📞

Jammu - Kashmir và tầm nhìn người Ấn

Minh Quân 14:00 | 15/08/2019
TGVN. Bãi bỏ cơ chế tự trị cho Jammu và Kashmir chỉ là bước đầu trong kế hoạch tổng thể “chậm mà chắc” của Ấn Độ nhằm vươn tầm thế giới. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại đường cao tốc Jammu – Srinagar ở Nagrota, thuộc tỉnh Jammu và Kashmir. (Nguồn: AFP)
Ngày 5/8, Ấn Độ tuyên bố sẽ bãi bỏ điều 370 trong Hiến pháp về quyền tự trị đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir, vùng duy nhất có đa số dân theo đạo Hồi tại quốc gia này, tiến tới đưa khu vực này thành lãnh thổ trực thuộc liên bang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Trung ương. Động thái đơn phương khẳng định chủ quyền này đã gây tranh cãi kịch liệt và sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ Ấn Độ - Pakistan, song thái độ của New Delhi mới là điều cần chú ý.

Thời điểm nhạy cảm

Đầu tiên, tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi diễn ra chỉ một tuần trước ngày Độc lập của Pakistan (14/8) và ngày Độc lập của Ấn Độ (15/8). 72 năm đã trôi qua song quan hệ New Delhi – Islamabad, ngay cả trong thời khắc yên ả nhất, vẫn luôn tiềm ẩn vô vàn cơn sóng ngầm chực chờ nhấn chìm sự bình yên hiếm hoi ấy. Kashmir, khu vực tranh chấp giữa hai nước là nơi thể hiện rõ nét nhất sự đối đầu đó.

Chính tại khu vực này, ngày 14/2, xe chở lực lượng an ninh của Ấn Độ bị lực lượng khủng bố tại Pakistan Jaish-e-Mohammad đánh bom tự sát, khiến 40 người thiệt mạng. Ngay lập tức, New Delhi đã đáp trả khi loại bỏ Islamabad khỏi danh sách đối tác ưu tiên và tiến hành các cuộc không kích chính xác, bất chấp những lời thanh minh, thiện chí hay doạ nạt đến từ phía Pakistan. Kể từ đó đến nay, quan hệ song phương chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện và việc huỷ bỏ quyền tự trị của Jammu và Kashmir là động thái nằm trong xu hướng đó.

Thứ hai, tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cả Ấn Độ và Pakistan đang có nhiều chuyển biến lớn trong bộ máy đối ngoại. Đối với New Delhi, đó là chiến thắng của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc bầu cử vừa qua trước đảng Quốc đại Ấn Độ (INC); nhiều thay đổi lớn trong Nội các, đặc biệt là ở vị trí Ngoại trưởng và sự thay đổi trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Đối với Pakistan, đó là khó khăn ngày một lớn của Thủ tướng Imran Khan trong việc phá thế bao vây chính trị – kinh tế đến từ Ấn Độ, thông qua mở rộng quan hệ hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc.

Ẩn ý của người Ấn

Chọn thời điểm nhạy cảm để đưa ra một quyết định như vậy, người Ấn hẳn có lý do của riêng mình.

Đầu tiên, khẳng định chủ quyền đối với khu vực Jammu và Kashmir, vốn đang trong tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc chỉ thời gian ngắn trước ngày Độc lập là cách chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi thể hiện sức mạnh. New Delhi hiện kiểm soát và quản lý 45% lãnh thổ Kashmir, trong khi con số này của Islamabad và Bắc Kinh là 35% và 20%. Trung Quốc đã xử lý ổn thoả với Pakistan và giờ đây chỉ còn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ. Động thái quyết đoán của New Delhi đã dập tắt hy vọng của Pakistan và Trung Quốc trong sử dụng Kashmir nhằm gây mất an ninh, chống ly khai hay kích động xung đột sắc tộc tôn giáo ở Ấn Độ.

