Nhỏ Bình thường Lớn

Italy hết mặn mà với BRI, vì sao?

Lợi ích kinh tế không được bảo đảm cùng căng thẳng địa chính trị là nguyên do chính dẫn đến thái độ mới của Rome với sáng kiến do Bắc Kinh khởi xướng.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia tháng 11/2022. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia tháng 11/2022. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Năm 2019, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Rome, Italy khiến Mỹ và châu Âu sửng sốt khi trở thành nước đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) gia nhập Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất trên thế giới.

Chưa đầy năm năm sau đó, Italy được cho là sẽ rút khỏi BRI. Động lực nào đã khiến chính quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni cân nhắc về quyết định này?

Khi lợi ích dần vơi

Ở thời điểm năm 2019, không khó để thấy tại sao BRI lại hấp dẫn với Italy tới vậy. Sau khi trải qua ba lần suy thoái chỉ trong vòng một thập kỷ, Rome mong muốn thu hút đầu tư và đưa các sản phẩm của mình vào thị trường tỷ dân. Cùng lúc đó, nhiều người Italy có cảm giác bị bởi châu Âu “bỏ rơi”, trong khi chính quyền nước này bấy giờ tỏ ra hoài nghi về Liên minh châu Âu (EU) và sẵn sàng quay sang Trung Quốc tìm kiếm khoản đầu tư mới để phục hồi kinh tế.

Tin liên quan
Tín hiệu khơi thông bất đồng Mỹ-Trung Quốc: Đốm lửa nhỏ hay ngọn đuốc lớn? Tín hiệu khơi thông bất đồng Mỹ-Trung Quốc: Đốm lửa nhỏ hay ngọn đuốc lớn?

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình có những lý do của riêng mình. Italy là chặng dừng chân cuối cùng trên con đường tơ lụa lịch sử. Do đó, sự tham gia của nước này vào BRI sẽ giúp ông kết nối sáng kiến ngoại giao mang bản sắc của mình với một giai đoạn hoàng kim của Trung Quốc thời cổ đại.

Đó là chưa kể tới những mối liên kết bền chặt giữa hai nước: Italy có cộng đồng người Trung Quốc lớn nhất tại châu Âu. Đồng thời, hai quốc gia này chia sẻ nhiều liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa, đồ da và hơn thế nữa. Trong bối cảnh Trung Quốc mong muốn mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu và trong EU, Italy là mắt xích quan trọng mà nước này có thể khai thác.

Trong khuôn khổ thỏa thuận BRI, chính quyền Italy khi đó đã ký kết hàng loạt cơ chế hợp tác mới với phía Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó, có thể kể tới những thỏa thuận về không đánh thuế hai lần, chứng nhận vệ sinh an toàn cho chế phẩm từ lợn xuất khẩu, bảo vệ các cơ sở văn hóa và di sản văn hóa.

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, người Italy sớm nhận ra BRI không đáp ứng được kỳ vọng. Những thỏa thuận nêu trên không thể làm thay đổi “quỹ đạo” của liên kết kinh tế giữa Rome và Bắc Kinh. Từ khi gia nhập BRI, xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc tăng từ 14,5 tỷ Euro (15,92 tỷ USD) lên 18,5 tỷ Euro (20,31 tỷ USD). Con số này không đáng kể khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Italy đã tăng mạnh, từ 33,5 tỷ Euro (33,67 tỷ USD) lên 50,9 tỷ Euro (55,88 tỷ USD).

Tương tự, đầu tư của Bắc Kinh vào một số nước châu Âu không thuộc BRI thậm chí còn lớn hơn nhiều so với những khoản dành cho Rome. Cụ thể, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Italy giảm từ 650 triệu USD (2019) xuống còn 33 triệu USD (2021). Một báo cáo khác chỉ ra rằng kể từ năm 2005, Trung Quốc đã đầu tư 24 tỷ USD vào Italy, song chỉ có 1,83 tỷ USD được đầu tư sau khi Rome gia nhập BRI. Kinh nghiệm của Italy cho thấy, gia nhập BRI không đồng nghĩa với việc thiết lập một mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc hay bảo đảm rằng nước đó sẽ có thêm mối quan hệ đầu tư và thương mại với Bắc Kinh.

