhìn mới, tư duy mới. Người rất coi trọng khả năng thích ứng, điều chỉnh nhạy bén của ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới: “Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới… chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới”.
Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad và Thủ tướng Ấn Độ J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay New Delhi năm 1958. |
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với 171/1.116 từ, Người đã thực hiện những hoạt động ngoại giao cuối cùng, đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc của Việt Nam. Người nghĩ ngay đến ơn sâu nghĩa nặng của bạn bè, đồng chí ở khắp năm châu, bốn biển đã đồng hành giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong những cuộc kháng chiến khốc liệt nhất thế kỷ XX với lời lẽ giản dị, chân tình.
Với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, Việt Nam đã mở rộng quan hệ mọi mặt với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam những năm đầu của các thế kỷ XXI đã có nhiều mối quan hệ bạn bè, tình hữu nghị sâu rộng hơn mà vẫn giữ được cái “bất biến”, “chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khai sinh ra nền ngoại giao Việt Nam – đã đặt ra cách đây 75 năm.
Dưới ánh sáng của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, 75 năm qua, ngành Ngoại giao Việt Nam đã từng bước trưởng thành và đạt nhiều thành tựu to lớn mang tính lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoại giao Việt Nam đã kế thừa tinh hoa truyền thống của ông cha ta, đồng thời phát huy được những giá trị mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đang phát huy hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thực tiễn đã chứng minh tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá, nền tảng sức mạnh và là chìa khóa để triển khai thắng lợi, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta qua các giai đoạn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được quốc tế vinh danh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn được công nhận là một nhà ngoại giao thiên tài.
| Ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng đất nước TGVN. Trong chặng đường dài kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngoại giao Việt Nam đã được tôi luyện ... |
| 75 năm Ngoại giao Việt Nam - Một số bài học quý giá TGVN. Năm 2020 đánh dấu 75 năm kể từ ngày đất nước ta giành lại quyền độc lập, nhân dân ta giành được quyền tự ... |
| 75 năm Ngoại giao Việt Nam: Bài học và kinh nghiệm TGVN. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020), Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ, GS.TS ... |