Thoả thuận đình chiến giữa Israel và các lực lượng Palestine tại Gaza bắt đầu có hiệu lực từ 4 giờ 30 sáng ngày 6/5, chấm dứt hai ngày giao tranh căng thẳng, sau khi Chính phủ Israel triển khai hàng loạt vụ tấn công vào dải Gaza phía Palestine, khiến 5 người chết và 60 người bị thương, khiến Hamas và lực lượng Hồi giáo Thánh chiến (IJ) đã đáp trả bằng 700 quả tên lửa bắn vào Israel.
Palestine kịch liệt chỉ trích các cuộc tấn công của Israel nhằm vào những người dân thường. (Nguồn: Getty Images) |
Đáng chú ý, trong chiến dịch lần này, Quân đội Israel được cho là đã công kích vào Văn phòng của hãng Thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) tại dải Gaza. Hành động này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Israel nhằm vào văn phòng của hãng Thông tấn Anadolu tại Gaza. Thổ Nhĩ Kỳ và hãng Anadolu sẽ tiếp tục nói với thế giới về sự tàn bạo và khủng bố của Israel ở Gaza và những khu vực khác của Palestine bất chấp những cuộc tấn công như vậy”.
Thỏa thuận ngừng bắn chưa khô mực, song thực tế cho thấy, nó khó có thể kéo dài, khi các phát ngôn và hành động của lãnh đạo Israel – Palestine đều thể hiện họ chưa sẵn sàng cho một tiến trình đối thoại nhằm tránh tái diễn những kịch bản tương tự trong tương lai gần.
Về phía Israel, Chính phủ nước này từ chối khẳng định các nguồn tin về thoả thuận đình chiến nhằm tránh công khai thừa nhận các cuộc đàm phán với Hamas và IJ. Các đảng đối lập và một thành viên cấp cao của Đảng Likud đã lên tiếng chỉ trích thoả thuận ngừng bắn, cho rằng các điều khoản của thoả thuận này không mang lại lợi ích cho Israel và không thể ngăn chặn tình trạng bạo động trong tương lai. Ngày 6/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Israel sẵn sàng cho các cuộc đối đầu tiếp theo và chiến dịch tại Gaza chưa thể kết thúc chừng nào hòa bình, an ninh cho người dân tại khu vực phía Nam chưa được đảm bảo.
Ở bên kia chiến tuyến, Palestine bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của họ trước sự leo thang của Israel chống lại nhân dân Palestine ở dải Gaza, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc hãy khẩn trương can thiệp. Người Phát ngôn Chính phủ Palestine Ibrahim Melhem cũng lên tiếng tố cáo hành động tấn công văn phòng Anadolu ở Gaza là nỗ lực loại bỏ nhân chứng, nhằm chuẩn bị cho một vụ thảm sát mới tại khu vực này.
Quan trọng hơn, những cuộc đụng độ nảy lửa giữa Quân đội Israel và lực lượng quân sự Palestine tại dải Gaza cho thấy xung đột quân sự - chính trị - sắc tộc này đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cả hai bên và thiếu vắng sự can thiệp tích cực từ cộng đồng quốc tế, nơi đây sẽ tiếp tục là chiến trường khốc liệt. Song cho đến thời điểm hiện tại, mọi nỗ lực của những người chơi lớn trong vấn đề Israel – Palestine đều chưa mang lại hiệu quả.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định sẽ không ủng hộ "Thỏa thuận thế kỷ" do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất. (Nguồn: Getty Images) |
Mỹ tiếp tục duy trì lập trường ủng hộ đồng minh thân cận nhất của mình tại khu vực Trung Đông. Tối 5/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông “ủng hộ 100%” việc Israel bảo vệ người dân trong các cuộc tấn công tên lửa từ Dải Gaza, những hành động khủng bố chống lại Israel sẽ không đem lại lợi ích gì cho người Palestine ngoài đau khổ và đã đến lúc chấm dứt bạo động, cùng hợp tác tiến tới hoà bình, đặc biệt là theo “Thỏa thuận thế kỷ” do chính quyền Mỹ soạn thảo.
Tuy nhiên, ngày 5/5, Tổng thống Mahmoud Abbas đã một lần nữa bác bỏ sự ủng hộ của Chính quyền Palestine dành cho thỏa thuận đơn phương này, chừng nào nó chưa bao gồm một giải pháp Hai Nhà nước mà Palestine có thể chấp nhận. Những chiến dịch quân sự liên tiếp cho thấy, Israel chưa sẵn sàng cho một hiệp định hòa bình và chia sẻ lãnh thổ với Palestine.
Trong bối cảnh như vậy, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh là không đủ để thiết lập lại trật tự. Khi đó, hòa bình tiếp tục là một thứ gì đó xa xỉ đối với người dân sống tại mảnh đất đầy khói lửa này.