Rút lui để thích ứng?

Sau khi thừa nhận thực tế rằng, BRI không phải “thuốc chữa bách bệnh”, chính phủ Italy đang cân nhắc xem liệu có nên duy trì tư cách thành viên của mình.

Trong năm qua, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhiều lần khẳng định muốn sửa chữa “sai lầm lớn” bằng cách rút khỏi sáng kiến của Trung Quốc. Bà đã chỉ ra việc nước này chưa đạt được lợi ích kinh tế cần thiết khi gia nhập và nhấn mạnh: “Italy là thành viên G7 duy nhất ký vào biên bản để gia nhập ‘Con đường tơ lụa’. Tuy nhiên, Rome lại không phải quốc gia châu Âu hay phương Tây với quan hệ kinh tế và dòng chảy thương mại mạnh mẽ nhất với Bắc Kinh”.

Trong bối cảnh đó, việc Italy rút khỏi BRI ít nhiều phản ánh dòng quan điểm ngày càng chiếm ưu thế của hai bờ Đại Tây Dương về Trung Quốc. Ngày càng nhiều nước châu Âu coi Bắc Kinh là “đối thủ” thay vì “đối tác” như trước đây.

Việc thiếu vắng Italy sẽ tác động đáng kể tới BRI. Thời gian qua, quy mô của sáng kiến đã bị ảnh hưởng: các nước tiếp nhận phải đối phó với nhiều khoản nợ, ngân hàng Trung Quốc thận trọng hơn với các khoản vay không hiệu quả, trong khi Bắc Kinh tập trung giải quyết bài toán kinh tế ở trong nước. Còn các nước châu Âu đang muốn “giảm thiểu rủi ro” kinh tế và do đó, sẽ thận trọng hơn trong thúc đẩy hợp tác với cường quốc châu Á.

Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine cùng lập trường của Bắc Kinh khiến châu Âu thận trọng hơn với yếu tố địa chính trị trong BRI, đặc biệt sau khi Tổng thống Vladimir Putin có ý định đưa Nga tham gia Diễn đàn cùng tên. Vì thế, bước đi của Italy cũng nên được nhìn nhận là cách nước này thích ứng với thực tế địa chính trị mới tại châu Âu, chứ không đơn thuần là câu chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Trung Quốc, Argentina làm giàu hợp tác chiến lược thông qua BRI

Trung Quốc, Argentina làm giàu hợp tác chiến lược thông qua BRI

Trung Quốc và Argentina ký kế hoạch hợp tác để cùng thúc đẩy việc xây dựng Sáng kiến ​​vành đai và con đường (BRI), một ...

Hàng loạt vụ đốt Kinh Quran: Làn sóng nguy hiểm

Hàng loạt vụ đốt Kinh Quran: Làn sóng nguy hiểm

Hàng loạt vụ đốt Kinh Quran đã khiến quan hệ giữa Thụy Điển, Đan Mạch và cộng đồng Hồi giáo xấu đi đáng kể.

Điểm tin thế giới sáng 10/8: Campuchia có nữ Chủ tịch Quốc hội, Ai Cập 'nghiền' lúa mì Nga, sắp họp thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản?

Điểm tin thế giới sáng 10/8: Campuchia có nữ Chủ tịch Quốc hội, Ai Cập 'nghiền' lúa mì Nga, sắp họp thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản?

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 10/8.

Nga-Trung Quốc bắt tay, BRICS trỗi dậy, nhưng mục tiêu không phải hạ bệ đồng USD bị ‘vũ khí hóa’? Các quốc gia muốn gì?

Nga-Trung Quốc bắt tay, BRICS trỗi dậy, nhưng mục tiêu không phải hạ bệ đồng USD bị ‘vũ khí hóa’? Các quốc gia muốn gì?

Sự độc quyền của USD ngày càng gây lo ngại không chỉ ở Nam bán cầu mà còn ở ngay các nền kinh tế lớn ...

Trung Quốc lại 'chạm tay' vào cú sốc mới

Trung Quốc lại 'chạm tay' vào cú sốc mới

Mỹ dành phần lớn thời gian trong 18 tháng qua để đấu tranh kiểm soát lạm phát. Trung Quốc đang gặp vấn đề ngược lại: ...

(theo CFR)