Thứ hai, đây là đòn đánh trực diện của Ấn Độ nhằm khôi phục vị thế nước lớn khu vực và đánh mạnh vào uy tín và vị thế của chính quyền Pakistan do Thủ tướng Imran Khan đứng đầu. Tuyên bố của Ngoại trưởng Pakistan Mohammed Qureshi khẳng định người dân và giới lãnh đạo “cùng chung tiếng nói”, nỗ lực đưa vấn đề Jammu và Kashmir ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chẳng khiến ông Modi nao núng. Dường như New Delhi đang “hy sinh” quan hệ với Islamabad khi duy trì lập trường cứng rắn, phớt lờ mọi động thái doạ nạt, kêu gọi đàm phán hay xuống nước. Hai bên đã triệu hồi Đại sứ, hoãn các chuyến bay thương mại; bạo loạn nổ ra dọc khu vực Jammu và Kashmir buộc Ấn Độ áp đặt lệnh giới nghiêm, điều động Quân đội đảm bảo an ninh cho ngày Độc lập 15/8.

Thứ ba, “tấn công” Pakistan khi đó là cách Ấn Độ làm suy yếu quốc gia láng giềng đang ngày một thân thiết hơn với Trung Quốc. Pakistan có vị trí địa chiến lược đặc biệt, kết nối miền Tây Trung Quốc với Ấn Độ Dương, giúp Bắc Kinh tiếp cận nguồn dầu mỏ tại Trung Đông và tài nguyên khoáng sản tại châu Phi. Do đó, quốc gia này có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam Á, với nhiều dự án lớn như Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan hay Một Vành đai, Một Con đường.

Tuy nhiên, “vuốt mặt phải nể mũi” và New Delhi nhận thức rằng Bắc Kinh, với tư cách là một bên tranh chấp tại khu vực Kashmir và đối tác thân thiết của Islamabad, sẽ phản ứng gay gắt một khi điều 370 bị huỷ bỏ. Ấn Độ đã có chuẩn bị khi sắp xếp lịch trình để ngày 14/8, ngay sau khi Bắc Kinh lên tiếng, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã công du Trung Quốc, gặp gỡ người đồng cấp Vương Nghị và hội kiến Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn. Ông khẳng định hai bên cần tìm kiếm điểm chung phù hợp, tôn trọng mối quan tâm riêng và kiểm soát bất đồng.

Theo cách nói này, “mối quan tâm riêng” dưới góc nhìn người Ấn chính là huỷ bỏ quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir, khi New Delhi cho rằng đây là vấn đề nội bộ và nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia. “Kiểm soát bất đồng” khi đó sẽ là hạn chế những xung đột, đối đầu về lợi ích trước mắt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cụ thể là trong vấn đề Jammu và Kashmir.

Sở dĩ có hành động “rào trước đón sau” này bởi New Delhi không muốn lặp lại bài học Doklam năm 2017. Dù trong tương lai, cạnh tranh trực tiếp về lợi ích giữa Ấn Độ và Trung Quốc là khó tránh khỏi, song ở thời điểm hiện tại, phần thắng dành cho New Delhi không nhiều. Về tương quan lực lượng, chiến dịch tấn công chính xác cuối tháng 2/2019 đã để lộ điểm yếu chết người của Không quân Ấn Độ, vốn được đánh giá cao hơn hẳn phía Pakistan, và khiến một máy bay chiến đấu MiG-21 bị bắn hạ. Về kinh tế, bất chấp căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà Ấn Độ chưa thể vượt qua trong vài năm tới.

Do đó, New Delhi đang duy trì tốc độ phát triển, tăng cường tiềm lực quốc phòng, ngăn Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng thông qua các đồng minh đối tác tại Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung và Nam Á nói riêng. Khẳng định chủ quyền với Jammu và Kashmir, từng bước suy yếu Pakistan, “hoãn binh” với Trung Quốc để chờ thời khi ấy nằm trong chiến lược “chậm mà chắc” Ấn Độ đang theo đuổi.

Minh Quân