📞

Hội nghị thượng đỉnh Nga - Nhật khó có bước đột phá

13:14 | 13/12/2016
Mặc dù được mong chờ từ lâu nhưng chuyến thăm sắp tới đến Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin khó có thể tìm ra lối thoát cho những vướng mắc trong quan hệ hai nước, đặc biệt là vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Cách tiếp cận mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm Nhật Bản vào ngày 15/12. Trước đó, theo dự kiến ban đầu, ông Putin định đến Nhật Bản vào năm 2014, nhưng chuyến thăm nhiều lần bị trì hoãn do cuộc khủng hoảng Ukraine và sự suy giảm trong quan hệ Đông - Tây. Ông Putin sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nagato, tỉnh Yamaguchi, trước khi tham dự diễn đàn kinh tế tại Tokyo vào ngày hôm sau (16/12).   

Ông Putin sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nagato, tỉnh Yamaguchi ngày 15/12. (Nguồn: Reuters)

Chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Nga luôn là một sự kiện quan trọng. Và chuyến thăm lần này rất đặc biệt do cách tiếp cận mới của Thủ tướng Abe trong quan hệ với Nga. Chính sách này được công bố trong chuyến thăm của ông Abe tới Sochi (Nga) hồi tháng 5/2016 với những đề xuất tăng cường hợp tác kinh tế trong 8 lĩnh vực chủ chốt. Mục đích cơ bản của ông Abe là để chứng minh giá trị của mối quan hệ Nga - Nhật, từ đó nhận được những nhượng bộ từ Nga trong các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Bất đồng giữa Nga và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Nam Kuril hay Vùng lãnh thổ phương Bắc, mà Liên Xô chiếm đóng vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2. Tranh chấp này đã ngăn cản hai bên ký kết một hiệp ước hòa bình. Giờ đây, người ta hy vọng rằng hiệp ước hòa bình có thể được thông qua nhờ cách tiếp cận mới của ông Abe. Tháng 5/2016, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã làm dấy lên tia hy vọng cho nhiều người khi nói với các phóng viên rằng: “Tôi có cảm giác Nhật Bản và Nga đang đi đúng hướng nhằm tạo một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình, vốn bị đình trệ từ rất lâu”. Liệu chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin trong tháng 12 này có phải là thời điểm hai bên đạt được một hiệp ước về lãnh thổ cuối cùng hay không? Năm 2016 là năm của nhiều điều ngạc nhiên như cuộc bỏ phiếu Brexit (Anh tách khỏi Liên minh châu Âu) và tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ. Do đó, nhiều khả năng Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Nga tại Yamaguchi sẽ khó đem lại một bước đột phá lớn trong quan hệ hai nước.    Thủ tướng Abe có thái độ linh hoạt đối với các tranh chấp lãnh thổ hơn so với những người tiền nhiệm. Ông Abe thừa nhận rằng sẽ không thể giành lại tất cả 4 đảo tranh chấp với Nga và do đó sẵn sàng thỏa hiệp. Kế hoạch của ông Abe dường như để lấy lại 2 hòn đảo nhỏ mà Nhật gọi là Shikotan và Habomai, đồng thời đồng ý tiếp tục đàm phán về tình trạng của các đảo lớn hơn như Iturup và Kunashir (phía Nhật Bản gọi là Etorofu và Kunashiri). Mặc dù ông Abe hiểu rằng các cuộc đàm phán sắp tới khó có thể lấy lại lãnh thổ, nhưng thỏa thuận này sẽ cho phép ông Abe duy trì mục tiêu không từ bỏ yêu sách đối với 4 hòn đảo này.

“Không thương mại hóa lãnh thổ"

Nhiều chuyên gia đánh giá đề nghị này thể hiện những nhượng bộ quan trọng từ phía Nhật Bản và thuyết phục Nga về sự cần thiết của sự hỗ trợ kinh tế từ Nhật Bản. Tuy nhiên trên thực tế, Nga chưa bao giờ có ý định chuyển hai hòn đảo nhỏ cho phía Nhật Bản sau khi hai bên ký một hiệp ước hòa bình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, trong năm nay, các nhà lãnh đạo Nga đã nói rõ ràng rằng nước này sẽ không nhượng bộ thêm nữa. Ví dụ, ngay trước khi gặp ông Abe tại Vladivostok (Nga) vào tháng 9 vừa qua, ông Putin đã công khai tuyên bố: “Chúng tôi không thương mại hóa lãnh thổ".

Nga tập trận tại quần đảo Kuril năm 2014. (Nguồn: AP)

Một dấu hiệu nữa cho thấy một bước đột phá sẽ khó xảy ra trong thời gian tới vì các phương tiện truyền thông Nga chưa làm công tác tư tưởng cho công chúng về những nhượng bộ lãnh thổ. Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy ông Putin không sẵn sàng từ bỏ hai hòn đảo nhỏ. Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tháng 9 vừa qua, ông Putin nói với các nhà báo rằng, Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nga và Nhật “không khẳng định việc chuyển giao diễn ra cần có những điều kiện nào, và ai có chủ quyền đối với những hòn đảo này”.  Cuối cùng, có những hoài nghi về ý nghĩa trong quan hệ giữa Nga - Nhật. Rõ ràng, Điện Kremlin muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản nhằm tìm kiếm cơ hội có thể gây chia rẽ trong nhóm G-7. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga dường như không coi Nhật Bản là một quốc gia quan trọng đáng để có thể “hy sinh lãnh thổ”. Trong Khái niệm Chính sách Đối ngoại mới của Nga, được phê chuẩn vào ngày 30/11/2016, Nhật Bản được xếp sau không chỉ Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn sau cả Mông Cổ.    Do đó, Hội nghị thượng đỉnh ở Yamaguchi có thể sẽ gây thất vọng. Tuy nhiên, chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin sẽ không hoàn toàn thất bại. Hai nước có thể sẽ ký một loạt văn kiện quan trọng về hợp tác kinh tế, và cũng có thể có một thông báo về quan hệ an ninh, chẳng hạn như tái khởi động cuộc đàm phán "2+2" của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước.    

(East Asia Forum)