Đã có một thời gian vào cuối thế kỷ 20, một bộ phận người dân ở miền Bắc Italy ấp ủ giấc mơ về việc thành lập một quốc gia mới với tên gọi là Padania. Những người ủng hộ việc thành lập quốc gia mới đã tổ chức các cuộc tuần hành vui nhộn. Họ mặc đồng phục xanh lá cây và mang theo những lá cờ biểu tượng của Padania trong các cuộc tuần hành. Ý tưởng phát hành đồng tiền “Ngân hàng miền Bắc” và thẻ căn cước Padania cũng đã được nêu ra.
Chủ tịch vùng Veneto Roberto Zaia và Chủ tịch vùng Lombardy Roberto Maroni. (Nguồn: Panorama.it) |
Khoảng 3 thập kỷ sau đó, thời điểm căng thẳng ly khai bùng phát ở Catalonia, giấc mơ về nhà nước Padania chưa hoàn toàn sụp đổ, nhưng cơ bản là đã tan biến. Đảng Liên đoàn phương Bắc (LN), lực lượng chính trị đứng đằng sau nỗ lực đòi thành lập nhà nước Padania, đã đề xuất tổ chức hai cuộc trưng cầu ý dân ở hai vùng Veneto và Lombardy.
Hai cuộc trưng cầu dân ý này được coi là có mục tiêu “khiêm tốn” bởi vì chúng nằm trong khuôn khổ Hiến pháp Italy và không hề mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Mục đích của hai cuộc trưng cầu dân ý là nhằm hướng đến việc đại diện của chính quyền địa phương phải thương lượng với chính quyền trung ương để đòi thêm quyền tự trị cho hai vùng này.
Nếu Chủ tịch vùng Veneto Roberto Zaia và Chủ tịch vùng Lombardy Roberto Maroni cảm thấy cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của các nhà lãnh đạo ở Catalonia, họ cũng khó lòng thể hiện một cách công khai.
Ông Maroni nói: “Nhà lãnh đạo Catalonia, ông Carles Puigdemont đã đánh mất một cơ hội đặc biệt. Ông Puigdemont đã dừng lại giữa đường và giờ đây không còn có sức mạnh như trong những ngày đầu tiên”.
Trưng cầu dân ý giúp... đẩy mạnh bầu cử
Các nhà quan sát cho rằng, hai cuộc trưng cầu dân ý nói trên là những động thái chính trị của LN trước cuộc tổng tuyển cử kế tiếp, dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2018. Giáo sư khoa học chính trị Đại học LUISS-Guido Carli ở Rome, Cristina Fusone nhận định LN đang tìm cách để tối đa hóa những kết quả sẽ gặt hái được trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Lombardy và Veneto là 2 vùng giàu có bậc nhất Italy. (Nguồn: DW) |
GS. Fusone nói: “Chúng ta đang chứng kiến một bản đồ địa lý mới về các lực lượng chính trị ở Italy với việc có thêm đảng dân túy kháng chính thống Phong trào 5 Sao và thời điểm tổ chức hai cuộc trưng cầu dân ý ở Lombardy và Veneto đã phản ánh điều đó”.
Trong nhiều năm qua, đảng LN là một thành viên nhỏ nhưng quan trọng trong liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Ông Berlusconi đã công khai ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý này và điều đó hứa hẹn quyền tự trị lớn hơn cho hai vùng Lombardy và Veneto như là một phần trong cương lĩnh vận động tranh cử của phe trung hữu.
Trong khi đó, đảng Dân chủ (PD) trung tả cầm quyền của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, đã lên tiếng phản đối các cuộc trưng cầu dân ý ở Veneto và Lombardy. Lorenzo Colovini, thành viên đảng PD ở Venice nói: “Vấn đề đầu tiên là câu hỏi để trưng cầu dân ý quá mơ hồ. Nếu cuộc trưng cầu là thực sự nghiêm túc, họ cần phải xác định chính xác sự tự trị hơn nữa có nghĩa là gì. Cuộc trưng cầu này giống thực sự chỉ giống như là một chương trình vận động chính trị cho Chủ tịch Roberto Zaia”.
Tuy nhiên, GS. Cristina Fusone cho rằng, điều đó chỉ đúng một phần. Kể từ năm 2001, các vùng của Italy đã có quyền hiến định để yêu cầu sự tự trị nhiều hơn, từ lĩnh vực giáo dục cho đến tài chính. Tuy nhiên, quyền quản lý tài chính đã đột ngột bị cắt giảm do cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu.
Điều này đã khiến các vùng giàu có hơn ở miền Bắc Italy cảm thấy “bực bội”. Ở Italy, các vùng miền Bắc là khá phát triển, trong khi những vùng ở miền Nam lại khá nghèo và có mọi chỉ số tài chính thấp hơn hẳn.
Bắc - Nam chia rẽ
Enzo Moavero Milanesi, giáo sư luật và là một cựu bộ trưởng, cho rằng mặc dù khoảng cách phát triển và việc làm giữa miền Bắc và miền Nam vẫn tồn tại, nhưng tâm lý chống đối của miền Bắc đối với miền Nam hiện đã không còn như cách đây vài thập niên.
Người dân thành phố Milan ủng hộ tự trị của 2 vùng miền Bắc. (Nguồn: AFP) |
GS. Milanesi giải thích: “Điểm chính ở đây là sự quản lý phù hợp. Hai khu vực này đã được đảng LN kiểm soát trong nhiều năm và chúng được quản lý khá tốt. Cả hai vùng đều có hệ thống y tế tốt, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Vì vậy, ý tưởng trưng cầu dân ý ở đây chỉ là để thu hút sự chú ý xem liệu chúng đã được quản lý tốt ở mức độ nào và liệu nhà nước sẽ có những biện pháp gì để sự quản lý đó trở nên tốt hơn nữa”.
Cũng giống như bà Fusone, GS. Milanesi nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu là nguyên nhân chính khiến các vùng ở Italy và nhiều nơi khác đòi thêm quyền tự trị cho họ. Hiện có tin đồn các vùng khác ở Italy, chẳng hạn như Emilia-Romagna, cũng đang muốn tự trị. Tuy nhiên, dự kiến cấp độ yêu sách tự trị ở Italy cũng chỉ ở mức hạn chế và cũng không căng thẳng như những diễn biến ở Catalonia trong thời gian qua.
Italy hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế tự trị đặc biệt. Các hội đồng vùng Sardinia, Sicily, Trentino-Alto Adige/Südtirol, Aosta Valley và Friuli-Venezia Giulia đã được Chính phủ Italy trao cho các thẩm quyền đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý và lập pháp. Hai vùng Lombardy và Veneto đang đấu tranh để được trao các quyền này, trong đó việc kiểm soát lớn hơn về tài chính là vấn đề quan trọng nhất.