📞

Hội nghị thượng đỉnh châu Phi: Gặp mà không... gỡ!

12:31 | 05/07/2008
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đã kết thúc hôm 1/7 mà không đạt bước đột phá nào. Xung đột nội chiến sắc tộc, giá lương thực, dầu mỏ tăng mạnh đã đẩy lục địa này chìm sâu vào khủng hoảng triền miên mà chưa tìm được lối thoát khả dĩ nào.

Cuộc khủng hoảng tại Darfur (Sudan), xung đột hiện tại giữa Chad và Sudan, cũng như căng thẳng biên giới giữa Djibouti và Eritrea… là những chủ đề bao trùm của cuộc gặp thượng đỉnh với sự có mặt của 53 nhà lãnh đạo châu lục. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người chú ý nhất là cuộc bầu cử lại vừa diễn ra ở Zimbabwe. Mặc dù chung nhận định rằng cuộc bầu cử của  Zimbabwe có quá nhiều vấn đề về tính minh bạch, dân chủ cũng như việc chỉ có một ứng viên duy nhất và cũng là vị Tổng thống tái đắc cử Robert Mugabe, Tuyên bố chung của Hội nghị chỉ gói gọn trong sự kêu gọi thành lập Chính phủ thống nhất ở đất nước đang khủng hoảng trầm trọng này. Nghị quyết của AU cũng không ủng hộ lời kêu gọi trừng phạt Zimbabwe của nhiều nước phương Tây, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí.  

 

 Giới phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo AU có truyền thống “ngại” khi phải tham gia giải quyết vấn đề của các nước thành viên. Nhưng đằng sau thái độ này là thực tế mà Tổng thống Mugabe đã nói thẳng tại Hội nghị: không ít nguyên thủ châu Phi từng lên nắm quyền lực theo những cách thức gây không ít tranh cãi. Cũng chính điểm yếu này khiến các quyết định của AU không phải lúc nào cũng dứt khoát, rõ ràng và chúng thường chỉ có giá trị tham khảo thay vì cần phải được tuân thủ chặt chẽ. 

 

Sự thiếu thống nhất hành động cũng khiến cho những “căn bệnh kinh niên” như đói nghèo, xung đột sắc tộc, bất ổn xã hội... luôn đeo đẳng châu lục vốn rất giàu có về đất đai, khoáng sản, con người này. Thế nhưng, những vấn đề trên đã trở nên trầm trọng hơn rất nhiều trong bối cảnh thế giới khủng hoảng về an ninh lương thực, năng lượng.  

 

Chủ tịch Hội đồng AU Jean Ping cho biết, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, giá lương thực cao và sự thay đổi khí hậu sẽ khiến hơn 100 triệu người dân châu Phi lâm vào tình trạng nghèo đói, đẩy lục địa vốn đã nghèo nhất thế giới vào tình trạng tồi tệ hơn. Vì vậy, mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế gia tăng và có sự cải thiện trong môi trường chính sách, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, giá năng lượng leo thang và sự thay đổi khí hậu đang thách thức kinh tế và sự phát triển của toàn châu Phi. Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã kêu gọi các nước châu Phi tăng sản xuất nông nghiệp bằng cách mở rộng trang trại và sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn để từng bước đạt được các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) về tăng số học sinh đến trường, cải thiện tình hình nước sạch, mở rộng phạm vi chữa trị HIV/AIDS...

 

 Thế nhưng, giữa nhận thức đến hành động của các nước châu Phi lại chưa bao giờ là một con đường ngắn bởi việc khai thác các nguồn tài nguyên phong phú như dầu mỏ, khoáng sản, kim loại... lại có thể đem đến những khoản thu lớn, nhanh chóng cho chính quyền các nước này.

 

Điều đó dẫn đến việc thực hiện những cam kết thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của Hội nghị AU lần này cũng có thể bị rơi vào quên lãng hoặc được trải khai hết sức chậm chạp. Nó cũng giống như tuyên bố chung chung của các nhà lãnh đạo AU về tầm quan trọng của những nỗ lực chung để bảo đảm hòa bình an ninh tại mọi ngõ ngách của châu Phi; Về cuộc xung đột tại Somalia, Ethiopia, Eritrea và Darfur (Sudan) cũng như tình hình Zimbabwe; Về lời kêu gọi các bên tuân thủ cam kết và tìm giải pháp qua đối thoại… Những tuyên bố đó chẳng làm ai phật lòng bởi không có nhiều sự quan tâm về tính khả thi trong thực tế của chúng. 

 

Với những cuộc gặp mà không gỡ rối được bao nhiêu như hội nghị lần này, châu Phi vẫn mãi chẳng thể tự giải quyết hiệu quả những vấn đề của bản thân mình để vươn vai rũ bỏ nghèo đói, chiến tranh và trở thành một cực phát triển mạnh mẽ của thế giới hiện đại trong tương lai. Trước mắt, các thành viên châu lục đang kêu gọi toàn khối có tiếng nói thống nhất trên trường quốc tế và các nước phát triển tuân thủ cam kết hỗ trợ cho châu Phi trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Hơn nữa, quan hệ với châu Phi hiện cũng nằm trong chính sách chiến lược của nhiều nước lớn.

Làm thế nào để giữ được sự cân bằng trong quan hệ quốc tế, tận dụng tối đa sự trợ giúp của các nước lớn cộng với việc khai thác hợp lý các tài nguyên thiên thiên, đó cũng có thể là liều thuốc giải cho các vấn đề vẫn gây xung đột tại châu lục trong thời gian qua.

 

Kim Chung