📞

“Khoảnh khắc đơn cực” của Đức

08:40 | 12/12/2016
Trong bối cảnh châu Âu đang vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng, đồng thời chủ nghĩa hoài nghi và phong trào phản đối hội nhập đang lên, vai trò đầu tàu của Đức đối với EU càng phải được thể hiện rõ.

Kể từ khi Cộng đồng than-thép châu Âu được thành lập và phát triển thành EU như ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nước Đức với tư cách người dẫn dắt tiến trình hội nhập. Thế nhưng, còn đó những thách thức mà nước Đức phải giải quyết nếu muốn tiếp tục nắm giữ vị thế nhà lãnh đạo của EU trong tương lai.

Hợp tác vì lợi ích chung

Vai trò của Đức đối với EU được thể hiện ngay từ khi những cơ chế hợp tác đầu tiên của châu Âu được thiết lập ở thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Sau Thế chiến thứ Hai, Đức nhanh chóng phục hồi để trở thành một nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Ý thức được nhu cầu tái thiết sau chiến tranh, Đức đã tránh một vai trò chính trị đơn độc mang tính bá quyền, thay vào đó là thể hiện vai trò chính trị thông qua “cơ chế” phối hợp Đức - Pháp. Thêm vào đó, bài học lịch sử của thế kỷ XIX và XX vẫn còn nóng hổi: chỉ trong vòng 80 năm, mâu thuẫn Pháp-Đức đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra 3 cuộc chiến tranh lớn, làm khuynh đảo cả châu Âu và thế giới. Bài học lịch sử đó đã được tiếp thu và chỉnh sửa. Cơ chế phối hợp giữa Đức và Pháp trong các vấn đề ở châu Âu không chỉ giúp hai nước hàn gắn quan hệ mà còn là điều kiện quan trọng thúc đẩy hợp tác ở châu Âu trong thời gian dài.

Trong các cuộc khủng hoảng gần đây, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã phối hợp với các nước khác trong EU để tìm ra giải pháp. (Nguồn: EU Observer)

Những năm gần đây, thế giới rất quan tâm vai trò của Đức trong nền chính trị châu Âu đương đại. Trên thực tế, Đức là nước đông dân nhất và cũng là cường quốc kinh tế mạnh nhất ở châu Âu. Hệ quả là Berlin đã thể hiện tầm ảnh hưởng rõ nét trong EU. Đức đóng vai trò bản lề quan trọng trong việc giúp EU tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, nhất là khi việc đó trùng với lợi ích quốc gia của Đức. Thêm nữa, tầm ảnh hưởng của Đức không chỉ gói gọn trong những vấn đề kinh tế và tài chính hay cải cách chính trị mà còn mở rộng sang lĩnh vực chính sách an ninh và ngoại giao.

Thời thế tạo cơ hội

Những cuộc khủng hoảng liên tiếp từ năm 2009 đến nay, từ khủng hoảng nợ Hy Lạp cho tới vấn đề Ukraine, khủng hoảng di cư và Brexit đã đặt EU vào bối cảnh khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Thế nhưng, mỗi cuộc khủng hoảng này lại trở thành một cơ hội cho Đức thể hiện vai trò lãnh đạo mỗi khi buộc phải đưa ra giải pháp đối phó. Đức đóng vai trò bản lề trong việc phản ứng lại bốn thách thức chính đối với chính sách đối ngoại của EU kể trên.

Trong cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Đức muốn tìm một giải pháp trọn vẹn, để tất cả các bên có thời gian và phương án hợp lý. Đối với Berlin, Hy Lạp không bị vỡ nợ đồng nghĩa với việc Eurozone không bị mất đi một thành viên, còn Đức giành được uy tín.

Căng thẳng và xung đột ở Ukraine dẫn tới những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa EU nói chung với Nga. Trong tình thế đó, Đức vừa thông qua chính sách cứng rắn và ủng hộ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, nhưng cũng tham gia vào tiến trình đàm phán và thực thi các thỏa thuận như Minsk, Minsk 2 nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Trong cuộc khủng hoảng xuất phát từ số lượng người di cư lớn chưa từng có tìm đến châu Âu trong hơn một năm qua, sau nhiều tranh cãi và chia rẽ, Đức đã đàm phán thỏa thuận “một vào, một ra” với Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 3/2016. Theo đó, châu Âu chấp nhận tái định cư người Syria từ các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận người Syria quay trở lại từ Hy Lạp.

