Lãnh đạo đảng M5S Luigi Di Maio với người đứng đầu đảng NL Matteo Salvini. (Nguồn: AP) |
Ngày 8/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc Italy (NL) Matteo Salvini đã tuyên bố chấm dứt liên minh đa số tại Quốc hội Italy và yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm nhất có thể. Động thái trên được cho là sẽ đặt dấu chấm hết cho liên minh chính phủ vốn không mấy mặn mà giữa đảng NL với đảng “Phong trào 5 sao” (M5S) của ông Luigi Di Maio, đồng thời đẩy Italy tới gần hơn bờ vực của một cuộc khủng hoảng chính phủ.
Không khó để nhận ra đây là kịch bản đã được dự báo của giới phân tích, bởi mối quan hệ giữa NL và M5S luôn căng thẳng và đối đầu trực diện kể từ khi “về chung một nhà”. Nhận định về bước đi này, lãnh đạo M5S Luigi Di Maio cho rằng đây là “hành động dại dột và nguy hiểm”. Cựu Thủ tướng Matteo Renzi thì kêu gọi các đảng ở Italy đoàn kết và ủng hộ chính phủ, đồng thời tiến hành công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử khi cần thiết.
Với đường lối chính trị và cách tiếp cận khác biệt, viễn cảnh “đường ai nấy đi” và chính phủ liên minh sụp đổ giữa hai đảng đã hơn một lần được truyền thông Italy nhắc đến. Trước đó, giữa tháng 7/2019, nguy cơ tan rã của chính phủ liên minh được cho là ngày càng kề cận, trong bối cảnh hai đảng này bất đồng sâu sắc trong việc ủng hộ ứng cử viên nặng ký Ursula von der Leyen cho chiếc “ghế nóng” Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC). Trong khi NL phản đối bà Ursula von der Leyen giữ chức Chủ tịch EC, đảng M5S lại lên tiếng ủng hộ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp quyền lực nhất châu Âu, đồng thời công khai chỉ trích quan điểm cực đoan của NL làm tổn hại lợi ích của Italy.
Nguyên nhân tình trạng “rối như tơ vò” của chính trường Italy đến từ sự thoái trào của đảng phái chính trị truyền thống, cụ thể là đảng Dân chủ phe trung tả và đảng Tiến lên Italy phe trung hữu, cùng sự nổi lên của các đảng cực hữu, dân túy như NL hay M5S. Quan trọng hơn, sự đối đầu bế tắc giữa Tổng thống với các đảng được đánh giá là “bản sắc” truyền thống của văn hóa chính trị tại Italy, khiến cho các chính phủ liên tiếp cùng các sáng kiến cải cách luôn thất bại.
Chính trường rối ren là vậy, song kinh tế Italy cũng không khá khẩm hơn. Sau khi Vương quốc Anh chính thức chia tay mái nhà chung châu Âu, Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 của liên minh kinh tế - chính trị này. Do đó, nhất cử nhất động của Rome đều nhận được sự quan tâm sát sao, bởi bất kỳ diễn biến nào diễn ra tại quốc gia này đều có thể tác động lớn đến cả khối.
Nếu nhìn lại những vất vả để “giải cứu” Hy Lạp - nền kinh tế có quy mô chỉ bằng 1/8 Italy, không khó để nhận ra những thách thức mà châu Âu sẽ phải đối mặt, cũng như những nỗ lực mà “lục địa già” sẽ phải thực hiện nhằm duy trì sự ổn định của khu vực Eurozone. Với tỉ lệ nợ công lên đến 130% GDP và hệ thống ngân hàng chưa ổn định, nếu liên minh chính phủ giữa đảng NL với M5S không “cùng lùi để cùng tiến”, nguy cơ khủng hoảng kinh tế và kịch bản tương lai bất định như nước Anh thời Brexit nhiều khả năng sẽ xảy ra tại Italy.