Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến hơn nửa thế kỷ qua, tạo nền tảng vững chắc mang đến hòa bình cho đất nước.
Thỏa thuận lịch sử
FARC là tổ chức vũ trang đối lập được thành lập từ năm 1964 tại Colombia, với quân số vào thời điểm lớn nhất lên tới hơn 20.000 người. Hình thành từ phong trào đấu tranh phản đối chính sách ruộng đất của Chính phủ Colombia, theo thời gian, FARC dần đẩy mạnh sự đối kháng và phát động các cuộc giao tranh với quân đội Colombia trong suốt thời gian dài.
Cuộc xung đột nội bộ kéo dài hơn 5 thập kỷ qua giữa Chính phủ và FARC đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, hàng triệu người mất nhà cửa, đồng thời khiến cho nền kinh tế Colombia bị ảnh hưởng, bởi hầu hết các mỏ dầu và khoáng sản đều nằm trong những vùng có sự hiện diện của FARC. Trên thực tế, trong suốt nhiều năm liền, việc tìm kiếm giải pháp chính trị giữa Chính phủ Colombia và FARC là rất khó khăn. Sau mỗi lần đàm phán thất bại là một chu kỳ bạo lực mới lại bùng phát.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2010, Tổng thống Juan Manuel Santos đã nhiều lần bày tỏ quyết tâm giải quyết cuộc nội chiến. Quyết tâm của ông Santos đã được thể hiện bằng hành động cụ thể khi tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và FARC được chính thức khởi động lại từ tháng 11/2012, với sự tham gia của Cuba và Na Uy trong tư cách là các nước bảo trợ, Venezuela và Chile là hai nước đồng hành.
Qua quá trình thương lượng gần 4 năm, Chính phủ Colombia và FARC đã lần lượt đạt được thỏa thuận về cải cách ruộng đất toàn diện, đấu tranh chống buôn lậu ma túy, công tác rà phá bom mìn, qua đó chuyển hóa FARC thành một chính đảng, thiết lập cơ chế tư pháp đặc biệt nhằm bảo đảm tiến trình giải giáp của nhóm du kích này, tìm kiếm người mất tích, giảm xung đột vũ trang, bồi thường cho nạn nhân của cuộc xung đột và hòa nhập đời sống xã hội của các thành viên FARC.
Với lễ ký kết hôm 24/6, hai bên đã ra Tuyên bố chung thỏa thuận về ngừng bắn vĩnh viễn và giải giáp vũ khí. Trong thỏa thuận lịch sử này, hai bên cam kết chuyển từ sử dụng vũ khí sang theo đuổi các biện pháp chính trị theo nguyên tắc dân chủ, tự do, đồng thời ấn định thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận cuối cùng để hoàn thành việc giải giáp vũ khí.
Hai bên cũng thông qua cơ chế giám sát ba bên, với bên thứ ba là phái đoàn quan sát viên quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) gồm chủ yếu các thành viên từ khu vực Mỹ Latin, thành lập 8 khu lán trại và 23 khu vực vành đai chuyển tiếp nhằm thúc đẩy quá trình tái hội nhập xã hội của các cựu du kích quân.
Tổng thống Colombia (bìa trái) bắt tay thủ lĩnh tối cao FARC sau khi ký thỏa thuận ngừng bắn, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Cuba Raul Castrol. (Nguồn: Reuters) |
Mở ra thời kỳ mới
Những người trong cuộc và cộng đồng quốc tế đã có phản ứng tích cực sau sự kiện trên. Thủ lĩnh tối cao của FARC Timoleón Jiménez khẳng định mong muốn rằng đây sẽ là những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh những người được hưởng lợi nhất của tiến trình hòa bình đầy chông gai này chính là các thế hệ tương lai của Colombia.
Về phần mình, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos khẳng định cột mốc lịch sử này mở ra cho đất nước một thời kỳ của hy vọng, nơi những ý tưởng được bảo vệ bằng lý lẽ chứ không phải bằng súng đạn.
Chủ tịch Cuba Raúl Castro nhấn mạnh tương lai của Colombia nói riêng và Mỹ Latin nói chung chính là hòa bình, trong khi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nêu bật ý nghĩa quốc tế của thỏa thuận lịch sử vừa ký kết tại La Habana. Trong khi đó, ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang xem xét khả năng loại FARC ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.
Thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn được coi là nấc thang quan trọng cuối cùng trước khi Chính phủ Colombia và FARC ký kết thỏa thuận hòa bình toàn diện. Với thiện chí của các bên liên quan cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, dư luận hy vọng Chính phủ và FARC sẽ sớm tiến tới ký kết hiệp định hòa bình toàn diện, khôi phục hòa bình, ổn định và phát triển ở quốc gia Mỹ Latin này.