Ngay trước khi cuộc trưng cầu ý dân về Brexit được tổ chức, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã gặp người đồng cấp Jean-Marc Ayrault của Pháp. Hai Ngoại trưởng đã khẳng định dù kết quả của cuộc trưng cầu ý dân thế nào, hai nước sẽ cùng nhau chịu trách nhiệm đảm bảo EU tiếp tục phát triển và có thể thực hiện các chức năng của mình.

Theo bản đánh giá được thực hiện hàng năm của Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), Đức dẫn đầu trong danh sách các nước có tầm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của EU trong hai năm liên tiếp 2015 và 2016.  Cũng theo một thăm dò do ECFR thực hiện với câu hỏi xem nước thành viên nào được tiếp cận đầu tiên hoặc nhiều nhất trước các vấn đề của EU, dữ liệu thu được cho thấy nước đứng đầu vẫn là Đức.

Trong những cuộc khủng hoảng gần đây, Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ Đức đã tích cực phối hợp cùng các thành viên EU khác. Trong trường hợp khủng hoảng Ukraine, đối tác chính của Đức là Ba Lan và Pháp. Để đối phó với khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Đức lựa chọn hợp tác với Pháp, Hà Lan và các nước sử dụng đồng Euro ở Bắc Âu cũng như Ủy ban châu Âu (EC). Khủng hoảng di cư là thách thức mà Đức xác định cần phải hợp tác với Italy, các nước vùng Balkan vốn nằm trên đường di chuyển của dòng người di cư-tị nạn, với Hà Lan trên tư cách là Chủ tịch EU và với EC trong việc thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy các đối tác cũng đóng vai trò quan trọng nhưng chính nước Đức mới là chủ thể chịu trách nhiệm về thời gian và thiết kế các sáng kiến. Kiểu lãnh đạo mà nước Đức đang thực hiện, đôi lúc, giống như những “khoảnh khắc đơn cực” như nhà văn Friedrich von Schiller viết trong tác phẩm của mình rằng “kẻ mạnh là kẻ mạnh nhất khi đứng một mình”.

Thách thức cho “nhà lãnh đạo không vương miện”

Để tiếp tục lãnh đạo EU, Đức sẽ phải “đầu tư” nhiều hơn nữa. Trước hết, Đức cần duy trì sự thống nhất và đoàn kết trong EU trước sự trỗi dậy của tâm lý chống EU và dân tộc chủ nghĩa ở một số nước thành viên. Tâm lý chống EU chưa phải là xu hướng chủ đạo nhưng sự thành công và thu hút của một số đảng chính trị cực hữu dựa vào chủ nghĩa dân túy có thể là một điều cần lưu ý trong tương lai.

Thứ hai, Đức cần duy trì và tăng cường quan hệ phối hợp, hợp tác chặt chẽ với những nước thành viên có năng lực giải quyết các vấn đề. Theo kết quả thăm dò của ECFR năm 2015, Đức xác định những nước thành viên EU chia sẻ lợi ích và ưu tiên trong chính sách của EU theo thứ tự là Hà Lan, Áo, Pháp, Phần Lan và Ba Lan. Ngoài ra, Đức cần quan tâm tới cả những nước nhỏ hơn ở Đông Âu để giúp các nước trong khu vực này hội nhập sâu hơn, nhanh với với phần còn lại. Thêm vào đó đó, các nước Bắc Âu, nhóm Benelux đại diện cho một phần đáng kể nguồn lực kinh tế và tài chính của EU. Tầm nhìn và quan điểm của Đức cho tương lai của EU phải tương thích với những chính sách mà các đồng minh của họ ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương thực hiện.

Thứ ba, việc Đức đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong các vấn đề của EU dẫn tới “câu hỏi về nước Đức”, tức là phần còn lại của châu Âu ứng xử như thế nào với quyền lực của Đức. Những sáng kiến và hành động của Đức là cần thiết trong khủng hoảng, nhưng “khoảnh khắc đơn cực” cũng phần nào tạo thành những nỗi thất vọng và do dự lan tỏa ở một số nước. Nhà lãnh đạo thành công phải thu hút được sự ủng hộ của cả những người không cùng quan điểm.

Thứ tư, so với Pháp, Đức mạnh hơn về tương quan quyền lực nhưng chưa thật sự thoải mái với vai trò người lãnh đạo duy nhất của EU. Một lý do của việc này là Đức thiếu kinh nghiệm quản trị và điều phối trong các vấn đề an ninh quốc tế. So với Đức, Pháp đóng vai trò một chủ thể an ninh quốc tế/toàn cầu tốt hơn.

Dù còn những thách thức phải vượt qua nhưng có lẽ, Đức sẽ ngày càng tự tin rằng họ có đủ sức mạnh và năng lực để hành động với tư cách là đầu tàu của một khối liên minh 27 nước.