📞

Hội nghị An ninh Munich: Vẽ lại tầm nhìn

Mai Lan 07:00 | 17/02/2023
Nga, Trung Quốc, NATO, chi tiêu quốc phòng, biến đổi khí hậu và năng lượng, công nghệ và an ninh mạng sẽ là điểm nhấn trong Hội nghị an ninh Munich sắp tới.
Hội nghị An ninh Munich năm 2023 diễn ra từ ngày 17-19/2 tại thành phố Munich, Đức. (Nguồn: MWP)

Từ ngày 17-19/2, Hội nghị an ninh Munich (MSC) lần thứ 59 sẽ diễn ra tại khách sạn Bayerishcher Hof ở thành phố Munich, Đức.

Ukraine “chiếm sóng”

Năm nay, Đại sứ Christoph Heusgen, cố vấn chính sách đối ngoại kỳ cựu của bà Angela Merkel, đảm nhiệm vai trò người chủ trì. Trong số đại biểu tham dự Diễn đàn phải kể đến Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị…

Đáng chú ý, đại diện Nga tiếp tục vắng bóng tại MSC lần này. Đại sứ Christoph Heusgen cho biết ông không muốn mời “những người đã đứng trên luật pháp quốc tế” lên sâu khấu. Năm ngoái, Moscow cũng không cử đại diện tới diễn đàn này. Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự MSC năm nay hay không.

Tuy nhiên, cho dù nhà lãnh đạo từ Kiev hiện diện tại diễn đàn hay không, xung đột tại nước này vẫn là chủ đề xuyên suốt và nổi bật tại MSC năm nay. Thời điểm diễn ra MSC chỉ vài ngày trước khi thế giới kỷ niệm một năm xung đột Nga - Ukraine bùng phát, sự kiện buộc nhiều nước xem xét và điều chỉnh lại chiến lược.

Vậy, thế giới đã chuyển biến ra sao trong năm qua và sẽ dịch chuyển theo hướng nào trong tương lai sẽ là những câu hỏi lớn tại MSC sắp tới, chưa kể hàng loạt câu chuyện “có hay không” về viện trợ tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu của phương Tây cho Ukraine, hay tương lai của xung đột trong thời gian tới.

An ninh toàn diện

Xa hơn nữa là bài toán về đoàn kết nội khối của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Thực tế cho thấy bất chấp sự đoàn kết ở thời điểm hiện tại, nhiều thành viên ở phía Đông có chung biên giới với Nga cho rằng các nước Tây Âu đang do dự hơn. Tương lai của NATO sẽ phụ thuộc vào việc phản ứng với sự chia rẽ này và nỗ lực thích ứng với môi trường an ninh hiện nay. Câu chuyện về kết nạp thêm Phần Lan, Thụy Điển hay thậm chí Ukraine sẽ tiếp tục là chủ đề nóng.

Trong khi đó, các động thái tăng cường năng lực quốc phòng một cách độc lập của Đức và Pháp, song song với khái niệm “châu Âu hóa” quốc phòng, sẽ đặt ra bài toán dung hòa những nỗ lực này với sự phát triển của NATO. Đây có thể là cơ hội tốt cho Berlin diễn giải rõ hơn về Chiến lược an ninh quốc gia mới của mình.

Câu chuyện về quan hệ của châu Âu với Trung Quốc, từ góc nhìn của EU lẫn từng quốc gia đơn lẻ, cũng là điểm nhấn thú vị. Mối quan hệ khăng khít giữa Bắc Kinh và Moscow đang khiến các đợt trừng phạt mới kém hiệu quả hơn, trong khi sự hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc tại châu Âu khiến một số quan chức EU lo ngại.

Tuy nhiên, định hướng của EU về Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ từ diễn biến mới trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. MSC 2023 sẽ đánh dấu lần đầu tiên ông Antony Blinken và ông Vương Nghị cùng tới một địa điểm sau sự cố khinh khí cầu Trung Quốc “bay lạc” vào Mỹ. Khả năng về cuộc gặp riêng giữa nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước vẫn còn bỏ ngỏ.

Sự nổi lên ngày một rõ nét của các thách thức an ninh phi truyền thống cũng là chủ đề quan trọng tại MSC lần này. Năng lượng tiếp tục là nội dung “nóng”, trong bối cảnh các cam kết về năng lượng xanh của nhiều nước đang gặp khó do khủng hoảng năng lượng. Nỗ lực giảm thiểu tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu hay Đạo luật Giảm lạm phát có thể sẽ xuất hiện. Bài toán về tăng cường hợp tác phát triển công nghệ, bảo đảm an ninh mạng, đặc biệt giữa EU và Mỹ, sẽ là một nội dung đáng chú ý.

Có thể thấy hành trình tìm kiếm đáp án cho tất cả câu hỏi trên góp phần định hình vai trò của MSC thời gian tới, khi diễn đàn an ninh thường niên này sắp bước sang tuổi lục tuần. Một yếu tố làm nên sức hút của MSC là Quy tắc Munich: Tham gia và tương tác với nhau, không lên lớp hay phớt lờ nhau. Dù ở trên hay ngoài sân khấu, MSC đều khuyến khích các đại biểu tham dự tương tác và học hỏi lẫn nhau, hy vọng các diễn giả sẵn sàng tương tác và trả lời các câu hỏi của khán giả.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang bị chia rẽ ngày một sâu sắc, liệu các nguyên tắc này có còn phù hợp? Liệu chủ đề “Re:vision” của diễn đàn có thể khơi gợi về một “tầm nhìn mới” cho an ninh châu Âu nói chung và tương lai của chính MSC nói riêng?