Công nhân nhà máy Honda tại Vũ Hán đã trở lại làm việc. Họ ăn tối, giữ khoảng cách hai mét và không quay mặt vào nhau. (Nguồn: AFP) |
Các quốc gia trên thế giới đang hạn chế công dân đi lại trong nhiều ngày và rất nhiều người đã tự hỏi, khi nào sẽ được quay trở lại cuộc sống thường nhật?
Đợi đến khi có vaccine?
Diễn biến dịch bệnh chưa một ngày tạm lắng, các ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 ở các quốc gia châu Âu vẫn tăng đều hằng ngày khiến chính phủ các nước đều buộc phải lựa chọn giải pháp mở rộng các chính sách phong tỏa, hạn chế triệt để việc di chuyển, gặp gỡ mà chưa thể đưa ra bất kỳ tiên lượng nào về những gì có thể còn xảy ra do tính bất định về khả năng lây nhiễm của virus. Tất cả chỉ có thể hy vọng các chính sách đó phát huy tác dụng.
Ấn Độ đã tuyên bố phong tỏa đất nước 1,3 tỷ dân, kéo dài 21 ngày để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát khi nước này ghi nhận hơn 1.200 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 32 ca tử vong.
Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London công bố kết quả mô phỏng bằng máy tính đánh giá việc cách ly xã hội và hạn chế đi lại có thể tác động đến quá trình lây lan dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ và Anh.
Kết quả cho thấy, các biện pháp cách ly xã hội đã giúp giảm một nửa số ca tử vong tại Anh từ 510.000 ca (trong thời điểm đại dịch chưa giảm và khi chưa áp dụng các biện pháp cách ly xã hội), xuống còn 250.000 ca khi mọi người thực hiện tốt yêu cầu ở yên một chỗ và tất cả bệnh nhân đều có khả năng được chữa trị.
Phương pháp mô hình hóa dữ liệu này đã giúp tư vấn cho chính phủ các nước về các biện pháp hạn chế dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, mô hình đã dựa trên ước tính rằng, các biện pháp này sẽ được duy trì ít nhất trong vòng 3 tháng, thậm chí có thể phải kéo dài hơn, trong trường hợp cần thiết.
Giáo sư Neil Ferguson, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và trực tiếp điều hành Viện Abdul Latif Jameel về Phân tích dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp thuộc trường Đại học Hoàng gia London (J-IDEA) nhận định: “Khả năng cao các biện pháp như cách ly xã hội trên diện rộng sẽ được duy trì trong thời gian dài, tốt nhất là cho đến khi có vaccine".
Thực tế cho thấy ở tâm dịch Trung Quốc, những ngày kinh hoàng đã qua đi sau khi các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ được triển khai, dịch bệnh Covid-19 đã dần được đẩy lui, mọi hoạt động đang trở lại, tuy nhiên, nguy hiểm chưa hết rình rập khi liên tục ghi nhận những ca nhiễm bệnh mới đến từ nước ngoài.
Sự bùng phát trở lại?
Các chuyên gia Anh nhận định, một khi các hạn chế đi lại được bãi bỏ, virus SARS-CoV-2 rất có thể sẽ phát tán trở lại, điều này có thể tạo ra làn sóng cách ly xã hội mới.
Thật vậy, để xã hội có thể trở lại như trước đại dịch một cách an toàn, bền vững và con người không còn phải lo sợ, có lẽ cần phải có thời gian, ít nhất là cho đến khi tìm ra vaccine. Thứ mà người ta mong mỏi có thể thành công trong vòng 12 tới 18 tháng tới. Tuy nhiên, đây vẫn là khoảng thời gian khá tham vọng và chúng ta cần tiếp tục mong đợi.
Giáo sư Barun Mathema thuộc Đại học Y tế Công cộng Mailman của Colombia nhận định, việc bùng phát lại các ca nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay có thể cho thấy đều xuất phát từ dòng người ồ ạt tới từ các khu vực khác, lây nhiễm từ các trường hợp chưa có biểu hiện bệnh, hoặc trong bối cảnh siêu lây nhiễm của các ca bệnh không có triệu chứng.
Bởi vậy, GS. Mathema cho rằng, dịch bệnh lây lan cũng có thể phụ thuộc vào việc người dân tuân thủ cách ly xã hội ra sao, hoặc cách mà chính quyền các nước áp dụng lệnh phong tỏa thế nào. Nếu mức độ lây nhiễm giảm, việc thực hiện cách ly sẽ giúp dễ kiểm soát sự phát tán của virus.
Giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng Harvard, Caroline Buckee cho biết “Tôi nghĩ phương pháp mô hình dữ liệu của Đại học Hoàng gia nói đúng về khả năng bùng phát lại của dịch”. Theo GS. Caroline, sự lây nhiễm phụ thuộc vào số ca bệnh không có triệu chứng. Nếu những ca bệnh tự miễn dịch với SARS-CoV-2 được cách ly xã hội, khả năng cao sẽ không có sự bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.
Một nghiên cứu gần đây cũng tiết lộ, việc lây nhiễm giữa các ca bệnh nhẹ hoặc ca bệnh không có biểu hiện có thể là nguyên nhân bùng phát của dịch Covid-19. Ít nhất đã có 86% các ca nhiễm không được thống kê tại Trung Quốc trước thời điểm nước này áp dụng phong tỏa, đây cũng chính là nguồn lây nhiễm của các ca bệnh được thống kê sau này.
Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát, tuy nhiên tại Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát, lệnh nới lỏng chỉ bắt đầu từ tháng 4. Nhưng một khi các biện pháp hạn chế dịch được gỡ bỏ, đó sẽ là một "trò chơi" về thời gian xem liệu virus có bùng phát lại hay không.
Đó là lý do với sự bùng phát nguy hiểm và bất ngờ của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, chính phủ các nước phải tính toán các biện pháp đối phó theo từng bước, phụ thuộc tình hình dịch bệnh.