Nhỏ Bình thường Lớn

Hội nghị cấp cao Trung - Nhật - Hàn: Lợi ích kinh tế là số 1

Vượt lên trên khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh thường niên, ba nhà lãnh đạo Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản, ngày 13/5, đã đạt được những thỏa thuận quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác ba bên hướng tới tương lai, như tuyên bố chung của hội nghị đã đề cập.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa ba nền kinh tế lớn châu Á, trong đó có 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, cũng như các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa 3 nước này vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Tuy nhiên, ngoài các tuyên bố "không chấp nhận các vụ thử hạt nhân hay hành động khiêu khích nào nữa từ phía Triều Tiên" của Tổng thống Lee Myung-bak, và lời kêu gọi "ngăn chặn mọi khiêu khích của Triều Tiên trong tương lai và tăng cường hợp tác giữa ba nước về vấn đề này" của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và việc Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hối thúc tất cả các bên liên quan giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trên tinh thần sáng suốt, kiên trì và thiện chí, vấn đề Triều Tiên không được nhắc đến trong Tuyên bố chung 3 bên.

Có ý kiến cho rằng, cả Trung, Nhật, Hàn đều "tắc" khi nói đến vấn đề Triều Tiên và đã không thể tìm được những từ ngữ phù hợp để nói đến vấn đề này trong bản tuyên bố 50 điểm về hợp tác sau cuộc họp thượng đỉnh. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả của cuộc gặp, có thể thấy ba nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều thành công hơn một cuộc gặp thông thường.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa chấm dứt và viễn cảnh về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn chưa rõ ràng, quả là rất thiết thực khi ba nhà lãnh đạo Nhật -Trung - Hàn đã nhắm tới việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Với thỏa thuận thúc đẩy và bảo vệ đầu tư giữa ba nước, đồng thời nhất trí khởi động tiến trình đàm phán về khu vực mậu dịch tự do (FTA) trong năm nay, thỏa thuận được xem là công cụ pháp lý đầu tiên nhằm thúc đẩy và bảo vệ đầu tư giữa ba bên, được coi là hòn đá tảng, đặt nền móng vững chắc cho việc thiết lập FTA giữa ba nước.

Theo báo Manchini (Nhật), với vị trí địa lý gần nhau cũng như quy mô thương mại và giá trị mậu dịch, việc 3 nước ký kết FTA sẽ tạo ra một tác động lớn trong nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo số liệu của IMF, 3 nước Đông Bắc Á này chiếm 22% dân số, 19,6% GDP và 17,5% kim ngạch thương mại toàn cầu trong năm 2010. Nếu ký FTA 3 bên, GDP của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ lần lượt tăng lên 0,3%, 0,4% và 2,8%.

Việc ba nước đàm phán FTA từ năm 1999 cũng cho thấy họ có lợi ích chung. Từ cách đây 10 năm, Trung Quốc đã có tầm nhìn về thương mại nội khối Đông Á trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc, dù có e ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, vẫn rất cần một đối tác kinh tế lớn như Trung Quốc. Những lợi ích này đã khiến ba nước có thể "tạm gác" lại những tranh chấp vẫn tồn tại dai dẳng để ngồi lại với nhau. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn đang tranh chấp đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tranh chấp đảo Dokdo tại Hàn Quốc (Nhật Bản gọi là Takeshima) và tranh chấp giữa Trung Quốc với Hàn Quốc tại đảo Leodo (phía Trung Quốc gọi Tô Nham Tiều). Ngoài ra, cả 3 nước cũng đã nhiều lần bắt giữ tàu cá của nước này xâm phạm vào nước kia. Chưa kể, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại về những biện pháp tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng không yên tâm khi thấy hình bóng của Mỹ ở phía sau hai nước láng giềng.

"Hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc phù hợp với các lợi ích cơ bản của ba nước, đồng thời giúp tăng cường sức mạnh để vượt qua những khó khăn và tìm kiếm sự phát triển chung", Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định trong cuộc họp. Không thể phủ nhận một điều: ít nhất cơ chế đối thoại thường niên giữa ba nước cũng là cơ hội để họ có thể trực tiếp nói lên quan điểm của mình, để không những tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực có chung lợi ích mà còn có thể khiến họ không quá lo ngại nếu có căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát. Còn với điểm "tắc" mang tên "Triều Tiên", có lẽ họ nên hy vọng vào những cuộc đàm phán 6 bên, nếu như tình hình sắp tới có tiến triển nào đó mang tính đột phá.

Đặng Phương