Nhỏ Bình thường Lớn

Hội thảo Biển Đông: Trung Quốc bị “chiếu bí”

Giới học giả Trung Quốc dường như đang tìm kiếm một phương thức mới thích ứng với những chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động quyết đoán của chính quyền Trung Quốc ở Biển Đông.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ bảy tại Vũng Tàu.

Động thái này thể hiện khá rõ tại Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ bảy được Học viện Ngoại giao, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Thành phố Vũng Tàu cuối tháng 11 vừa qua. Thay vì sẵn sàng đối đầu với phần còn lại như trước, các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc giờ đây tỏ ra khá linh hoạt và tích cực lắng nghe. Không quyết liệt phản bác các lập luận dựa trên luật pháp quốc tế, họ đưa ra cách giải thích tranh chấp trên Biển Đông theo kiểu riêng của người Trung Quốc và hướng thảo luận vào việc tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác hoà hợp giữa hai bên.

Ở một khía cạnh nhất định, động thái nhún nhường của giới học giả Trung Quốc rất đáng hoan nghênh. Không ai muốn ngoảnh mặt với tinh thần hợp tác, bởi suy cho cùng, các quốc gia trong và ngoài khu vực đều đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp phòng ngừa khả năng xung đột xảy ra trên Biển Đông. Tất nhiên, mọi đề xuất hợp tác chỉ có thể thành công nếu được xây dựng dựa trên sự thật và thành ý. Đáng tiếc là cả hai yếu tố này đang là điều không thích hợp khi nói về Trung Quốc. Thiếu sự thật khách quan trong nghiên cứu và thành ý trong thực tiễn, Trung Quốc đang tự đẩy các học giả của mình vào thế bí, khi các luận cứ dễ dàng bị bẻ gãy.

“Tài liệu gốc” không “chuẩn”

Trên phương diện pháp lý, người Trung Quốc muốn tìm kiếm khả năng "thỏa hiệp" giữa các nguyên tắc của Công ước Luật biển quốc tế 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên với lập luận về quyền lịch sử mà Trung Quốc thường xuyên vận dụng ở Biển Đông. Một mặt thể hiện tôn trọng UNCLOS, các học giả Trung Quốc lập luận rằng nước này có thể vận dụng khái niệm quyền lịch sử để giải thích cho tuyên bố đường chín đoạn ở Biển Đông từ góc độ tập quán quốc tế. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị thẳng thắn bác bỏ, bởi như một học giả quốc tế kết luận, tuyên bố chủ quyền theo đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn mang tính cảm tính và thiếu luận cứ khoa học. Lập luận của ông dựa trên nghiên cứu thấu đáo và chi tiết về các tài liệu giới học giả Trung Quốc thường sử dụng để bảo vệ lập trường của chính phủ mình. Với một bài trình bày sống động đầy sức thuyết phục, chuyên gia này dẫn người nghe đến một thực tế rằng phần lớn các tài liệu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhiều năm qua đều có một điểm chung, đó là qua nhiều vòng trích dẫn, tham khảo, các tài liệu đó đều dẫn nguồn từ một số rất ít các tài liệu ban đầu, tạm gọi là "tài liệu gốc".

Đáng chú ý, các "tài liệu gốc" này không đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn nào được thừa nhận trong giới nghiên cứu khoa học. Thứ nhất, tác giả các tài liệu về lịch sử Biển Đông không phải là các sử gia hoặc có kiến thức về biển và hàng hải mà là các chuyên gia luật hoặc chính trị có quan hệ rõ ràng với Trung Quốc. Thậm chí tác giả một số tài liệu vào thời điểm viết vẫn còn là sinh viên ngồi trong trường đại học. Thứ hai, các "tài liệu gốc" đều được xuất bản vào những thời điểm vấn đề chủ quyền trên Biển Đông nổi lên như khi Pháp tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa đầu những năm 1930, hoặc khi xung đột nổ ra ở Hoàng Sa năm 1974, khiến yếu tố chính trị có vai trò chi phối rất lớn trong quan điểm của người viết, đặc biệt khi họ có xu hướng quan hệ chính trị gần gũi với Trung Quốc. Thứ ba, trong các tài liệu ban đầu đó, dữ liệu đưa ra không có bằng chứng rõ ràng; thậm chí có chỗ tham khảo từ nguồn tiếng Anh thiếu chính xác, dẫn đến những nhầm lẫn và sai lệch nghiêm trọng trên thực địa. Bản thân tác giả nguồn tiếng Anh đã công khai điều chỉnh sai lệch của mình, song phía Trung Quốc lại coi đó là chân lý. Dẫn theo những tài liệu thiếu chính xác như vậy, học giả Trung Quốc đang ngày càng đi xa so với thực tế địa lý và lịch sử diễn ra ở Biển Đông.

