TIN LIÊN QUAN | |
Brexit: Kiều dân Hà Lan bị hạn chế giữ hai quốc tịch | |
Hà Lan: Tranh luận gay gắt giữa Thủ tướng và ứng cử viên Wilders |
Dường như những ngày tháng di chuyển bằng xe đạp ở Amsterdam đã cho ông Rutte sức khỏe và sự dẻo dai hiếm thấy để thực hiện hàng loạt chuyến công du nước ngoài tới Mỹ và Đức, tìm kiếm những thỏa thuận nhằm duy trì ổn định cho Liên minh châu Âu (EU) giữa bộn bề vấn đề, từ chiến tranh thương mại, Brexit tới khủng hoảng di cư. Tính đến thời điểm này, ông Rutte đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Chất thép hoa Tulip
Cư dân của xứ sở hoa Tulip được biết đến là vô cùng thân thiện, mến khách, song cũng rất thẳng thắn, cứng rắn khi cần thiết. Thủ tướng Mark Rutte là một người như vậy.
Điều này được thể hiện rõ trong chuyến thăm Washington và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 2/7 vừa qua. Mở đầu buổi nói chuyện, ông Rutte cho biết: “Quan hệ giữa Hà Lan và Mỹ đã kéo dài hơn 400 năm qua. Chúng tôi là đồng minh, là những người bạn và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng nhau trong thời gian tới”. Trong phần thời gian còn lại, vị khách từ Amsterdam cũng luôn nở một nụ cười thân thiện và nhường lời cho ông Trump diễn giải về quan hệ thương mại giữa Hà Lan, EU và Mỹ.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm tại phòng Bầu Dục Nhà Trắng ngày 2/7. (Nguồn: WhiteHouse) |
Tuy nhiên, khi ông chủ Nhà Trắng đề cập tới vấn đề đánh thuế nhôm thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU, đồng thời bông đùa rằng mọi chuyện sẽ ổn thỏa ngay cả khi đàm phán giữa Mỹ và các quan chức EU đi vào ngõ cụt, ông Mark Rutte đã đột ngột ngắt lời bằng một từ “Không” rất đanh thép. Ngay cả khi ông Trump “xuống nước” nhắc khéo ông Rutte cân nhắc về tiềm năng nhập khẩu xe ô tô từ EU vào Mỹ, ông Rutte vẫn thẳng thắn phủ nhận và cho rằng Brussels và Washington cần tìm kiếm thỏa thuận thích hợp để duy trì quan hệ thương mại.
Dường như Thủ tướng Mark Rutte rất kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích của khối, như cách EU đã “trả đũa” thuế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ bằng cách đánh thuế ngược trở lại. Cần nhớ rằng doanh nghiệp châu Âu sản xuất ô tô tại xứ cờ hoa đã xuất xưởng tới 2,9 triệu chiếc trong năm qua, chiếm tới 26% sản lượng toàn nước Mỹ, tạo công ăn việc làm cho 540.000 người. Quan trọng hơn, nếu thành hiện thực, biện pháp trả đũa có thể tác động mạnh tới lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Mỹ vào châu Âu.
Bước chạy đà của ông Rutte
Tương tự, nhà lãnh đạo người Hà Lan cũng tỏ ra rất thẳng thắn trong cuộc trò chuyện với người đồng cấp Anh Theresa May sau khi trở về Amsterdam ngày 3/7 vừa qua. Song lần này, Thủ tướng Mark Rutte mới là người chủ động, khi liên tục nhắc nhở vị khách từ London làm rõ quan hệ Anh – EU sau khi quá tình Brexit kết thúc.
Đáp lại, Người Phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết: “Thủ tướng đã vạch ra kế hoạch đầy tham vọng về quan hệ kinh tế và an ninh với EU. Bà cùng Thủ tướng Rutte đã bàn thảo về đảm bảo giao thương EU – Anh tiếp tục thông suốt thời hậu Brexit”. Bà May cũng nhấn mạnh vào việc phát triển quan hệ giữa Anh và Hà Lan, trong đó có dịch vụ tàu hỏa Eurostar giữa London và Amsterdam.
Việc dàn xếp ổn thỏa vấn đề khó khăn mà EU đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, từ căng thẳng thương mại với Mỹ và Brexit của Anh không những mang lại lợi ích cho Brussels và Amsterdam, mà còn thử thách năng lực của ông Rutte. Sau hai kỳ đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Hà Lan, ông Rutte được cho là sẽ chạy đua cho vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu năm 2019 sau khi ông Donald Tusk mãn nhiệm. Kế hoạch này sẽ đòi hỏi ông phải nắm bắt rõ tình hình của EU, trước hết là “sòng phẳng” với Washington và cứng rắn với London.
Tuy nhiên, khả năng của ông Rutte sẽ một lần nữa bị thử thách khi ông làm khách tại Berlin và gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel, một chính trị gia lão làng. Bên lề việc tìm kiếm thỏa thuận song phương, chủ đề trọng tâm của cuộc hội đàm sẽ tiếp tục là vấn đề thương mại, Brexit và khủng hoảng nhập cư. Ông Rutte được biết đến là có cách tiếp cận “cân bằng” trong vấn đề di cư, kêu gọi các nước EU hợp tác để kiềm chế làn sóng này, tránh gây mất đoàn kết nội khối.
Song đề xuất giải pháp cụ thể, tìm kiếm đồng thuận trong EU vẫn là điều cả bà Merkel, ông Macron hay ông Rutte đều chưa thể làm được, nhất là trong bối cảnh Áo đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EU và Thủ tướng Sebastian Kurz có lập trường siết chặt kiểm soát biên giới. Nỗ lực hợp tác giữa Đức, Pháp và Hà Lan là cần thiết và cuộc gặp với bà Merkel sẽ là liều thuốc thử mạnh, quyết định xem ông Rutte đã sẵn sàng trở thành một phần của bộ ba quyền lực hay chưa.
Châu Âu tuyên chiến với vấn nạn phổ biến vũ khí hóa học và do thám Ngày 29/6, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo đã cam kết về ... |
Italy dùng quyền chặn Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU Ngày 28/6, Italy đã chặn tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), nhằm gây sức ép buộc các nhà ... |
Xe tải lao vào một tòa soạn báo hàng đầu của Hà Lan Cảnh sát Hà Lan đang điều tra vụ một xe tải chở hàng lao vào trụ sở của nhật báo De Telegraaf, một trong những ... |