Trang tin Allafrica mới đây có bài phân tích “Châu Phi: Nhà lãnh đạo mới của Ủy ban Liên minh châu Phi” của phóng viên Cristina Krippahl chuyên viết về chính trị, ngoại giao châu Phi.
Bản lý lịch ấn tượng
Theo tác giả bài viết thì nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm Moussa Faki Mahamat, 56 tuổi, không lạ gì với những thách thức khi được bầu vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) hôm 30/1 vừa qua. Ông đã từng có thời gian đại diện cho Cộng hòa Chad tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là lãnh đạo của AU vào năm 2016.
Ông Faki cũng đứng đầu Ủy ban Hòa bình và An ninh của AU tại Hội nghị thượng đỉnh Nairobi năm 2013 về vấn đề chống khủng bố. Với vai trò là một cựu Thủ tướng và cựu Ngoại trưởng của Cộng hòa Chad, ông đã có tiếng nói quyết liệt trong tất cả các hoạt động quân sự và chiến lược của đất nước mình và tham gia vào các vấn đề khu vực: Libya, Mali, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Sahel và vùng Hồ Chad.
Việc bầu ông Faki làm nhà lãnh đạo AU rất có thể sẽ giúp định hướng lại chính sách của liên minh này đối với các vấn đề hòa bình và an ninh khu vực. Người tiền nhiệm của ông, bà Nkosazana Dlamini-Zuma đến từ Nam Phi đã bị chỉ trích nặng nề vì bỏ qua những vấn đề cấp bách tại lục địa bị khủng hoảng này.
Mặt khác, ông Faki đã để lại dấu ấn trong cuộc chiến chống khủng bố, đáng chú ý nhất là ông đã giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng các bộ trưởng G5 của khu vực Sahel, một liên minh chống khủng bố quân sự gồm Maitania, Mali, Niger, Burkina Faso và Chad, trong đó Cộng hòa Chad là động lực chính.
Ông Faki trong lễ nhậm chức Chủ tịch AU ngày 14/3. (Nguồn: Anadolu) |
Việc bầu ông Faki đứng đầu Ủy ban AU có thể làm hài lòng cả châu Âu và Mỹ, những người ủng hộ Chad trong cuộc chiến chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Negeria và các nhóm thánh chiến khác. Chad cũng là trụ sở của chiến dịch chống khủng bố của Pháp tại khu vực Sahel - Chiến dịch “Barkhane”.
Tuy nhiên, trước đó, không nhiều người cho rằng ông Faki sẽ được bầu vào vị trí này. Những rạn nứt trong nội bộ AU được thể hiện rõ nhất vào tháng 7/2016 khi không có ứng cử viên nào giành được 2/3 số phiếu cần thiết trong cuộc bầu cử, buộc bà Dlamini-Zuma phải giữ chức thêm 6 tháng nữa. Đầu năm nay phải mất tới 7 vòng bỏ phiếu thì ông Faki mới trở thành người chiến thắng trước bà Amina Mohamed, Ngoại trưởng của Kenya.
Khi vận động tranh cử, ông Faki với những kiến thức luật đã học ở Brazzaville (Congo) và Paris (Pháp) đã nói rằng với tư cách là người đứng đầu Ủy ban AU, ông muốn có một lục địa mà nơi đó “tiếng súng sẽ bị át đi bởi những bài hát và những nhà máy sản xuất ồn ào”. Mặc dù ông hứa trong nhiệm kỳ 4 năm của mình sẽ đưa sự phát triển và an ninh lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nhưng ông cũng có thể sẽ tiến hành một số cải cách được cho là cần thiết để giúp tổ chức hoạt động có hiệu quả hơn.
Gian nan thử sức
Ông Faki sẽ chính thức nắm quyền vào giữa tháng 3/2017, khi Lục địa đen đang phải đối mặt với những đợt khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ những năm 1990. Ở khu vực Hồ Chad, hơn 10 triệu người đang cần viện trợ khẩn cấp. Ở Somalia, 6,2 triệu người (gần một nửa dân số) phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và ở Nam Sudan là gần 5 triệu người.
Những đứa trẻ người Somalia đang ăn cơm bên ngoài căn nhà tạm ở Mogadishu (Somalia), tháng 3/2017. (Nguồn: Reuters) |
Ông Faki sẽ phải thuyết phục các quốc gia thành viên giải quyết các nguyên nhân và các yếu tố gây xung đột lâu dài: các quy trình bầu cử đầy mâu thuẫn; các nhà lãnh đạo từ chối rời khỏi vị trí sau khi hết nhiệm kỳ; nạn tham nhũng, độc tài hoặc đàn áp; tăng trưởng dân số; thất nghiệp và biến đổi khí hậu. Những vấn đề này còn kết hợp với 2 thách thức lớn của lục địa này, đó là di cư và mối đe dọa từ các nhóm tôn giáo cực đoan và các nhóm phi nhà nước khác. Có thể nói, ông Faki trở thành nhà lãnh đạo AU vào đúng thời điểm then chốt đối với AU.
Ngoài ra, tại Hội nghị thượng đỉnh AU diễn ra hồi tháng 1/2017, các nhà lãnh đạo AU đã đồng ý với đề nghị của Chủ tịch Rwanda Paul Kagame rằng AU chỉ nên tập trung vào một số ưu tiên chính trong phạm vi của lục địa, như các vấn đề chính trị, hòa bình an ninh và hội nhập trong nội bộ lục địa và tổ chức này cần được tái thiết để phản ánh những điều này. Do đó, ông Faki sẽ phải kiểm soát thận trọng việc cải cách căn bản này cũng như việc tái nhập gần đây của Maroc để tránh tình trạng căng thẳng và chia rẽ đang gia tăng.
Bối cảnh địa chính trị đối với ngoại giao đa phương cũng đang thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, các quốc gia vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi là vấn đề không thể bỏ qua. Thêm vào đó, nền dân chủ đang phát triển ở châu Âu và sự không chắc chắn trong các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra những mối quan ngại mới.
Đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức, tân Chủ tịch Ủy ban AU sẽ phải thúc giục các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm lớn hơn cả về chính trị, kinh tế và tài chính để ngăn ngừa và giải quyết các xung đột khu vực.