Tuần trước, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov đã cảnh báo Hội đồng Bảo an (HĐBA) về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến nữa ở Gaza.
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov. (Nguồn: Middle East Mornitor) |
Lời cảnh báo này đã không nhận được sự quan tâm tại Israel trong bối cảnh đang diễn ra “cuộc chiến” trong liên minh cầm quyền liên quan tới việc đảng Yisrael Beiteinu tham gia Chính phủ, thêm vào đó là các quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Ya’alon và Bộ trưởng Môi trường Avi Gabbay. Tuy nhiên, khi chính thức trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 30/5, thủ lĩnh đảng Yisrael Beiteinu Avigdor Lieberman đã lưu ý tới cảnh báo của ông Mladenov về tình hình vẫn "tuyệt vọng và rất bất ổn" ở Dải Gaza.
Bóng ma bạo lực
Trong báo cáo định kỳ trước HĐBA, đặc phái viên Mladenov nhận định: "Những sự kiện gần đây rõ ràng chứng minh rằng bóng ma bạo lực đang hiện ra rất đáng lo ngại trên vùng lãnh thổ này. Nếu không có hành động triệt để hơn để giải quyết những thực tế rất xấu tại Gaza, câu hỏi không còn là 'nếu' mà là 'khi nào' sẽ diễn ra một sự leo thang bạo lực khác". Những gì ông Mladenov đề cập có thể sẽ là bài toán an ninh trước mắt với Nội các mới của ông Netanyahu.
Tuần trước, trong khi Israel còn bận tranh cãi về dự thảo báo cáo tài chính nhà nước trong cuộc chiến tranh tại Gaza năm 2014 và yêu sách của đảng Habayit Hayehudi (Ngôi nhà Do Thái) nhằm củng cố Nội các đang suy yếu, các cuộc đụng độ nhỏ lẻ tiếp tục diễn ra dọc biên giới với Gaza. Các tổ chức Salafi cực đoan đã bắn rocket và nã pháo cối vào Israel.
Chiến binh Hamas bên các công trình đổ nát tại Dải Gaza. (Nguồn: Reuters) |
Thành công mới đây của Israel trong việc phát hiện hai đường hầm qua biên giới cũng dẫn tới việc Hamas lần đầu tiên nã pháo sang Israel kể từ khi cuộc xung đột kết thúc hồi tháng 8/2014. Tuy nhiên, Hamas đã cố ý bắn vào những khu vực trống trải, tránh các binh sỹ quân đội Israel và nguy cơ leo thang tình hình.
Ai Cập đã can thiệp giúp ổn định tình hình tạm thời và mở cửa khẩu biên giới Rafah cho người Palestine trong hai ngày. Tình cảnh của Hamas khó khăn đến mức nhóm này lập tức đồng ý với yêu sách của Ai Cập về việc ngừng bắn. Tuy nhiên, Ai Cập không đưa ra giải pháp đối với những vấn đề sâu sắc hơn giữa Israel và Hamas, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế tại dải đất này và mối lo ngại của Hamas về việc Israel phát hiện những đường hầm vốn được xem như phương tiện tấn công chính của phong trào Palestine này trong các cuộc xung đột tương lai.
Du khách phương Tây thăm Gaza thường cho biết người dân ở đó, trong đó có các quan chức Hamas, hết sức tuyệt vọng do tình hình kinh tế kiệt quệ. Họ so sánh tình hình hiện nay với hồi tháng 6/2014, thời điểm những vấn đề kinh tế đã góp phần làm nổ ra cuộc chiến. Lúc đó, chính quyền Hamas đã không thể trả lương cho 43.000 viên chức của họ.
Trong khi đó, thỏa thuận hòa giải giữa Hamas và chính quyền Palestine ở Bờ Tây đã bị trì hoãn, cùng với đó là Israel đã phá vỡ nỗ lực của Qatar giúp tháo gỡ tình hình kinh tế khó khăn của Hamas. Theo dự thảo báo cáo kinh tế nhà nước, trong những tháng trước khi nổ ra cuộc xung đột năm 2014, Nội các Israel đã không thảo luận nghiêm túc về khả năng giải quyết tình cảnh kinh tế khó khăn có thể ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza.
Chỉ đến khi chiến tranh kết thúc, Israel mới nới lỏng một số rào cản kinh tế đối với Gaza và cho phép tăng số lượng hàng hóa vào dải đất này - một động thái từng bị Chính phủ Israel từ chối xem xét trước khi bạo lực nổ ra.
Sự chuẩn bị
Vấn đề đường hầm xuyên biên giới của Hamas là một mối lo ngại thường trực của Israel, trong khi giải pháp công nghệ để chống lại mối đe dọa này sẽ cần tới 2 năm để hoàn tất. Các lực lượng quân sự của cả hai bên đang huấn luyện và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh được nhận định thế nào cũng sẽ nổ ra.
Tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman muốn ám sát Thủ tướng Hamas Ismail Haniyeh. (Nguồn: Pars Today) |
Bản thân quan điểm và hành động này từ cả hai phía càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra chiến tranh, giống như một dự báo kiểu "cầu được ước thấy". Trong những ngày gần đây, truyền thông khu vực liên tục trích dẫn lời đe dọa mới đây của ông Lieberman nhằm vào Thủ tướng Hamas Ismail Haniyeh.
Tháng trước, ông Lieberman tuyên bố rằng nếu trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, ông sẽ ra lệnh ám sát ông Haniyeh trong vòng 48 giờ nếu Hamas không trao trả thi thể những binh sỹ Israel thiệt mạng trong cuộc chiến năm 2014. Đây có lẽ là một lời đe dọa suông và sẽ bị lãng quên bởi các vấn đề an ninh bức thiết hơn cũng như việc ông Lieberman phải xoa dịu người dân Israel rằng việc bổ nhiệm ông không phải là một dấu hiệu báo trước cho chiến tranh với Gaza - mối lo ngại chính sau quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Ya'alon cách đây hai tuần là giới lãnh đạo quân đội mất đi một người "tỉnh táo".
Tuy nhiên, do căng thẳng giữa các bên và tình hình kinh tế đang xấu đi ở Dải Gaza, Israel có thể sẽ thảo luận những bước đi ngược lại. Trong suốt nhiều tháng qua, Bộ trưởng Giao thông Yisrael Katz đã yêu cầu Nội các chính phủ thảo luận việc xây dựng một cảng biển cho dải đất này. Đề xuất này đã bị ông Ya'alon phản đối gay gắt. Sau khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông Lieberman có lẽ sẽ có cách nhìn khác và suy nghĩ thoáng hơn về đề xuất của ông Katz.