Niềm tin về sự "ấm lên" trong quan hệ Mỹ-Trung nhiều khả năng không thành hiện thực. (Nguồn: Reuters) |
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung vẫn đang nóng lên khi chính quyền mới của Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ địa chính trị nguy hiểm nhất. Đương nhiên, Bắc Kinh cũng có cảm nhận về mối đe dọa tương tự từ Washington.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Rất ít lãnh đạo Trung Quốc phủ nhận việc Mỹ là mối đe dọa hiện hữu đối với tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu của quốc gia đông dân này.
Câu hỏi duy nhất là làm thế nào để thiết lập "giới hạn đỏ" cho mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi, cũng như tránh sự va chạm trực tiếp về quân sự.
Trong cuộc đối đầu chiến lược chưa có hồi kết với Mỹ, giới chức Trung Quốc cũng như các đối thủ của Bắc Kinh ở Washington chắc chắn sẽ rút ra những bài học từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sẽ không mất nhiều thời gian để cả 2 bên đưa ra những đánh giá tương đồng về đối thủ. Theo đó, Trung Quốc được khích lệ khi thấy rằng, Bắc Kinh có một loạt các thế mạnh mà Liên Xô trước đây không có.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc có hệ thống kinh tế hỗn hợp hiệu quả hơn nhiều so với nền kinh tế chỉ huy của Liên Xô.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn giữ vị trí trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu khi vừa là nhà cung cấp hàng hóa sản xuất lớn nhất, vừa là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 với trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2020.
Điều này khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc kềm chế hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc.
Về tương quan sức mạnh, bất chấp sự yếu kém đáng kể về công nghệ trong một số lĩnh vực quan trọng, sức mạnh về định lượng của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận.
Tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Mỹ. Tính theo đồng USD, kinh tế Trung Quốc hiện gần bằng 75% Mỹ. Trong khi đó, nền kinh tế Liên Xô, vào thời kỳ đỉnh cao, cũng chỉ bằng 50% Mỹ.
Quan trọng hơn, vì Bắc Kinh vẫn có động lực tăng trưởng mạnh hơn Washington, nên nhiều khả năng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vượt qua vị trí số 1 của Mỹ tính theo đồng USD trong 10 năm tới.
Nếu Liên Xô trước đây bị phá sản bởi một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, thì một chiến lược tương tự nhằm làm Trung Quốc yếu đi có thể mất nhiều thời gian hơn.
Nguyên nhân được cho là vì Trung Quốc có nhiều nguồn lực hơn để tiếp tục cuộc chơi.
Giới chức Trung Quốc có lẽ sẽ cảm thấy vui mừng hơn nữa bởi tình hình chính trị thay đổi lớn từ cuối những năm 1940 đến nay.
Vào cuối Thế chiến II, việc xây dựng liên minh lớn chống Liên Xô dễ dàng hơn hiện nay, vì Moscow là một mối đe dọa có thật đối với các nước láng giềng.
Ngày nay, mối đe dọa do Trung Quốc gây ra có vẻ mơ hồ hơn.
Một số nước coi chiến dịch địa chính trị mới của Washington chống lại Bắc Kinh chẳng qua là nỗ lực nhằm duy trì vị thế bá chủ của Mỹ, do đó các nước này sẽ miễn cưỡng trong việc chọn phe.
Những yếu tố trên sẽ khiến Mỹ khó sử dụng lối chơi Chiến tranh Lạnh cũ để kiềm chế Trung Quốc.
Bất lợi của Trung Quốc
Nhưng trớ trêu thay, hoàn cảnh thuận lợi như vậy có thể khiến Bắc Kinh cường điệu hóa sức mạnh thật sự, với những hậu quả tai hại có thể xảy ra.
Đặc biệt, việc Bắc Kinh tin rằng, rất ít quốc gia có thể tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến các hành động gây hấn khiến các bên trung lập rơi vào vòng tay của Mỹ.
Ví dụ, hành động gây hấn gần đây nhất của Trung Quốc ở Biển Đông khiến một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia khác có phản ứng. Việc Trung Quốc tiếp tục gây hấn sẽ tạo ra một sơ hở chiến lược cho sự trở lại của Hải quân Mỹ ở Vịnh Subic (ngoài khơi Philippines). Đây sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi và là thất bại của chính Trung Quốc.
Tương tự, lập trường cứng rắn của Trung Quốc về nhân quyền khiến Liên minh châu Âu (EU) khó có thể duy trì tính trung lập chiến lược.
Tháng trước, Brussels đã trừng phạt một số ít quan chức Trung Quốc do có liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Thay vì phản ứng im lặng, Bắc Kinh áp đặt các biện pháp đáp trả khiến hiệp định đầu tư được đánh giá cao giữa Trung Quốc với EU gặp nguy hiểm.
Sự tự tin thái quá của Trung Quốc thậm chí có thể hủy hoại những cải cách rất cần thiết ở ngay trong nước.
Về mặt lý thuyết, Bắc Kinh đã xây dựng bản quy hoạch 5 năm rất chi tiết để định hướng lại nền kinh tế quốc gia và đạt được khả năng tự cung cấp về công nghệ. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ thành công.
Những cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là những biện pháp nhằm giảm bớt vai trò của doanh nghiệp nhà nước và huy động khu vực tư nhân được cho là sẽ thách thức niềm tin cốt lõi của Chủ tịch Tập Cận Bình vào chủ nghĩa tư bản nhà nước và quyền tối cao của đảng.
Nếu Trung Quốc đủ mạnh để không tiến hành những cải cách như vậy, nhiều khả năng nước này có thể rơi vào tình trạng trì trệ, giống như Liên Xô đã trải qua từ giữa những năm 1970.
Sự ngạo mạn sẽ khiến Bắc Kinh phạm phải những sai lầm chiến lược.
Môi trường hoạch định chính sách với sự tập trung quyền lực cao độ và thiếu thông tin phản biện là mảnh đất màu mỡ cho những suy nghĩ viển vông và giả định sai lầm.