Trước đó, người dân Iran hy vọng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế vào tháng 1/2016 sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các lĩnh vực ngoài dầu mỏ vẫn đang phải vật lộn với mức lạm phát gần 10% và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 12,5%.
Nhà nghiên cứu Tamer Badawi thuộc Diễn đàn Al-Sharq cho biết Iran đang phải đối đầu với "sự bất mãn kinh tế sâu sắc" cũng như khủng hoảng về kỳ vọng của dân chúng. Để xoa dịu tình hình, chính quyền Tổng thống Rouhani có thể phải tạo thêm công ăn việc làm và kiềm chế lạm phát bằng cách hỗ trợ tỷ giá đồng Rial. Các biện pháp này sẽ đòi hỏi sự thay đổi đáng kể về mặt chính sách, bởi ông Rouhani hiện đang thắt chặt ngân sách nhằm ổn định hệ thống tài chính và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đoàn người biểu tình ở thủ đô Tehran, ngày 30/12/2017. (Nguồn: AP) |
Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani còn phải mạnh tay dẹp bỏ tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Nhà kinh tế Mehrdad Emadi thuộc Công ty tư vấn Betamatrix (Anh) cho rằng ông Rouhani sẽ gặp "thách thức khổng lồ" trong cuộc chiến chống tham nhũng khi các nhóm lợi ích hùng mạnh sẽ đáp trả quyết liệt. Tuy vậy, trong tình cảnh hiện tại, dường như ông Rouhani không còn lựa chọn nào khác.
Sau khi lên nắm quyền năm 2013, ông Rouhani đã nhanh chóng điều chỉnh các chính sách tiền tệ và chi tiêu của người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, bao gồm cắt giảm trợ cấp cho người có thu nhập thấp và trung bình. Tổng thống Rouhani cũng đã trình lên Quốc hội Iran dự thảo ngân sách cho năm 2018. Mặc dù con số 104 tỷ USD trong dự thảo tăng 6% so với ngân sách 2017, tỷ lệ lạm phát cao khiến cho giá trị thực của ngân sách 2018 thấp hơn so với đề xuất năm ngoái.
Trong nghiên cứu của mình, ông Emadi chỉ ra 5 lý do khiến người dân Iran cảm thấy bất mãn với nền kinh tế nước nhà: tỷ lệ thất nghiệp cao, sức mua thấp, nạn tham nhũng, đồng Rial yếu và chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền. Tại một số khu vực ở Đông Nam Iran, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới 45% trong khi thị trường việc làm không ngừng suy giảm. Đồng Rial mất giá đáng kể khi hiện tại 1 USD đổi được 42.900 Rial so với 36.000 Rial vào năm 2016.
Sự yếu kém của nền kinh tế Iran có nguồn gốc sâu xa về mặt cơ chế, cụ thể là ảnh hưởng lớn của một số nhóm lợi ích kiểm soát lên đến 60% tổng tài sản ở Iran, nhưng thường không đóng thuế, kìm hãm cạnh tranh và cản trở tạo việc làm. Ông Rouhani đang yêu cầu thanh tra thuế với một số nhóm, cũng như kêu gọi gia tăng minh bạch trong giới kinh doanh.
Bất chấp những động thái của ông Rouhani, Iran khó có thể nhanh chóng cải thiện tình hình kinh tế. Nhiều khả năng chính quyền của ông Rouhani sẽ tung ra các gói kích cầu để tạo việc làm nhưng sẽ không thay đổi chính sách cắt giảm trợ cấp xã hội. Ngoài ra, những thách thức trong việc đa dạng hóa nền kinh tế và khôi phục hệ thống ngân hàng không thể giải quyết trong một sớm chiều. Chuyên gia Badawi dự đoán chính phủ Iran sẽ cởi mở hơn với dân chúng và đưa ra nhiều đề xuất mới, nhưng các vấn đề về mặt cơ chế sẽ còn đeo bám trong thời gian dài.