Quốc vương Saudi Arabia Salman và Tổng thống Mỹ Obama. (Nguồn: White House) |
Dự luật JASTA chính thức trở thành luật
Ngày 28/9, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với dự luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố (JASTA), văn bản luật cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Saudi Arabia.
Với tỉ lệ áp đảo 338 phiếu thuận và 74 phiếu chống, vượt qua mức đa số 2/3 cần thiết theo luật định, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyết định phủ quyết dự luật JASTA của Tổng thống Obama, qua đó giúp JASTA chính thức trở thành luật.
Trước đó cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự với kết quả áp đảo gần như tuyệt đối 97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống. Đây là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ có đủ số phiếu cần thiết để vô hiệu hóa một quyết định phủ quyết trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama. Đa số các Thượng nghị sĩ Mỹ cho biết, họ không muốn bị đánh giá là yếu đuối trước những đối tượng bảo trợ khủng bố chỉ vài tuần trước khi nước Mỹ bước vào cuộc tổng tuyển cử, trong bối cảnh cử tri ngày càng lo lắng về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan sau các vụ tấn công mới đây tại New York, Minnesota và Orlando.
Động thái này được xem là một đòn giáng mạnh đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama và với Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở thế giới Ả rập.
Ngay sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ đối với dự luật JASTA, Tổng thống Obama đã phản đối quyết định trên, cho rằng đây là một sai lầm, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và về cơ bản mang động cơ chính trị.
Trong một bức thư gửi tới lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia. Ông tuyên bố đồng cảm sâu sắc với gia đình các nạn nhân vụ 11/9, nhưng JASTA sẽ “gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ” khi các công dân Mỹ phải đối mặt các vụ kiện dân sự liên quan tới các phái bộ quân sự ở nước ngoài. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng chỉ trích một số nghị sĩ thừa nhận rằng họ bỏ phiếu về dự luật này, song không hiểu nội dung văn bản này.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama là "điều khó hiểu nhất" của cơ quan lập pháp này trong nhiều thập kỷ qua. Ông cho rằng, nhiều Thượng nghị sĩ sẽ phải hối hận và chịu trách nhiệm về hành động này.
Tác động lớn tới quan hệ đồng minh
Các nhà phân tích cho rằng, việc Quốc hội lưỡng viện Mỹ biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với dự luật JASTA nhiều khả năng sẽ khiến quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng.
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia được thiết lập ngay sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc. Trái với mối quan hệ thường xuyên căng thẳng hoặc lên bổng xuống trầm với nhiều quốc gia Ả rập khác, Mỹ và Saudi Arabia đã trải qua tình bạn kéo dài gần 7 thập niên suôn sẻ và êm ả.
Saudi Arabia luôn là đồng minh thân cận, là điểm tựa giúp Mỹ thực hiện các chính sách đối ngoại của mình ở Trung Đông. Không chỉ là quốc gia cung cấp dầu lửa ổn định và lớn thứ hai của Mỹ, Saudi Arabia còn là đối tác nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ. Đặc biệt, năm 2010, Chính phủ Mỹ đã thông qua các hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá tới hơn 86 tỷ USD cho Saudi Arabia, trong đó có hạm đội máy bay chiến đấu F-15, máy bay lên thẳng chiến đấu Apache, tên lửa Patriot cùng các vũ khí hiện đại khác.
Tuy nhiên, quan hệ đồng minh giữa hai nước bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ năm 2011, do bất đồng về cách giải quyết những bất ổn ở các nước Trung Đông và Bắc Phi như Iran, Syria, Ai Cập… Thêm vào đó, sau nhiều năm "làm ngơ”, tháng 4/2016, Quốc hội Mỹ bắt đầu xem xét dự luật cho phép công dân nước này kiện Chính phủ Saudi Arabia vì cáo buộc dính líu đến sự kiện khủng bố 11/9.
Trước những căng thẳng, lãnh đạo hai nước đã thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau nhằm hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết, như chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Obama (tháng 3/2014, tháng1/2015, tháng 4/2016) và chuyến thăm Mỹ của Quốc vương Saudi Arabia Salman (tháng 9/2015).
Các chuyên gia phân tích nhận định, dù còn không ít bất đồng, song với những ràng buộc lợi ích không thể tách rời, Mỹ không thể để mất mối quan hệ với đồng minh Saudi Arabia. Bởi hai nước vẫn đang bị ràng buộc bởi mối liên kết đồng minh quân sự và thương mại chặt chẽ lâu năm. Mỹ vẫn cần tận dụng sức mạnh ngoại giao của Riyadh và hơn cả Washington cần phải đảm bảo nguồn cung cấp dầu lớn nhất thế giới luôn ổn định.
Đặc biệt, đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, Mỹ cần Saudi Arabia với vai trò của người đứng đầu liên minh Ả rập - quốc gia có sức mạnh nhất trong khu vực để ủng hộ cho mục tiêu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Các nhà phân tích cho rằng, với mối quan hệ đồng minh lợi ích đã được khẳng định, việc JASTA chính thức trở thành luật sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đứng trước nhiều sóng gió.