Cũng theo mạch phân tích về lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, các học giả bày tỏ băn khoăn về tính chính xác của một số nội dung như phạm vi rộng của quyền lịch sử mà Trung Quốc muốn áp dụng ở Biển Đông, giá trị pháp lý của "đường chín đoạn", thực tiễn sử dụng biển trong lịch sử của Trung Quốc, và sự thiếu vắng tuyên bố giải thích chính thức của nước này về lập trường của họ ở Biển Đông.

Phi lý trong hoạt động thực địa

Sự lúng túng của giới học giả Trung Quốc trong việc giải thích cơ sở pháp lý của tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông càng làm nổi bật sự phi lý trong các hoạt động gây căng thẳng, bất chấp lợi ích của các nước khác trên thực địa trong những năm gần đây. Hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn của Trung Quốc tại bảy điểm chiếm đóng ở Trường Sa từ đầu năm 2014 đã gây ra những hệ lụy an ninh, chính trị lâu dài trong khu vực. Tại Hội thảo Biển Đông, nhiều học giả tỏ rõ quan ngại hoạt động này sẽ làm thay đổi vĩnh viễn nguyên trạng ở vùng biển có vai trò an ninh và kinh tế đặc biệt quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới. Khả năng gần như có thể dự đoán được là Trung Quốc sẽ từng bước quân sự hoá các điểm đảo nhân tạo mới xây dựng, gây mất ổn định, hoà bình và an ninh trong khu vực.

Thậm chí, có học giả cho rằng Trung Quốc còn biến Biển Đông thành căn cứ quan trọng cho lực lượng tàu ngầm chiến lược, nâng cao năng lực răn đe hạt nhân của nước này. Trong trường hợp đó, thỏa thuận về một khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), từ lâu đã là một trụ cột an ninh quan trọng ở Đông Nam Á, có thể bị thách thức nghiêm trọng. Hành động xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa của Trung Quốc cũng vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002. Điều 5 của DOC nhấn mạnh, các nước cần tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hóa tình hình và gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Sự thiếu thành ý của Trung Quốc còn thể hiện ở việc gia tăng hoạt động của các lực lượng chấp pháp trên Biển Đông. Trong những năm gần đây, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc và đội tàu cá của nước này đã được đầu tư hiện đại hóa mạnh mẽ và tích cực mở rộng hoạt động sâu xuống phần phía Nam của Biển Đông, gây ra những mâu thuẫn, va chạm mới với ngư dân các nước Đông Nam Á. Nhiều tàu cá trong khu vực đã bị phía Trung Quốc xua đuổi, bắt giữ, hoặc tấn công trong thời gian qua tại chính các ngư trường truyền thống của mình. Nhiều học giả cho rằng các hành động đó đã gây căng thẳng và xói mòn lòng tin trong khu vực.

Phản đối các hoạt động gây hấn của Trung Quốc, song các học giả quốc tế cũng nhất trí quan điểm rằng tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích trong việc bảo vệ môi trường an ninh hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác biển trong khu vực. Là những người có uy tín, có ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng và quá trình hoạch định chính sách của các nước, giới học giả, trong đó có học giả Trung Quốc, cần nêu cao tinh thần hợp tác, đối thoại thẳng thắn để tìm ra chân lý và thúc đẩy các biện pháp quản lý tranh chấp, hạn chế xung đột. Tuyên bố của nhóm Các nhà Lãnh đạo trẻ tại Hội thảo đem đến niềm tin mới khi khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nhà lãnh đạo trẻ ở tất cả các quốc gia, trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào mục tiêu chung là duy trì hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông, vì lợi ích của toàn bộ khu vực.

Tuấn Hà
Học viện Ngoại giao