“Việc này xảy ra một cách nhanh không thể tưởng tượng được. Đó là một cú sốc đối với tất cả mọi người”, nhà phân tích chính trị Ralph Mathekga nhận định trên tờ The Guardian. Trong những năm qua, ngay cả sau khi lãnh tụ Nelson Mandela qua đời, ANC vẫn thường dễ dàng giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử với đa số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, thái độ của cử tri đã thay đổi.
Theo kết quả chính thức được Ủy ban Bầu cử độc lập Nam Phi (IEC) công bố ngày 7/8, ANC giành chưa tới 50% phiếu bầu tại các khu vực quan trọng như thủ đô hành chính Pretoria, Port Elizabeth - “pháo đài” của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid, hay Nkandla - quê nhà Tổng thống Jacob Zuma… Kết quả này đã khiến ANC chịu thất bại cay đắng trước đảng Liên minh Dân chủ (DA) hay đảng Tự do Inkhata (IFP).
Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của ANC trong cuộc bầu cử vừa qua là do vai trò và uy tín của Tổng thống đương nhiệm Zuma giảm sút nghiêm trọng. Kể từ khi ông Zuma lên nắm quyền từ năm 2009, Nam Phi đã xảy ra hàng loạt vụ bê bối tham nhũng, đẩy nền kinh tế vốn được xem là hình mẫu ở châu Phi rơi vào tình trạng bết bát. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi lên tới 27%, trong khi tăng trưởng GDP ở mức 0%. Các cuộc đình công, biểu tình đòi Tổng thống Zuma từ chức diễn ra thường xuyên và thường biến thành bạo động.
ANC vốn được coi như tượng đài của đất nước Nam Phi mới, kể từ khi quốc gia này thoát khỏi đêm trường chế độ phân biệt chủng tộc năm 1994. Tri ân đảng này và cá nhân ông Nelson Mandela, cử tri Nam Phi, đặc biệt là những người da đen, trong nhiều năm qua vẫn dành thiện cảm và ưu ái cho ANC. Tuy nhiên, vòng xoáy kinh tế sa sút đi kèm bất ổn xã hội đã khiến người dân mất lòng tin vào Tổng thống Zuma, qua đó biểu tượng ANC phần nào trở nên mất thiêng.
Từ nay, ANC không thể mặc nhiên cho rằng đa số người da đen ở Nam Phi sẽ ủng hộ đảng. Ở Nelson Mandela Bay, thị trưởng mới của thành phố (người của đảng DA) - là ông Athol Trollip, một người da trắng. Từ đó có thể thấy, hơn 2 thập niên sau khi chế độ Apartheid cáo chung, người dân Nam Phi đi bỏ phiếu vì các vấn đề quốc kế dân sinh chứ không còn là chuyện chủng tộc.
Thất bại lần này của ANC là hồi chuông báo động cho Tổng thống Zuma, người sẽ còn 3 năm nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ANC có thể sẽ buộc phải cắt ngắn thời gian cầm quyền của ông Zuma để tránh một thất bại đau đớn hơn trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Trước tình hình không mấy sáng sủa tại Nam Phi hiện nay, thách thức của ông Zuma là không hề nhỏ.
Bài học của ANC cũng là thông điệp không bao giờ cũ rằng, nếu các chính đảng không làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với nhân dân mà chỉ dựa trên tính chính danh, tư tưởng “công thần” cùng những lời hứa suông, cử tri sẽ quay lưng lại với họ. Nói như ông Mangosuthu Buthelezi, lãnh đạo IFP, về chiến thắng bất ngờ của đảng nhỏ này trên chính quê hương Tổng thống Zuma: “Tôi không hứa sẽ cho mọi người cuộc sống thiên đường. Tôi không hứa mọi việc sẽ tốt đẹp. Chúng ta không nên hứa những điều không thực hiện cho người dân”.