Trong suốt gần 5 năm Hội nghị, đội quân báo chí hùng hậu ở Paris và toàn thế giới chỉ tập trung săn tin và hình ảnh của những nhân vật chính: Henry Kissinger, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, nên ít người biết được vai trò nòng cốt của hai nhân vật đặc trách: Nguyễn Cơ Thạch (Việt Nam) và William Sullivan (Mỹ). Do được giúp việc hai người trong thời gian hội nghị và cả những năm sau đó. Tôi xin ghi lại những đóng góp quan trọng của họ trong Hội nghị Paris cũng như trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Mỹ.
Vai trò chuyên trách
William Sullivan, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Đông Á - Thái Bình Dương, nổi tiếng là nhà ngoại giao sắc sảo, đã tham gia Hội nghị Geneva về Lào.
Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Ngoại giao, nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam, đặc trách về Hội nghị Paris và quan hệ với Mỹ, cũng đã tham gia Hội nghị Geneva về Lào.
Khi đàm phán hai bên đi vào thực chất, ông Nguyễn Cơ Thạch lần đầu tiên cùng đi với ông Lê Đức Thọ sang Paris. Ông Phan Hiền, cố vấn của đoàn VNDCCH (sau này là Bộ trưởng Tư pháp) phấn khởi thông báo với mọi người: "Chuyến này có Pélé cùng sang" - ý nói có người (Nguyễn Cơ Thạch) sẽ ghi bàn thắng cho Việt Nam.
Khi hai đoàn Việt Nam và Mỹ gặp riêng tại địa điểm của đoàn Việt Nam ở Gif-sur-Yvette, Paris, ông Thạch đón Sullivan, đối tác cũ ở Hội nghị Geneva: "Vous n'avez pas changé!" (Ông vẫn phong độ như xưa!) gây không khí hiểu biết, hợp tác của phía chủ nhà.
Trong suốt cuộc đàm phán, hai ông là người thường trực chủ chốt của hai đoàn, bám sát lập trường hai bên, gợi ý với Trưởng đoàn, dàn xếp các thỏa thuận, đảm đương trách nhiệm trưởng nhóm soạn thảo các văn kiện ký kết tại Hội nghị 4 bên và Hội nghị quốc tế 12 nước về Việt Nam.
Bản lĩnh phi thường
Báo chí Mỹ đưa tin đề cao William Sullivan là nhà ngoại giao xuất sắc sớm được nhà ngoại giao lão thành Averell Harriman tín nhiệm từ khi còn là cán bộ cấp thấp. Harriman cố tình vắng mặt để Sullivan chứng mình khả năng trong phiên họp quốc tế.
Tại Hội nghi Paris, Sullivan "so găng" với Nguyễn Cơ Thạch và tự hào khoe với Ngoại trưởng Mỹ William Rogers và Rogers cũng nhắc lại khi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh: "Sullivan told me he likes Mr. Thach because he is very tough" (Sullivan nói với tôi, ông ta thích ông Thạch vì ông ấy rất "rắn").
Thực tế, Sullivan không chỉ phục tài ngoại giao mà còn tâm phục về tác phong văn hóa ngoại giao của ông Thạch. Một ví dụ: Khi đang thương lượng gay cấn về văn kiện, Sullivan bị ho sặc sụa không nói tiếp được, cầm cốc nước định uống, ông Thạch ngăn lại và nói: "Ông đừng uống nước lạnh sẽ bị ho thêm" và gọi phục vụ người Việt Nam lấy cho Sullivan một tách trà nóng. Cử chỉ đó làm cả đoàn Mỹ mến phục.
Hai ông coi sự nghiệp bản thân là thành công của Hội nghị. Khi Nguyễn Văn Thiệu "làm mình làm mẩy" không chịu ký Hiệp định, ông Thạch hỏi Sullivan phải làm thế nào. Sullivan nói phải "hara kiri" thôi (mổ bụng tự vẫn như người Nhật).
Sau Hội nghị, từ biệt ông Thạch, Sullivan nói sẽ đi làm Đại sứ Mỹ ở Philipines nhưng sẽ bay sang Việt Nam nếu có khó khăn về thi hành Hiệp định. Khi Thiệu không chịu thi hành Hiệp định, tháng 5/1973, hai người lại cùng sang Paris giúp Kissinger và Lê Đức Thọ thương lượng và ký Thông cáo chung thúc đẩy thi hành Hiệp định: ngừng bắn ngay lập tức, thả tù chính trị, thực hiện tự do dân chủ.
Đóng góp cho quan hệ Việt Mỹ
Khi Sullivan đã nghỉ hưu và ông Thạch làm Bộ trưởng Ngoại giao dự các phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Sullivan đã đến trụ sở đoàn Việt Nam gặp ông Thạch nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế để bình thường hóa quan hệ hai nước.
Sullivan là người đầu tiên đưa các công ty Mỹ sang Việt Nam dự hội thảo và diễn đàn doanh nghiệp. Trong một lần hội thảo ở Khách sạn Daewoo, Sullivan hỏi thăm tôi về ông Thạch. Tôi nói ông Thạch tuy không làm Bộ trưởng Ngoại giao nữa nhưng vẫn đang rất tâm huyết nghiên cứu về đổi mới kinh tế và tổng kết xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam.
Sau khi ông Thạch mất, Sullivan cũng bị tai biến mạch máu não không nói được. "Đệ tử" của ông là bà Virgina Foote đã hết lòng tiếp tục sự nghiệp thúc đẩy quan hệ kinh tế và bình thường hóa quan hệ hai nước.
Hai ông đã để lại một di sản quý báu để thế hệ kế tiếp nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác vì lợi ích của hai nước và đóng góp cho hòa bình và phát triển trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Cơ Thạch (1921- 1998), tên khai sinh là Phạm Văn Cương, quê Nam Định. Ông tham gia Cách mạng từ năm 1937, khi vừa tròn 17 tuổi, từng bị Pháp bắt giam tại các nhà tù ở Nam Định, Hoà Bình và Sơn La. Năm 1943, trong nhà tù Sơn La, ông được kết nạp vào Đảng CS Đông Dương. Ông từng làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Bộ Quốc phòng... Từ năm 1954, ông chuyển sang ngành Ngoại giao, là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ trong đàm phán Hiệp định Paris (1972-1973). Tháng 5/1979, ông làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng), rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 1/1980; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (2/1987-1991). Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, phụ trách Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khoá VII và VIII. Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng. Tháng 8/2008, một con đường ở Hà Nội đã được mang tên ông: Đường Nguyễn Cơ Thạch. |
Ông William Healy Sullivan sinh ngày 12/10/1922 tại Rhode Island, Hoa Kỳ. Ông là nhà ngoại giao sắc sảo, được Trưởng đoàn đàm phán đầu tiên của Mỹ tin dùng trong đàm phán với VNDCCH tại Hội nghị Paris. Ông từng là Đại sứ Mỹ tại Lào, tại Philippines và Iran. Trong đàm phán tại Hội nghị Paris, ông Nguyễn Cơ Thạch và Sullivan được coi là "kỳ phùng địch thủ", là một trong các "cặp đôi nòng cốt". W. Sullivan từng tuyên bố "rất thích ông Thạch mặc dù ông ấy rất.. cứng (tough)". Một thái độ rất Mỹ, phục đối thủ sau khi đã "so găng" quyết liệt. |
* Bài viết trích từ cuốn Đặc san 40 năm Hiệp định Paris (1973-2013) do báo Thế giới & Việt Nam thực hiện, năm 2013.